Những ngày này, dư luận đang rất quan tâm đến sự việc một cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) bị tố hành dân khi họ đi làm giấy chứng tử.
Cá nhân tôi cũng không tránh khỏi việc bức xúc trước cách hành xử này. Bởi nếu như các thủ tục khác có thể chậm lại một chút nhưng đối trường hợp gia đình có tang và việc chứng tử cho người mới mất không còn là thủ tục hành chính đơn thuần mà là vấn đề đạo đức.
Trước những hành xử không đúng chuẩn mực của cán bộ phường Văn Miếu, tôi nhớ đến cách làm hoàn toàn trái ngược của phường Bình An (quận 2, TP.HCM).
Anh Ngô Thanh Tú - cán bộ phường Bình An đến tận nhà gia đình ông Nguyễn Đình Thắng (có người thân vừa mất) để làm giấy chứng tử, ngày 8-5. Ảnh: LT
Ở phường Bình An, từ nhiều năm nay rất nhiều thủ tục Tư pháp – Hộ tịch được cán bộ đến tận nhà làm cho người dân; trong đó có cả thủ tục chứng tử tại nhà.
Khi tiếp nhận thông tin trên địa bàn phường có người dân qua đời thì phường sẽ phân công cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cùng với các cán bộ liên quan mang theo bản khai chứng tử xuống tận nhà hướng dẫn bà con làm giấy chứng tử.
Thậm chí, nếu người dân không có bản photo hộ khẩu thì cán bộ sẽ mang về phường photo hộ. Mọi thủ tục được cán bộ nhanh chóng hoàn thành, làm sao trong vòng hai giờ đồng hồ sẽ chuyển xuống lại cho người dân.
Tôi từng nhiều lần trao đổi với các vị lãnh đạo phường Bình An, họ đều quan niệm rằng tang gia là lúc gia đình đang bối rối, đau buồn và khó khăn nhất thì không nên để họ phải chạy lên chạy xuống chỉ để lo… một tờ giấy chứng tử.
Đồng quan điểm, anh Ngô Thanh Tú, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND phường Bình An cho rằng: “Nếu chiếu theo quy định thì đối với hồ sơ này thì được phép hoàn thành trong 1 ngày. Chẳng hạn hôm nay người dân nộp hồ sơ thì có thể để đến ngày mai mới trả giấy chứng tử. Nhưng làm thủ tục chứng tử là vấn đề nhạy cảm, cần phải linh hoạt chứ không thể tuân theo quy trình hành chính, vì người dân cần giấy này để hoàn tất việc an táng”.
Anh Tú kể đối với riêng thủ tục chứng tử thì phường Bình An không phân biệt ngày thứ hay cuối tuần, ngày thường hay ngày lễ, ban ngày hay ban đêm. Hễ nhận được tin có người mất thì cá nhân anh là cán bộ phụ trách dù ở đâu cũng phải lập tức chạy về phường để làm việc.
Nhiều lần, anh Tú nhận được tin vào buổi chiều tối, ngày cuối tuần và thậm chí là ngày lễ. Lập tức, phó chủ tịch phụ trách, anh và cả cán bộ giữ con dấu phải có mặt tại phường ngay. “Mới đợt lễ 30-4, khi đang đưa vợ con đi Suối Tiên chơi lễ thì nhận tin có người mất, nên tôi phải gọi điện lại cho người dân để hẹn khoảng 2 tiếng sau mình về tới giúp bà con lo giấy tờ. Thật sự là lâu lắm mới đưa gia đình đi chơi nhưng trong tâm lý sẵn sàng về để giúp dân” - Anh Tú kể.
“Bởi vì tang gia là trường hợp không nói trước được nên ngày thường cũng như ngày lễ, tôi không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn gần phường để có việc còn về nhanh” – anh Tú nói.
Quay lại câu chuyện của phường Văn Miếu, tôi thấy chuyện lãnh đạo, cán bộ đi họp, đi học thì ở đâu cũng có. Rất nhiều phường luôn bố trí thay phiên lãnh đạo ở lại phường để ký tá mọi giấy tờ. Những trường hợp bắt buộc phải đi hết, cán bộ phường sẽ nhận hồ sơ rồi gom mang lên tận nơi lãnh đạo họp để ký cho dân. Những chuyện đơn giản các “một cửa” khác làm được, chả lẽ phường Văn Miếu không làm được?