Nhiều bạn đọc đã có ý kiến không đồng tình với kiểu uống bia rượu như hiện nay. Bởi uống bia rượu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy như phát bệnh làm khổ vợ con, giảm khả năng làm việc... Do đó, mỗi người cần chủ động, ý thức hơn để giảm bớt tình trạng này.
Phải quyết cai nếu không sẽ nghiện
Tôi bắt đầu uống rượu khi còn là sinh viên. Ở tuổi sung sức, chúng tôi uống cứ nói là hết tiền mua rượu mới thôi chứ ít khi say. Khi ra trường đi làm, tật nhậu nhiều cũng không bớt… Thậm chí vào những ngày cảm mạo, đang uống thuốc nhưng tôi cũng không chừa. Trong bữa ăn ở nhà, thấy có món gì ngon ngon, tôi đều nghĩ ngay đến “lỳ một lam” cho dễ tiêu cơm. Có người nói vui “ông nghiện rồi”. Tôi cười đáp: “Chỉ ghiền không khí nhậu thôi”. Quả thật, suy nghĩ của tôi lúc đó là vậy…
Cho đến một ngày, tình cơ tôi đọc được một bài báo ngắn mô tả các giai đoạn nghiện rượu, tác hại của nó (do nhóm giáo sư, bác sĩ Mỹ nghiên cứu và công bố), tôi bỗng giật mình và bắt đầu nghiêm túc nhìn lại mình. Hỡi ôi, trong ba giai đoạn nghiện rượu, tôi đang ở giai đoạn đầu và nếu không tự cai thì sẽ là giai đoạn hai, giai đoạn ba…
Bây giờ, sau thời gian dài âm thầm tự chữa trị (chủ yếu là giảm uống rượu, khi nào muốn uống rượu tôi lại tìm cách làm việc khác, nghe nhạc hay đọc sách, chơi với con chẳng hạn), tôi đã phần nào làm chủ được mình, không còn phụ thuộc, lệ thuộc vào rượu nữa.
BÌNH TÂM, phường 14, Tân Bình, TP.HCM
Công chức nên ngưng ngay
Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy cứ chiều chiều tan sở, cán bộ công chức lũ lượt kéo nhau vào quán nhậu. Không hiếm những cuộc nhậu kéo dài đến nửa đêm. Rồi chuyện lãnh đạo cấp trên xuống thăm hay dự đại hội, tổng kết ở địa phương thì cấp dưới thể nào cũng bày chuyện nâng ly dưới danh nghĩa bữa cơm thân mật…
Bỏ qua chuyện nhậu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nhậu nhiều như vậy thì cán bộ công chức không thể có thời gian để nghiên cứu, học tập “bồi bổ cái đầu” để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Chưa kể vì say, mệt, sáng ra vào cơ quan công chức không làm việc được làm ảnh hưởng đến dân.
Nhiều địa phương đã ra văn bản cấm công chức rượu bia trong giờ làm việc, buổi trưa… Tôi cho rằng hơn hết, công chức (và cả những người khác) phải tự ý thức về sức khỏe, gia đình, về công việc mà tự hạn chế chứ không để tới mức phải bị rèn bằng văn bản.
TRẦN THANH, phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP.HCM
Tôi vướng bệnh vì rượu
Tôi vốn thích sự náo nhiệt nên khi có cuộc nhậu nào bạn bè gọi tôi đều có mặt. Mặt khác, mới ra trường chưa vướng bận gia đình, với lại sức khỏe còn tốt nên tôi vui chơi cho thỏa thích. Có tuần tôi nhậu bốn, năm ngày là chuyện thường. Nào ngờ sau ba năm, tôi thấy sức khỏe suy giảm dần. Nếu như lúc sinh viên tôi có thể thức cả đêm để học bài, sáng ra đi học vẫn tỉnh táo thì giờ thức đến 22 giờ là người cứ mệt mỏi và không sao làm việc được. Nghiêm trọng hơn, sau một đợt khám sức khỏe, bác sĩ thông báo rằng tôi bị bệnh gan do nhậu quá nhiều. Căn bệnh khiến tôi rất khó chịu và uống thuốc thường xuyên mỗi khi đụng tới rượu, bia. Mong các bạn trẻ đừng như tôi, nếu có giao lưu với bạn bè chỉ nên uống bia rượu có chừng mực.
PHAN THIÊN HƯNG, kỹ sư xây dựng,
Công ty An Phong, quận 2, TP.HCM
Biểu hiện lâm sàng của ba giai đoạn nghiện rượu
1. Giai đoạn đầu (giai đoạn suy nhược thần kinh): Đó là say bệnh lý, ám ảnh thường xuyên, thay đổi tính phản ứng cơ thể và phụ thuộc tâm lý đối với rượu, mất phản xạ nôn tự vệ, có biến đổi khả năng dung nạp rượu. Thay đổi tính tình, dễ trở nên cộc cằn, hay đa nghi, uể oải, rối loạn chú ý, giảm khả năng hoạt động trí tuệ... Giai đoạn này có thể kéo dài 1-6 năm.
2. Giai đoạn 2 (kéo dài 3-5 năm): Giai đoạn này thèm bắt buộc, tình trạng say rượu bệnh lý ngày một gia tăng, không tự kiềm chế được. Khi cai rượu vài giờ hoặc vài ngày, bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn tâm thần, thần kinh và các rối loạn cơ thể. Các triệu chứng này chỉ giảm hoặc mất khi bệnh nhân được tiếp rượu trở lại. Giai đoạn này bệnh nhân rơi vào trạng thái sợ hãi vô cớ, buồn rầu, dễ giận dữ, đa nghi, có ý tưởng buộc tội, bị ảo giác... Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, run đầu chi, buồn nôn, tiêu chảy, tăng tiết mồ hôi và có thể uống 1.500-2.000 ml rượu mạnh/ngày.
3. Giai đoạn 3 (bệnh não thực tổn do rượu): Bệnh nhân trở nên đờ đẫn, chậm chạp, nói nhiều và hay gây sự. Hội chứng cai ở giai đoạn này là biểu hiện rối loạn thần kinh nặng nề, nhân cách biến đổi nhiều, hay xuất hiện hoang tưởng, ghen tuông, hành vi thô bạo, dễ nổi khùng, giảm trí nhớ, gần như mất khả năng học tập và công tác.
(Theo yhocduphong.net)