Từ ngày 1-4, Nhật Bản sẽ chính thức tiếp nhận người lao động nước ngoài với tư cách “kỹ năng đặc biệt” (lao động kỹ năng).
Dự kiến chương trình này sẽ tiếp nhận 345.000 lao động từ các nước có ký kết hiệp định lao động quốc tế với Nhật, trong đó có Việt Nam.
Thực tập sinh Việt Nam có kỹ năng sẽ làm việc tại Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN
Chương trình này được nhiều lao động trong nước kỳ vọng sẽ có cơ hội làm việc lâu dài, lương cao, chính sách phúc lợi tốt hơn. Đầu tháng 4 chương trình mới này sẽ có hiệu lực, tuy nhiên các hoạt động tuyên truyền về chương trình này khá hạn chế. Thậm chỉ trên website của Bộ LĐ-TB&XH cũng rất ít thông tin về chương trình này.
Không dám "cầm đèn chạy trước ô tô"
Phỏng vấn nhanh của PLO.VN từ các doanh nghiệp lĩnh vực XKLĐ đều cho rằng, hiện phía Nhật và Cục quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH chưa có hướng dẫn nào chính thức nên không thể "cầm đèn chạy trước ô tô".
Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ Quốc tế Sài Gòn- Saigon Iserco, cho hay hiện các điều khoản của chương trình này vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều bàn cãi nên cần có thời gian tham khảo và chờ đến khi có hướng dẫn cụ thể. Chung quy lại còn lệ thuộc phía Nhật nên trong nước chưa có cơ sở để thực hiện.
Bà Cúc đánh giá, chương trình lao động kỹ năng này có lợi cho người lao động, mở rộng 14 ngành nghề, thời gian làm việc lâu hơn, lương cao hơn. Tuy nhiên đi kèm đó là điều kiện thi tiếng Nhật, kỹ năng nghề cao hơn chương trình thực tập sinh (TTS) các công ty XKLĐ đang làm hiện tại.
Từ đó bà Cúc đề xuất nhu cầu tuyển nguồn lao động trong vòng năm tới từ phía Nhật khá cao, theo đó để chương trình thu hút được người lao động tham gia cần có chương trình tuyên truyền rộng rãi, khâu tổ chức thi nên tập trung, có đầu mối tổ chức và hạn chế tình trạng chạy điểm.
Lãnh đạo một công ty XKLĐ tại TP.HCM, bật mí đã tâm huyết với chương trình mới này từ khi có dự thảo, nên dày công tìm hiểu thông tin từ các nghiệp đoàn, doanh nghiệp Nhật, trong đó công ty nhắm vào ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn, vì trước đây phía Nhật không tiếp nhận lao động trong lĩnh vực này.
Còn qua tháng 4, Nhật cho phép tiếp nhận lao động trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn nên công ty rất kỳ vọng, bởi nguồn lao động lĩnh vực này tại Việt Nam khá dồi dào, đội ngũ trẻ có kỳ năng khéo léo.
“Công ty đang xúc tiến xây dựng trung tâm đào tạo kĩ năng nghề nhà hàng khách sạn theo đơn đặt hàng phía Nhật. Tuy nhiên cận giờ G vẫn chưa có động thái gì, cả phía Nhật và Việt Nam nên cần thêm thời gian”, vị lãnh đạo công ty chia sẻ.
Vị này cũng bật mí phía Nhật đã có lộ trình, thời gian, địa điểm để tổ chức sát hạch kỹ năng nghề và tiếng, tuy nhiên vấn đề khiến các công ty tâm huyết với chương trình mới boăn khoăn hiện số du học sinh và thực tập sinh sắp hết hạn tại Nhật có được tham gia vào chương trình mới này.
Nếu số lao động này tham gia sẽ cắt được cơn khan nguồn nhân lực lĩnh vực nhà hàng khách sạn, sau đó mới mở sang những ngành nghề còn lại sẽ khiến các công ty XKLĐ chậm chân. Thậm chí nêu các hệ thống nhà hàng khách sạn tại Nhật nhắm vào nguồn du học sinh để bù đắp nguồn lao động đang thiếu hụt, cũng khiến các công ty trong nước sẽ giảm thị phần vì lâu nay họ ít ra tuyển bên ngoài.
Rối rắm học và thi
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, đánh giá chương trình này mở ra nhằm tiếp nhận lao động có kỹ năng nghề, tiếng Nhật nằm giữa phân khúc kỹ sư và TTS. Tuy nhiên thiết kế chương trình này chỉ nói chung chung là tiếp nhận lao động, trong khi luật lao động của Nhật chưa có tiền lệ, chỉ luật tiếp nhận lao động trình độ cao (cử nhân trở lên) hoặc TTS như hiện tại.
Với hai điều kiện tiếp nhận lao động khắt khe như vậy người sử dụng lao động phải chọn ra người có kỹ năng nghề tốt, tiếng Nhật trôi chảy so với chi phí họ bỏ ra.
Ông Sơn tính toán, để người lao động đạt được trình độ tiếng Nhật tương đương N4, ứng viên mất từ 6-12 tháng tùy thời gian học liên tục cả ngày hoặc 1 buổi. Như vậy người đeo đuổi chương trình kỹ năng phải đầu tư nhiều thời gian, chi phí học tập sinh hoạt, dù nhận thức theo chương trình mới này là đầu tư tương lai, có thời gian làm việc lâu dài, lương cao.
Nhiều năm trong nghề, ông Sơn chỉ ra rằng dù thời gian cận kề, nhưng hàng loạt vấn đề đặt ra cho cả phía Nhật, doanh nghiệp XKLĐ và người lao động cần như đơn vị nào đào tạo, học cái gì, học phí ra sao, lúc nào thì được tuyển chọn, mất thời gian bao lâu và chi phí bao nhiêu để có vé sang Nhật làm việc vẫn chưa được chốt rõ ràng.
Ông Sơn lưu ý, với chương trình TTS phỏng vấn trúng tuyển học viên mới đi học. Ngược lại chương trình này ứng viên học xong mới thi nên sẽ có sự phân tân, dù ứng viên nhận thức chương trình này có nhiều điều kiện ưu đãi hơn. Như vậy đòi hỏi sẽ yêu cầu sẽ quản chặt khâu thi để không tạo tiền lệ đi theo chương trình kĩ năng tốt hơn, sẽ tác động đến chương trình TTS.
Đồng thời các công ty tiếp nhận TTS mong muốn tiếp tục tuyển dụng TTS đã có kinh nghiệm, do đã thạo việc, biết tiếng và chi phí thấp còn nếu tuyển theo chương trình mới chi phí trả lương cao hơn, đơn giá giờ làm thêm sẽ đội lên. Như vậy những công ty chưa tuyển mới họ quan tâm hơn đến chương trình lao động kỹ năng.
Lãnh đạo một công ty XKLĐ sang thăm các thực tập sinh đang làm việc tại Nhật.
Doanh nghiệp tuyển thực tập sinh cân đo hơn
Ông Sơn phân tích thêm, bất ổn khác là các công ty ở vùng sâu vùng xa ở Nhật dè dặt khi cho rằng, sẽ là cầu nối để lao động kỹ năng sang rồi nhảy việc đi nơi khác do chương trình này cho phép người lao động thay đổi công việc do lương vùng xa thấp hơn khu vực thành phố và điều kiện giải trí, sinh hoạt cũng không bằng. Chưa kể người Nhật trung thành với công việc, ngược lại người Việt luôn sẵn sàng tâm lý nhảy việc, sẽ tạo ra sự bất ổn.
“Trong một nhà máy nếu duy trì hai hình thức TTS và lao động kỹ năng sẽ xuất hiện một số hệ lụy khác như sự phân bì về tiền lương, đãi ngộ, thời gian làm thêm, trong khi tính chất công việc không khác biệt nhiều, như thế sẽ có tranh chấp tiền lương giữa hai khối này”, ông Sơn khuyến cáo.
Đồng thời chủ sử dụng lao động TTS lâu nay họ khá thận trọng, còn những lĩnh vực chưa sử dụng TTS họ khá háo hức tuyển lao động kỹ năng. Trong đó có các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn; điều dưỡng cần nguồn lao động nhiều mà lâu nay chưa được nhận TTS quan tâm nhiều hơn. Theo đó những ngày này phía Nhật sẽ khởi động thi tuyển lao động các ngành này trước, các ngành còn lại sẽ có lộ trình dài hơi hơn.
Ông Sơn bật mí thời gian qua đã có gần 400 TTS đã về nước đã đến công ty Esuhai đăng kí tham gia chương trình đặc định kỹ năng, theo đó khi phía Nhật có chương trình cụ thể công ty sẽ tổ chức cho các TTS này sang Nhật. Còn nguồn mới chưa khởi động mà chỉ tiếp nhận lại TTS đã đến Nhật làm việc.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan nên chưa thể đưa ra các bình luận. Đồng thời hiện hai bên đang đàm phán hiệp định về chương trình mới này nên chưa thực hiện ngay được, tuy nhiên hai bên đã đàm phán, thống nhất được nhiều vấn đề liên quan để tiến tới thống nhất chương trình khung, sau đó mới có hướng dẫn lộ trình, phương án thực hiện. Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) |