Sáng 11-1, tại phiên họp thứ 52, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong một lần đi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VIẾT LONG
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có năm dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP. Trong đó, ba dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu và đang được đơn vị tiến hành các bước lựa chọn nhà đầu tư. Hai dự án còn lại là quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia dự thầu.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT kéo dài thời gian đóng thầu đến ngày 12-10-2020. Kết quả, chỉ có dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu nhưng hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu nên phải hủy thầu. Trường hợp tổ chức đấu thầu lại, Bộ GTVT cho rằng sẽ kéo dài thêm thời gian tối thiểu khoảng 10 tháng nhưng cũng chưa thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án trên sang đầu tư công. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chắc chắn dự án triển khai thành công.
“Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với sáu dự án thành phần đầu tư công đang triển khai). Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành đầu tư hai dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư…” - ông Thể cho hay.
Chuyển sang đầu tư công để không ảnh hưởng tiến độ chung
Báo cáo thẩm tra sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH, cho biết vấn đề trên có hai luồng ý kiến.
Ý kiến thứ nhất là đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai đề nghị Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của hai dự án thành phần này, vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của hai dự án này chưa thực sự hấp dẫn. Sau đó tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Cạnh đó, Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 cho phép các dự án đầu tư theo hình thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho hai dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua hình thức PPP sẽ giúp Nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Nam hiện nay đã chậm so với dự kiến là hoàn thành năm 2021. Đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 (ba dự án đầu tư theo hình thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, sáu dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023.
“Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện hai dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư ba dự án trên sang đầu tư công…” - ông Thanh cho hay.
Nhà đầu tư có sáu tháng huy động vốn tín dụng Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án. Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA2. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) là nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án. Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết ba dự án trên có triển khai thành công hay không phải chờ sau sáu tháng. Bởi theo quy định hiện nay, vốn nhà đầu tư chỉ 20%, còn 80% vay ngân hàng nên nhà đầu tư dựa rất nhiều vào việc huy động vốn tín dụng. “Tất nhiên trong quá trình dự thầu, các ngân hàng đều cam kết tài trợ cho dự án nhưng khi trúng thầu thì nhà đầu tư cùng với ngân hàng phải ký hợp đồng cung cấp tín dụng. Nếu ngân hàng chấp thuận thì dự án thành công và ngược lại. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng sau sáu tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và theo quy định, Bộ GTVT sẽ trình QH xem xét...” - ông Thể cho hay. |