Cao tốc Bắc - Nam: Chỉ 3 dự án thành phần có tư nhân tham gia

Như vậy, cùng với việc dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dự án cao tốc Bắc - Nam chỉ còn ba dự án thành phần là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo có nhà đầu tư vượt qua yêu cầu về mặt kỹ thuật để tiến tới xem xét đề nghị trúng thầu.

Theo quy định hiện hành, hai dự án đầu tư theo hình thức PPP nêu trên sẽ được Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư.

Đối với ba dự án đầu tư theo hình thức PPP, nếu có nhà đầu tư trúng thầu, Bộ GTVT sẽ cho doanh nghiệp (DN) có thời gian tối đa sáu tháng để huy động vốn tín dụng. Nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng... Sau đó Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư...

Như vậy, sau khi Bộ GTVT tiếp tục xin chuyển đổi hình thức 2/5 dự án PPP sang đầu tư công thì vẫn chưa chắc ba dự án còn lại suôn sẻ. Điểm đáng chú ý là ba dự án có nhà đầu tư tham gia đến thời điểm hiện tại có vốn góp của tư nhân rất ít, chủ yếu vốn hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư 13.052 tỉ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Nhà nước là 8.000 tỉ đồng, vốn góp tư nhân trên 5.100 tỉ đồng. Dự án Nha Trang - Cam Lâm có tổng mức đầu tư 7.615 tỉ đồng, vốn hỗ trợ nhà nước là 5.058 tỉ đồng, vốn tư nhân chỉ 2.557 tỉ đồng. Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 13.687 tỉ đồng, vốn hỗ trợ nhà nước là 9.311 tỉ đồng, vốn tư nhân cũng chỉ 4.376 tỉ đồng.

Đây là điểm khác biệt khi dự án này được thực hiện đấu thầu quốc tế và đấu thầu trong nước. Cụ thể, khi dự án cao tốc Bắc - Nam tiến hành đấu thầu quốc tế thì hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều lựa chọn các dự án có vốn góp hỗ trợ nhà nước ít và vốn tư nhân nhiều, nhưng khi đấu thầu trong nước thì điều này hoàn toàn ngược lại.

“Qua đó cho thấy DN trong nước hạn chế về vốn tự có, chủ yếu phụ thuộc vào việc huy động vốn tín dụng nên muốn thu hồi vốn nhanh. Và nếu không huy động được nguồn vốn thì không thể khởi công dự án” - một cán bộ trong ngành giao thông nhận định.

Theo một chuyên gia giao thông, điều này cho thấy các DN tham gia dự án chủ yếu là nhà thầu và với những cái tên không hề mới. Trong khi đó, các nhà đầu tư, DN có thế mạnh về tài chính không quan tâm dự án… “Một phần nguyên nhân trên xuất phát từ những vướng mắc trong thu phí BOT vừa qua. Tuy nhiên, cũng dễ nhìn thấy các DN tư nhân trong nước chưa đủ mạnh nên hầu như chấp nhận làm nhà thầu thi công để kiếm lợi nhuận…” - vị chuyên gia lý giải.

Cũng theo vị này, việc huy động nguồn vốn để tham gia các dự án trên hiện nay rất khó khăn. “Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này… nên việc có ít nhà đầu tư tham gia là dễ hiểu” - vị chuyên gia cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm