Với những tiến bộ "thần tốc" trong lĩnh vực trong trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đã bắt đầu áp dụng AI trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự thời hiện đại.
Từ xung đột ở Ukraine đến ở Dải Gaza, các bên tham chiến đang áp dụng AI theo nhiều cách khác nhau để nâng cấp sức mạnh của hệ thống vũ khí.
Cuộc chiến ở Ukraine đang cho thấy mức độ mới trong việc ứng dụng AI vào thời chiến, bất chấp những lập luận cho rằng cuộc chiến này là một ví dụ về sự quay trở lại mô hình và phương thức chiến tranh truyền thống.
Tương tự, ở Gaza, Israel đang sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự tích hợp AI, và đã đạt lợi thế lớn hơn nhiều so với đối thủ.
Vai trò của AI trong chiến tranh hiện đại
Theo ông Daniel Bron - thành viên ban quản trị công ty tư vấn pháp lý Solidity Law (Mỹ), một biểu hiện quan trọng của AI trong xung đột là việc sử dụng mạng cảm biến.
Trong bài báo chuyên đề "Mạng cảm biến: Phát triển, Cơ hội và Thách thức", hai nhà nghiên cứu Chee-Yee Chong và Sanjay Kumar (Mỹ) đã nghiên cứu sâu về mạng vi cảm biến không dây.
Các mạng này (do AI hỗ trợ) đóng vai trò là "tai mắt" của quân đội ngày nay, cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình hình chiến trường, từ đó giúp quân đội nâng cao khả năng lập kế hoạch, chiến lược và ra quyết định,...
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các mạng như vậy có thể là công cụ giám sát tiên tiến của quân đội các bên, có khả năng dự báo hành động của đối phương và đề xuất các biện pháp đối phó.
Tiềm năng chiến lược của AI không chỉ ở ngoài chiến trường mà còn ở tiến vào lĩnh vực chiến tranh kỹ thuật số. Nghiên cứu "Sử dụng mô hình Bayes để dự đoán chiến lược ban đầu trong trò chơi chiến lược thời gian thực (RTS): Trường hợp game StarCraft" của hai TS Gabriel Synnaeve và P. Bessiére (Pháp) đã chứng minh cách AI có thể dự đoán chiến lược ban đầu của đối thủ khi bắt đầu tham chiến.
Mô hình Bayes (hay định lý Bayes) là một loại lý thuyết xác suất thống kê, được dùng để phân tích, đánh giá và dự báo.
Trò chơi chiến lược thời gian thực (RTS) là một thể loại trò chơi (game) chiến thuật, trong đó tất cả người chơi sẽ cùng tham gia một trận chiến trên cùng một thời điểm. Trong game RTS, người chơi sẽ phải chiến đấu để bảo vệ khu vực của mình khỏi những người chơi khác và cũng sẽ tìm cách để phá hủy căn cứ, công trình của đối thủ. Tương tự một trận chiến thực sự trên chiến trường.
Theo ông Bron, tuy nghiên cứu trên tập trung vào một trò chơi kỹ thuật số, nhưng có thể thấy chúng có những tác động không nhỏ đến chiến tranh thực tế. Khả năng dự đoán chiến lược ban đầu của đối thủ có thể mang lại lợi thế đáng kể trong một cuộc xung đột, cho phép thực hiện các hành động phủ đầu và lập chiến lược đối phó về sau.
AI hiện diện từ xung đột ở Ukraine cho tới ở Gaza
Theo trang tin trực tuyến Inkstick Media, các công cụ AI đang nâng cao năng lực của cả hai bên Nga và Ukraine trong cuộc chiến hiện nay.
Một trong những ứng dụng chính của AI trong cuộc chiến này là thu thập và giám sát thông tin tình báo. Các bên đã sử dụng máy bay không người lái (UAV), được trang bị camera và cảm biến AI, cho các nhiệm vụ trinh sát, cung cấp dữ liệu và hình ảnh theo thời gian thực.
Hệ thống AI được thiết lập để nhận biết thiết bị quân sự, hoạt động di chuyển quân và các tài sản chiến lược của đối phương, cho phép các chỉ huy đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu được thu thập. AI đang giúp cả quân Nga và quân Ukraine xử lý lượng lớn thông tin về chiến trường - thứ vốn là thách thức vô cùng lớn đối với các nhà phân tích quân sự.
Bên cạnh đó, các UAV được tích hợp AI còn có thể tự động điều hướng trong các môi trường phức tạp, xác định mục tiêu và thậm chí đánh giá thiệt hại sau các cuộc tấn công. Theo tờ The Washington Post, các UAV tích hợp AI có thể xác định và tấn công mục tiêu dựa trên các tiêu chí được lập trình sẵn, giúp giảm đáng kể thời gian ra quyết định trong các tình huống chiến đấu.
AI có tiềm năng cách mạng hóa chiến tranh, cung cấp các công cụ tiên tiến để giám sát, phân tích và dự đoán tình hình chiến trường.
Cuộc chiến ở Dải Gaza cũng đang làm nổi bật tính ứng dụng của AI trong xung đột.
Ngay sau khi xung đột bùng nổ hồi tháng 10-2023, theo đài NPR, quân Israel cho biết đã sử dụng hệ thống AI có tên là “The Gospel” để nhanh chóng xác định các chiến binh và thiết bị của Hamas ở Dải Gaza, từ đó ra quyết định tập kích các địa điểm này. Hệ thống này thu thập lượng lớn dữ liệu và khoanh vùng các khu vực có thể là căn cứ của Hamas.
Tờ The Guardian dẫn lời một sĩ quan tình báo Israel rằng các hệ thống này giúp việc thực hiện số lượng lớn các cuộc tấn công trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài việc xác định mục tiêu, Israel đang sử dụng AI để lập bản đồ mạng lưới đường hầm mà Hamas xây dựng, theo Inkstick Media. Chia sẻ với hãng tin AFP, một quan chức quốc phòng cấp cao Israel nói rằng họ đã sử dụng AI vào cuộc chiến ở Gaza, nhấn mạnh rằng công nghệ này đã phá hủy UAV và lập bản đồ mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas ở Gaza.