Chuyện buồn ngày sinh nhật!

Ngày 16-9, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp UBND, MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Luật gia phường Bến Thành và Trường THCS Nguyễn Du quận 1 tổ chức phiên tòa giả định.

Phiên tòa xét xử vụ án vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ, bị cáo chưa thành niên, chưa đủ tuổi có bằng lái xe nhưng đã sử dụng xe gây tai nạn làm chết người.

Đây là một trong nhiều phiên tòa giả định được Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp tổ chức tại một số trường địa bàn TP thời gian qua.

Tổ chức phiên tòa giả định được đánh giá là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả.

Tổ chức phiên tòa giả định được đánh giá là phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất hiệu quả; bởi các kiến thức pháp luật trở nên dễ nhớ và được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng, từ đó sẽ góp phần hạn chế vi phạm pháp luật trong giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ tham gia giao thông nhưng không có giấy phép lái xe, không đội nón bảo hiểm, kẹp ba kẹp bốn, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Bất chấp các biển hiệu đường một chiều, hai chiều, bất chấp dải phân cách, vạch vôi chỉ rõ làn đường, các bạn trẻ vẫn dàn hàng ba hàng bốn, vừa đi vừa nói chuyện, rẽ không bật đèn tín hiệu, không quan sát...

Tất cả vi phạm này có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dù có ăn năn hối cải cũng đã quá trễ. Do đó, điều cần thiết là mỗi người phải tự có ý thức chấp hành đúng pháp luật để bảo vệ cho chính bản thân mình và cho người khác.

Đó là thông điệp mà phiên tòa giả định muốn truyền tải đến gần 1.000 em học sinh ở Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM.

Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng trình tự diễn ra như phiên tòa thật sự.

Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng trình tự diễn ra như phiên tòa thật sự, rất cụ thể về các điều luật cũng như tình huống học sinh gặp phải, phù hợp với nhận thức của các em.

Phiên tòa giả định không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật, mức án áp dụng mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, giúp người xem biết được ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính nhân đạo, tạo điều kiện hướng thiện trong chính sách hình sự đối với những người phạm tội thông qua mức án được tuyên.

Bị cáo đang còn là học sinh nên HĐXX cân nhắc các quy định và cho hưởng án treo để tạo điều kiện tiếp tục đi học.

Nội dung vụ án là chuyện một em học sinh lớp 10 lấy xe máy của cha đi tiệc sinh nhật của mình. Trên đường đi, em va chạm vào xe máy khác điều khiển đang lưu thông chiều ngược lại. Tai nạn xảy ra làm nạn nhân chết do đa chấn thương.

“Chỉ vì muốn dự sinh nhật không trễ giờ mà bị cáo đã lái xe máy dù không có bằng lái, vượt ẩu, không quan sát, gây ra tai nạn chết người. Hậu quả là vướng vào vòng lao lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, lý lịch nhân thân; ảnh hưởng gia đình người khác, làm liên lụy đến gia đình của mình phải bán tài sản để bồi thường.

Bị cáo là học sinh hằng ngày đi học, được dạy, được nghe những khẩu hiệu như: Khi lái xe trên đường thì phía trước tay lái là sự sống, chúng ta hãy lái xe bằng cả trái tim; an toàn là bạn, tai nạn là thù; an toàn giao thông là hạnh phúc của mọ nhà... bị cáo có ý thức, lưu tâm đến những nội dung này không?” - chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở bị cáo.

Cha của em học sinh này không biết việc con lấy xe đi nên không bị xử lý hình sự. “Nếu ông biết con mình không có bằng lái mà vẫn đồng ý giao xe rồi gây ra tai nạn như vụ án này thì ông cũng bị truy cứu về tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Do đó, tránh trường hợp xảy ra rủi ro cho người khác và cho chính mình. Khi cho người khác mượn xe mô tô, phải hỏi rõ là có bằng lái hay chưa, tuyệt đối không giao xe cho người chưa có bằng lái điều khiển” - chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.

HĐXX đã tuyên phạt em học sinh này hai năm sáu tháng tù nhưng cho được hưởng án treo để có thể tiếp tục đi học.

Phiên tòa giả định giúp người xem biết được ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh, nhân đạo, tạo điều kiện hướng thiện trong chính sách hình sự.

Phiên tòa giả định giúp các em học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 hiểu hơn về các quy định khi tham gia giao thông đường bộ, hậu quả gây ra cho bản thân và người khác từ việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật, hành vi vi phạm sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật như thế nào.

Những điều này các em đã được học, được nghe nhưng chưa hình dung rõ ràng. Nhiều học sinh cho biết đã có được bài học quý giá để sau này không phạm luật, nhất là kiềm chế sự bốc đồng ở độ tuổi mới lớn như thích thể hiện bản thân qua việc chạy xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái hoặc buông tay lái hoặc chạy dàn hàng ngang trên đường…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm