Có lẽ trong các câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp, người ta quá quen với cái tên Nguyễn Hữu Duy, chàng trai xây ước mơ từ việc trồng cà phê organic.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, nên có lẽ nắng gió làm con người anh chỉ mới hơn 30 tuổi đã trở nên chững chạc, sự rắn rỏi trong từng câu nói.
Câu chuyện khởi nghiệp từ cây cà phê hữu cơ
Duy mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện cuộc đời: “Tôi là người không có bằng đại học. Thật sự là như vậy. Tôi từ bỏ khi đã học đến năm 3 đại học. Nhưng với tôi việc bạn dừng học ở môi trường này không có nghĩa bạn trở thành người thừa của xã hội, bạn cần học điều bạn thấy ý nghĩa”.
Duy tự nhận mình là một người có sự nhạy bén với thị trường, nhưng sau bốn lần khởi nghiệp từ buôn bán mỹ phẩm, quần áo, quán cơm sinh viên cho tới thiết bị giáo dục, anh đều thất bại.
“Khi ấy tôi nhận ra rằng sau ngần ấy năm, rút cuộc mình đang tìm kiếm cái gì cho cuộc sống, việc kiếm ra thật nhiều tiền đã làm không còn là lý do cho mỗi buổi sáng thức dậy”, Duy nói.
Thế rồi, cái sự ngông nghênh gặp tuổi trẻ, anh quyết định thực hiện hành trình đi từ Bắc vào Nam bằng xe đạp. Duy kể: “Những ngày tháng rong ruổi từ Bắc chí Nam, được ngắm nhìn cuộc sống, thiên nhiên một cách chậm rãi, tôi bỗng cảm thấy nhớ quê hương Gia Lai da diết, nhớ gia đình, nhớ vườn cà phê bạt ngàn, nhớ mùi hoa cà phê thơm ngát. Đó là cái cảm giác mà cả thời sinh viên tôi không có được”.
Rồi Duy trở về bên ngôi nhà nhỏ và những hecta rẫy cà phê của ba má, cùng số nợ kha khá từ hành trình lập nghiệp. Ngày qua ngày, chăm bẵm vườn cà phê từ sáng sớm cho tới chiều muộn nhưng lợi nhuận lại thẳng thu về bao nhiêu, anh chợt nhận ra có một sai lầm mà người nông dân không hiểu được rằng: nếu bón phân hóa học thì 60% lượng phân không hấp thụ vào cây (ánh nắng mặt trời làm bốc hơi, tưới nước ngấm vượt quá tầng của rễ..).
Nhưng nếu trồng bằng phương pháp sinh học, vừa bảo vệ đất, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa cho mức lợi nhuận cao gấp hai, gấp ba lần so với phương thức canh tác truyền thống.
Và lần thứ hai trong cuộc đời, Duy bảo: “Tôi có cuộc nói chuyện với ba rằng muốn khởi nghiệp từ cây cà phê sạch. Để thuyết phục một người đàn ông có hơn 30 năm kinh nghiệm làm cà phê, chắc chắn là điều không dễ dàng gì”.
Sự cứng đầu, nghiêm túc của Duy, có lẽ là thứ thuyết phục được ba anh giao cho hơn nửa hecta cà phê để trồng thử nghiệm theo phương pháp mới là xen canh cà phê và hồ tiêu, kết hợp sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, bã cà phê và men vi sinh để pha trộn phân bón hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học.
Sau hai năm sau, chất lượng cà phê thành phẩm trồng theo phương pháp hữu cơ cũng được cải thiện hơn nhiều so với sản phẩm truyền thống, đặc biệt là kích thước hạt đồng đều và hương vị đậm đà, thơm ngon hơn.
Vườn cà phê nhà anh trở thành “vườn mẫu” để anh thuyết phục nhiều hộ khác trở thành nguồn nguyên liệu cà phê sạch cho mình. Cho đến nay anh đã hình thành được nguồn hàng liên kết của 08 hộ nông dân từ Gia Lai đến Lâm Đồng, cam kết thu mua cà phê chín chất lượng với giá cao hơn 10% so với giá thị trường.
Vườn cà phê organic của Duy trở thành vườn mẫu cho các hộ nông dân. ẢNH: HD
Hành trình xây dựng thương hiệu gắn kết với cộng đồng
Với Duy, mục đích thay đổi lúc ấy chỉ là tìm cách để tăng giá trị thành phẩm cho gia đình, để thay đổi những nhận thức không đúng đắn trong chăm sóc cây trồng nông nghiệp. Và bán ra những sản phẩm mà mình chắc chắn là không gây hại cho sức khỏe người khác, để chính mình có thể sống an nhiên.
Nhưng khi thu được những hạt cà phê hữu cơ 100% do mình làm ra, anh nghĩ nhiều hơn về cách nào để nâng cao giá trị cà phê Việt, đặc biệt là dòng sản phẩm Organic này.
Anh đã nghĩ đến việc mình làm ra thương hiệu cà phê của chính mình. Bởi theo anh một đất nước có thương hiệu khi có những người làm nên thương hiệu.
Những hạt cà phê trồng hữu cơ to khỏe, chất lượng. ẢNH: HD
Nuôi trồng một cây cà phê không hề đơn giản, nên việc tạo ra thương hiệu lại là chuyện khó khăn hơn rất nhiều. Để tiến đến thực hiện ước mơ xây dựng thương hiệu cà phê sạch và chất lượng mang tên quê hương mình, Duy cắm sổ đỏ của gia đình, đi hết ngân hàng này đến ngân hàng khác chỉ để thuyết phục dự án và ba tháng trời ròng rã chỉ vay được hơn 200 triệu đồng.
Duy mạnh dạn cho ra hai dòng sản phẩm cà phê rang củi và cà phê rang máy. Lấy tên mình đặt cho sản phẩm HD Gia Lai Coffee để nhắc nhở bản thân không ngừng nỗ lực. Hữu Duy nói chỉ có “lì và liều” thì mới làm nên thành công.
Nhưng cái sạch, cái hữu cơ nguyên chất ở cà phê Duy làm không thay đổi được thói quen và lấy được lòng tin của khách hàng. Anh nhận ra không có gì gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”, anh quyết định tự mình đi lan tỏa hương thơm cho chính mình.
Duy giới thiệu sản phẩm của mình bằng cách mang tặng bác cắt tóc đầu ngõ , ông xe ôm cuối phố, bán, tặng sản phẩm cho bạn bè người thân thử nghiệm. Vì theo anh 9 khách hàng thì chắc chắn có được 1 khách hàng tiềm năng. Có lẽ trong cái sự nghèo khó người ta thường nảy ra được nhiều điều tích cực hơn.
Với cách này, dòng sản phẩm của Duy ngày càng được hưởng ứng. Anh thuê người thiết kế bao bì mang đậm phong cách Tây nguyên, anh khắc họa quá trình trồng và làm nên hạt cà phê vào sản phẩm, để người uống trân trọng hơn giá trị của sản phẩm.
Chàng trai mà bố mẹ anh từng nghĩ không làm nên điều gì lại đang làm ra một quy trình sản xuất cà phê khép kín từ trồng trọt, thu hái, chế biến và cung ứng cho các đại lý trên khắp cả nước với cam kết không sử dụng bất cứ hóa chất hay phụ gia, phẩm màu.
Và rồi Duy quyết định mang sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Cho đến nay bằng sự nỗ lực, niềm tin và sự kiên trì theo đuổi dòng sản phẩm chất lượng, những hạt cà phê anh làm ra được thị trường Singapore và Nga chấp nhận và tiêu thụ.
Song có lẽ sẽ điều đặc biệt hơn khi nói về Duy, không phải là người ôm khát vọng mang giá trị cà phê vươn tầm thế giới mà là sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cộng đồng.
Duy nói rằng, “tôi rất cảm ơn tuổi trẻ ngông nghênh của mình, để giờ nhận ra giá trị cốt lõi của cuộc sống. Mọi điều xảy ra với bạn là cách bạn hành xử như thế nào với cuộc đời. Chúng tôi tin rằng, bằng việc tạo dựng thương hiệu cho cà phê mới giúp phát triển được giá trị cho Cà phê Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn ghi nhớ rằng kinh doanh luôn gắn với giá trị xã hội, cộng đồng.”
Bởi thế nên, suốt hai năm nay, kể từ ngày HD Gia Lai coffee ra đời, cứ mỗi ly cafe bán ra là 1.000 đồng được gửi đến trẻ em nghèo vùng cao tỉnh Gia Lai. Không ồn ào, ầm ĩ xin tiền từ nhà tài trợ nào, Duy và đồng nghiệp cứ âm thầm làm ra những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
Bởi anh nói rằng đầu tư vào con trẻ là quỹ đầu tư sinh lời và không bao giờ lỗ. Tri thức và điều kiện những điều cần thiết để chúng phát triển. San sẻ một tình yêu thương, chính là cách mình nhận về nhiều hơn như thế.
Duy trong một chuyến từ thiện từ số tiền bán cà phê. (Ảnh do Nhân vật cung cấp)
Khi hỏi về thất bại, Duy bảo có để đạt được điều mình muốn điều đầu tiên là sự thất bại. Thất bại đến với chúng ta trong mọi hoàn cảnh có khác là cách vượt qua. Nhưng sự thất bại thật sự lớn nhất là khi chúng ta dừng lại.
Trong những phút cuối cùng để trở về Gia Lai, Duy bảo: “Tôi hi vọng rằng, cho dù sau này, mọi thứ mất đi nhưng thương hiệu vẫn còn mãi. Ta sẽ hiểu về cuộc sống hơn nếu như ta quan sát kỹ và suy ngẫm về cafe. Cafe đã thuyết phục tôi bằng những câu chuyện về chính cuộc đời mình. Và tôi phải lòng cafe như vậy, phải lòng từ những câu chuyện quanh ly cafe”.