“Tôi đến Việt Nam với tư cách là tình nguyện viên”
Sau hơn 40 năm nghiên cứu trồng trọt phát triển nông nghiệp trên hơn 25ha rau quả tại quê hương, ông Motoosa Katayama bỏ lại trang trại cho con và đồng nghiệp của mình rồi lên đường sang Việt Nam. Ông đã chọn Đắk Lắk làm nơi thực hiện ước mơ xây dựng vườn rau sạch của mình. Để nghiên cứu được khoảng hai mươi chủng loại rau hữu cơ như hôm nay thì thời gian nghiên cứu mất hơn 5 năm, vừa cải tạo đất, giống và truyền kinh nghiệm cho mọi người.
Nông dân Việt được hướng dẫn những giải pháp trồng rau sạch
Ở cái tuổi đáng lý ra đã nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tuổi già thì ông Katayama lại chọn cho mình con đường phiêu lưu cùng rau hữu cơ. Đến một đất nước đang phát triển, ông nhìn thấy ở Việt Nam là nơi có thể gắm gửi hi vọng, tình yêu và giấc mơ bình yên bên những thực phẩm hữu cơ ở cái tuổi xế chiều. Ông luôn nói đến Việt Nam và chọn Đắk Lắk như một duyện nợ cuối của cuộc đời ông bởi ông muốn là làm sao nhân rộng việc trồng thực phẩm hữu cơ, để bảo vệ và chống lại việc biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Bên những luống rau mới cấy trồng, ông Katayama nhờ người phiên dịch với chúng tôi rằng: “Chỉ khi con người ta ý thức được rằng phải sử dụng những sản phẩm sạch thì mới đảm bảo được sức khỏe. Có thể chúng ta không để ý về việc thay đổi khí và sản lượng lương thực thực phẩm sạch hằng ngày ít dần đi, nhưng tôi đã ý thức được điều này khi sống những năm tháng tại Nhật Bản, từ đó có một mong muốn sẽ giúp đỡ người dân trên thế giới chống lại biến đổi khí hậu qua việc trồng trọt, bảo vệ thiên nhiên, và Việt Nam là nơi tôi muốn đến”.
Mặc cho gia đình phản đối, kể cả khi vợ con ông trách rằng: ‘Ông là người Việt Nam mất rồi” thì Katayama vẫn thực hiện tâm nguyện là làm sao cho mọi người hiểu về sự thế nào là rau an toàn an tâm, thế nào là nông nghiệp hữu cơ.
Qua Việt Nam, ông không lao vào trồng rau buôn bán, hay bất cứ một dịch vụ thương mại nào, ông bảo “Tôi đến đây với tư cách là một tình nguyện viên”, một người tự nguyện dành thời gian cho việc nghiên cứu và trao đổi giúp đỡ nông dân và các bạn thực tập sinh tại Nhật trở về nước để làm việc để rồi từ đấy lay động và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe chính mình và cả cộng đồng dân tộc, để duy trì giống nòi cho mai sau.
Đối diện với muôn trùng khó khăn
Với ông trong suốt quãng thời gian đặt chân đến đất Việt là chừng áy thời gian đối diện với khó khăn. Khi visa chỉ được cấp 3 tháng/ lần, ông phải bay đi bay về giữa Việt Nam và Nhật Bản để thực hiện ý định truyền đạt kinh nghiệm làm rau hữu cơ của mình cho nông dân Việt.
Vườn rau hữu cơ của ông già Nhật Bản Motoosa Katayama tại Đắk Lắk
Năm 2008, Katayama được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho phép đặt một cơ sở đào tạo nông nghiệp hữu cơ tại TP Buôn Ma Thuột, mở công ty TNHH Liên kết Nông dân (Km9 QL 26 Phường Tân Hòa - TP Buôn Ma Thuột) để truyền bá kiến thức, kỹ năng trồng rau theo các tiêu chí hữu cơ nghiêm ngặt, an toàn, chấp nhận năng suất thấp nhưng chất lượng tốt, giá trị cao. Ông thuê 5 ha đất, nhận phiên dịch và hàng chục lao động, ông trích tiền túi trả lương cho mọi người.
Cứ như thế trong suốt 6 năm đầu, ông sống và làm việc một cách vô vụ lợi, đem những ước mơ lan tỏa vào mảnh đất nơi đây. Cứ mỗi lần tập huấn, hướng dẫn cho các bạn trẻ và nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, ông lại trích một khoản tiền tiết kiệm của mình để trang trả cho hoạt động của công ty. Vì là tình nguyện viên nên ông không thể bán số rau mà mình đã trồng lên, toàn bộ số rau ấy phải đem bỏ cho heo ăn.
Khi còn là phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản NPO, ông đã thực hiện rất nhiều chương trình cho sinh viên trao đổi thực tập sinh tại Nhật Bản. Không chỉ mới đây mà cách đây hơn chục năm về trước ông đã khởi xướng nhận thực tập sinh ở nước ngoài vào Nhật Bản để làm nông nghiệp.
Với ông, các bạn đến Nhật Bản không chỉ học tập khoa học kỹ thuật mà còn học hỏi tinh thần làm việc của con người nơi đây, rồi quay về nước, đem những kiến thức bạn đã học hỏi có thể làm thay đổi nền kinh tế nước nhà.
Mục đích chính không phải là kiếm được bao nhiêu tiền từ những năm làm ở Nhật mà là các bạn quay về hợp lực với nhau để phát triển nền nông nghiệp an toàn. Thêm nữa là giao lưu nông dân Việt Nam và nông dân Nhật Bản để trao đổi kinh nghiệm và kiến thức.
Ông Motoosa Katayama (giữa) cùng các tình nguyện viên.
Người đàn ông có mái tóc gần như bạc trắng ấy trầm ngâm chia sẻ: “Đã có rất nhiều người không hiểu được ý nghĩa của một tình nguyện viên là như thế nào. Nếu như trong tâm tôi, có ý định làm thương mại, thì thực sự Đắk Lắk không phải là nơi đáp ứng được cái nhu cầu đó, và tôi đã rời khỏi tổ chức NPO bởi không nhận được sự đồng thuận nào”. Những khi khó khăn, Katayama tâm sự rằng thay vì bỏ cuộc ông chọn cách đối diện, luôn nghĩ về những người đã sát cánh cùng ông, để ông cố gắng thêm một chút, để bước chân không thể rời mảnh đất này.
Thành quả sau những ngày lao động
Đặt chân đến Việt Nam, Motoosa Katayama nhận ra một vấn đề khi những người nông dân ở đây hoàn toàn không nắm được kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, bởi vậy để họ sản xuất là điều bất khả, bởi hữu cơ không thể dùng bất cứ sản phẩm hóa học nào. Phải làm sao cho họ hiểu về nông nghiệp hữu cơ đồng thời tạo cho nông dân ý thức, trách nhiệm với sản phẩm mà mình làm ra: là quy trình sản xuất, đất, giống, trồng trọt, nguồn nước, thuốc trừ sâu bệnh cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường.
Hơn hai năm qua, Katayama cùng các cộng sự của mình quyết định kinh doanh các sản phẩm của trang trại- nơi ông nghiên cứu, được đưa ra thị trường nhưng sao cho giá cả không quá cao mà cân đối với nhu cầu người tiêu dùng, triệt để khâu trung gian cho sản phẩm bán ra.
Nuôi trồng bất cứ rau quả nào, ông và các đồng nghiệp của mình đều kiểm tra nghiêm ngặt từ đất, nước, giống, sử dụng phân chuồng hoai mục, sử dụng thuốc trừ sâu chiết xuất từ thiên nhiên thảo mộc, thậm chí là bắt tay sâu bọ trên cây rau, để đảm bảo sự tác động giữ cân bằng sinh thái của con người.
Mặc cho năng suất rau không cao, và chưa mang lại nhiều lợi nhuận nhưng những sản phẩm rau hữu cơ ở đây đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng và không gây hại đến môi trường, nguồn nước; đặc biệt rau có mùi thơm tự nhiên, có vị ngọt dễ chịu.
Từ năm 2015 đến nay, song song với chương trình sản xuất rau hữu cơ các loại để cung cấp cho khách hàng ưa chuộng nguồn rau sạch, ông Motoosa Katayama cùng đội ngũ nhân viên có nhiều năm nghiên cứu học tập tại Nhật Bản còn bắt tay vào nghiên cứu thực nghiệm đánh giá sự thích nghi của các giống rau Nhật Bản tại Buôn Ma Thuột như ớt, khoai lang, gừng, cà chua và đáng chú ý nhất là 2 giống bầu Nhật Bản (bầu xuất khẩu sợi khô và bầu xuất khẩu hạt để làm gốc ghép).
Cho đến bây giờ, người đàn ông Nhật Bản ấy cùng cộng sự đang gây dựng nên 16000m2 với đủ loại thực phẩm rau, quả. Mọi sản phẩm đều đảm bảo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để cung ứng sản phẩm sạch, an toàn. Và mới đây, công ty nhận được đơn đặt hàng từ đối tác Nhật gần 3 nghìn tấn ớt khô mỗi năm, hợp đồng xuất khẩu thường năm các sản phẩm hồ tiêu, bầu khô, bầu sợi. Cùng với đó là dự án trồng cacao để sản xuất bánh, kẹo.. và các giống cam quýt Nhật Bản tại Việt Nam và.
Mỗi một ngày, vườn rau của ông xuất ra khoảng hơn 60kg rau quả thông qua hình thức buôn bán trực tiếp và trực tuyến. Chưa mở rộng được mạng lưới kinh doanh, nên trang trại của ông còn gặp nhiều khó khăn, dẫu có thua lỗ nhưng mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều nhận được phản hồi tích cực và sự hài hòng của mọi người. Với Katayama và 17 cộng sự của mình (4 cộng sự người Nhật và 13 cộng sự người Việt Nam) thì đó là một thành công lớn công ty, là động lực cho những ngày phía trước.
Buổi chiều tại trang trại Nông dân Việt, Katayama và mọi người đang xếp từng quả bí vừa thu hoạch vào một chỗ ngay ngắn, trên khuôn mặt đẫm mồ hôi đều ánh lên ánh lên những nét cười cho hi vọng vào một ngày mai tươi đẹp và trong trẻo hơn.