Một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong đại dịch COVID-19 là chi phí chữa trị. Có sự khác biệt trong chính sách các nước về chuyện này.
Nhiều nước miễn phí
Chẳng hạn, ở châu Âu, phần lớn chi phí chữa trị là miễn phí. Tại Anh, mọi trường hợp được chẩn đoán và chữa trị đều được miễn phí bất kể tình trạng nhập cư của bệnh nhân. Tại Đức, bệnh nhân nhìn chung cũng không phải tốn kém gì, bảo hiểm y tế (được chính phủ trợ giá) sẽ choàng chi phí chữa trị cho công dân và thường trú nhân. Mức đồng chi trả nếu có cũng tối đa chỉ 2% mức thu nhập hàng năm của hộ gia đình. Tại Nga, chi phí chữa trị COVID-19 cho dân được Quỹ Bảo hiểm y tế bắt buộc liên bang choàng gánh.
Bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Đức. Ảnh: GETTY IMAGES
Trung Quốc cũng quy định rằng chi phí chẩn đoán, chữa trị COVID-19 hoàn toàn do Quỹ an sinh y tế xã hội và một quỹ hỗ trợ đặc biệt của nhà nước chi trả.
Tại Nhật, chi phí chữa trị COVID-19 do chính phủ choàng, không phân biệt quốc tịch bệnh nhân.
Người dân Hàn Quốc không cần lo về chi phí chữa trị COVID-19. Dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia (NHIS) sẽ choàng 80% hóa đơn chữa trị, số còn lại thì chính quyền trung ương và địa phương lo. Theo NHIS thì chi phí chữa trị trung bình một bệnh nhân nguy kịch nhập viện khoảng 650.000 won (12,5 triệu đồng)/ngày, nhập viện với triệu chứng nhẹ thì khoảng 260.000 won (năm triệu đồng)/ngày, còn triệu chứng nhẹ và chữa trị tại phòng khám thì 180.000 won (gần 3,5 triệu đồng)/ngày.
Bệnh viện công thì miễn phí, tư phải chịu tiền
Tại Ấn Độ, nếu bệnh nhân chữa trị COVID-19 ở các bệnh viện công thì được miễn phần lớn chi phí, nhưng phải chịu tốn tiền nếu chữa trị ở các bệnh viện tư – chiếm 70% trong lĩnh vực y tế nước này. Giá chữa trị tùy vào từng bệnh viện tư, nhưng hầu hết các bang đều có quy định mức trần. Chẳng hạn tại bang Tamil Nadu chi phí một ngày chữa trị ca bệnh không nguy kịch nằm ở mức 5.000-7.500 rupee (1,5 - 2,3 triệu đồng), còn ca nguy kịch thì một ngày tầm 15.000 rupee (gần 4,6 triệu đồng).
Bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Tại Malaysia, bệnh nhân COVID-19 nếu chữa trị tại các bệnh viện công phần lớn được miễn chi phí nhưng nếu trị ở các bệnh viện tư thì phải tốn tiền, dao động ở mức 1.000-30.000 RM (gần 5,5 triệu đồng đến 163 triệu đồng)/ngày tùy vào bệnh viện và độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu bệnh nhân được bệnh viện công chỉ định chuyển sang chữa trị tại bệnh viện tư thì chi phí sẽ do chính phủ trả.
Singapore thì từ ngày 8-12 tới đi vào thực hiện quy định chỉ choàng chi phí chữa trị cho những bệnh nhân đã được tiêm chủng hay không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm và bị nhiễm. Người nào cơ thể đủ điều kiện tiếp nhận vaccine nhưng không chịu đi tiêm chủng để rồi bị nhiễm phải nhập viện điều trị thì phải tự chịu chi phí.
Sẽ là gánh nặng nếu không có bảo hiểm
Tại Mỹ, đầu đại dịch, phần lớn các công ty bảo hiểm y tế lớn tự nguyện miễn chi phí, hạn chế các khoản đồng thanh toán và khấu trừ thông thường cho các lần khám cấp cứu và chữa trị COVID-19. Tuy nhiên những điểm có lợi này đối với người mua bảo hiểm có thể không còn lâu nữa, khi các công ty bảo hiểm ngày càng có xu hướng xem COVID-19 như một căn bệnh ít nghiêm trọng hơn và không còn choàng gánh phần lớn chi phí chữa trị.
Tại Mỹ, nhiều bệnh nhân COVID-19 cho biết họ phải trả hàng ngàn USD cho việc điều trị. Ảnh: AFP
Về phần người không có bảo hiểm y tế, năm ngoái, chính phủ Mỹ đã duyệt một gói tài chính khẩn cấp để giúp người thuộc đối tượng này không phải chịu gánh nặng chi phí chữa trị COVID-19, vốn trung bình ở mức 30.000 USD cho một ca nhập viện.
Dù thế vẫn có nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng họ đã phải trả hàng ngàn USD cho quá trình chữa trị, vì nhiều yếu tố. Chẳng hạn, các bệnh viện có thể yêu cầu bệnh nhân trả trực tiếp cho những lần đến khám theo dõi và sử dụng các dịch vụ y tế khác không nằm trong danh mục hỗ trợ của gói tài chính liên bang. Theo thông tin từ truyền thông thì trong một số trường hợp khoản chi phí chữa trị COVID-19 có thể lên tới một triệu USD đối với người không có bảo hiểm, vốn chiếm hơn 11% dân số trưởng thành của Mỹ.