"Thực hiện chuyển đổi số giáo dục, vai trò của người thầy không những không mất đi mà còn được nâng cao hơn rất nhiều" - PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nhận định tại hội thảo khoa học quốc tế về quản trị nhà trường trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Hội thảo do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức diễn ra vào sáng 16-12.
PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Theo bà Thơ, hiện trong nhà trường, các thầy cô giáo đang tích cực bồi dưỡng không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng nhận thức cho học sinh. Tuy nhiên, năng lực của học sinh còn bao gồm nhiều thành tố khác như: thái độ, động cơ, cảm xúc, giá trị đạo đức hay là các nền tảng tư duy bậc cao. Những thành tố này do chính giáo viên, học sinh, cộng đồng xã hội kiến tạo nên mà chuyển đổi số không thể nào thay thế.
“Giáo viên phải thay đổi quan điểm, nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn để tập trung phát triển con người xã hội, không tập trung trang bị kiến thức nhiều như trước đây” – bà Thơ nhấn mạnh.
Do vậy, theo bà Thơ, trong môi trường chuyển đổi số, người thầy "ảo" cùng hệ sinh thái giáo dục sẽ giúp người học dễ dàng tiếp cận các dữ liệu kiến thức chuẩn hóa. Khi đó giáo viên sẽ làm gì? Họ sẽ là người kiến tạo ra bài học từ những kiến thức được chuẩn hóa đó, giống như người đầu bếp khi có nguyên liệu sẽ tạo ra bữa ăn ngon.
Toàn cảnh hội thảo về chuyển đổi số giáo dục diễn ra sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Theo bà Thơ, trước đây câu tục ngữ "Không thầy đố mày làm nên" có ý nghĩa thầy sẽ mang kiến thức đến cho học sinh. Tuy nhiên, với quan điểm học tập hiện đại, người thầy bây giờ phải làm cho học sinh biết dùng kiến thức đó để tạo ra con người xã hội của mình.
Cũng theo bà Thơ, nếu không thực hiện chuyển đổi số, giáo viên chỉ biết cặm cụi tập trung vào kiến thức, không có thời gian để trau dồi những khía cạnh khác quan trọng không kém. Bà Thơ dẫn chứng giáo viên phải là người thúc đẩy, tạo ra môi trường học tập, giao tiếp, phản biện để phát triển tư duy bậc cao cho học sinh.
"Do đó, chúng ta kỳ vọng vào chuyển đổi số để giáo viên có cơ hội phát triển năng lực con người xã hội cho học sinh" - bà Thơ khẳng định.
Bà Thơ cho biết thêm, khi xã hội thừa nhận chuyển đổi số là việc tất yếu để tạo ra một phương thức giáo dục mới thì giáo viên phải có năng lực mới cốt lõi là năng lực số. Cụ thể, năng lực số không chỉ là năng lực công nghệ mà còn bao gồm rất nhiều thành tố khác như: tạo ra dữ liệu số, giao tiếp, sử dụng nghiệp vụ sư phạm, chuẩn mực sư phạm trên nền tảng số ra sao?