Ngành giáo dục TP.HCM tập trung chuyển đổi số

(PLO)- Giáo viên còn ít được đào tạo ứng dụng công nghệ trong dạy học, việc dạy học trực tuyến mới dừng ở mức cầu truyền hình là những hạn chế trong chuyển đổi số giáo dục ở TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện”. Hội thảo có sự tham dự của PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chuyển đổi số quốc gia; PGS-TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Trưởng Ban chuyển đổi số TP, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP.HCM.

Cần hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ

Tại hội thảo, báo cáo khảo sát chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục ở TP.HCM do nhóm chuyên gia công nghệ giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện với 258 hiệu trưởng và 302 giáo viên (GV) chỉ ra một số điểm yếu.

Cụ thể, rất ít GV cho biết được đào tạo về cách sử dụng công nghệ thông tin. Hầu hết thiết bị tại trường học đều dành cho học sinh (HS) nhưng chỉ được 50% GV thực sự sử dụng trong lớp học. Hiện tại chỉ có những trình duyệt truyền thống được sử dụng ở mức độ nhất định, còn các công cụ khác như trò chơi học tập kỹ thuật số, phần mềm cộng tác hoặc phần mềm vẽ/vẽ đồ thị không được sử dụng.

Giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân sử dụng bảng tương tác thông minh trong dạy học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân sử dụng bảng tương tác thông minh trong dạy học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Từ những hạn chế trên, nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp phải đặt GV và HS vào trung tâm của công nghệ giáo dục. Cụ thể, phải xây dựng các cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn GV sử dụng công nghệ trong giảng dạy (thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính...). Với HS, mức độ tiếp cận và sử dụng tài nguyên số bên trong và ngoài trường học còn rất hạn chế, đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp trong hệ thống giáo dục tổng thể.

Liên quan đến vấn đề này, bà Maria Barron Rodriguez, thành viên chủ chốt nhóm công nghệ giáo dục toàn cầu của WB, lưu ý để tăng cường vai trò của GV đối với công cuộc chuyển đổi số, phải tạo môi trường học tập trực tuyến toàn diện. Trong đó, GV và HS tương tác trực tiếp trong môi trường trực tuyến thông qua các video trực quan, các hoạt động nhóm, làm việc theo dự án.

Hướng đến dạy học trực tuyến đúng nghĩa

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết thời gian qua, nhờ chuyển đổi số trong giáo dục, cụ thể triển khai dạy học qua Internet đã phần nào khắc phục được tác động của dịch bệnh đối với ngành giáo dục.

TP.HCM là đô thị lớn của cả nước trong khu vực. Hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông của TP có quy mô hơn 2 triệu HS, trên 100.000 GV, giảng viên, cán bộ trong lĩnh vực. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển giáo dục nên luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP.

TP đang tập trung triển khai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến cán bộ, GV, giảng viên để phục vụ đào tạo HS.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Theo ông Phúc, việc dạy học trực tuyến ở nhiều trường trong hai năm dịch mới dừng lại ở mức cầu truyền hình (qua Zoom, Google Meet). Đây chỉ là mức rất sơ đẳng của chuyển đổi số dạy trực tuyến.

Muốn dạy trực tuyến cần phải có kho học liệu, đòi hỏi những dự án cụ thể, nếu để mỗi trường làm sẽ không khả thi và hiệu quả. “Xây dựng hệ thống dạy và học trực tuyến khó nhất không phải ở công nghệ mà chính là con người. GV cần phải có động lực, hăng hái xây dựng kho học liệu, say mê ứng dụng thì việc dạy học mới đạt hiệu quả. Sau hai năm đại dịch, nguồn học liệu của TP.HCM rất phong phú, do đó chúng ta nên có kế hoạch để tiếp tục khai thác và sử dụng” - ông Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận 3, để chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả cần chuyển đổi nhận thức của các cấp, quản lý. Bên cạnh đó là thay đổi thói quen dạy học của GV và HS; vận động cha mẹ HS sử dụng các phần mềm và đồng ý bỏ ra một khoản phí để duy trì hệ thống các trường thực hiện để phục vụ cho HS.

Giáo viên và học sinh ở vị trí trung tâm

Ngành GD&ĐT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Đó là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV, nhân viên trong toàn ngành; thực hiện tốt các quy định hiện hành trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả cơ sở giáo dục.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU,Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm