Người trực tiếp khởi xướng chương trình là Trần Thị Mỹ Linh, chủ nhiệm CLB IBF, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Mấy tháng trước, Linh tình cờ nghe về chương trình đổi 10.000 vé xe buýt đã qua sử dụng lấy một chiếc xe lăn nên kêu gọi các sinh viên của TP thu gom vé xe buýt cũ. Thế nhưng đến lúc đi đổi xe lăn, nhóm tình nguyện của Linh mới ngỡ ngàng vì thông tin trên không có thật, không hề có chương trình nào như vậy.
Bọc vé xe buýt ngày một phình ra vì quá nhiều người đến góp nhưng xe lăn thì chẳng thấy đâu. Có lúc quá tuyệt vọng, Linh cùng các bạn định quẳng chúng vào sọt rác. Nhưng mỗi khi thấy hình ảnh người khuyết tật chống nạng ôm chồng vé số nặng trịch giữa đường, họ dặn lòng không được dễ dàng từ bỏ.
Cuối cùng, Linh cùng các thành viên trong CLB quyết định làm đồ thủ công (handmade) đi bán gây quỹ để lấy tiền mua xe lăn. Đồng thời phát động mọi người đóng góp vé xe buýt cũ, những cá nhân, tổ chức nào góp 100.000 vé trở lên sẽ được đề xuất một người khuyết tật nhận xe. Chương trình “Đổi vé xe buýt trao xe lăn cho người khuyết tật” của nhóm thiện nguyện IBF đã ra đời như thế. “Tụi em muốn thông qua chương trình khuyến khích mọi người đi xe buýt để hạn chế ùn tắc giao thông đồng thời thể hiện sự quan tâm với những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hai tháng từ khi phát động chương trình, số vé xe buýt nhận được lên đến 500.000 vé, tương đương năm chiếc xe lăn cho tổng số tiền cả nhóm mỏi mòn thu vén. Thành quả ấy chẳng lớn là bao nhưng lại vô cùng ý nghĩa với những người nhận chúng.
Đó là chị Trương Thị Duyên (quê Quảng Ngãi), bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, liệt nửa người bên trái. Sức khỏe chị ngày một giảm sút bởi không có tiền chữa trị.
Là chị Nguyễn Thị Minh Lý (quê Hải Dương), theo mẹ vào sống tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Chị bị dị tật bẩm sinh, liệt thần kinh tuyến yên nên dù đã 35 tuổi nhưng chẳng khác gì đứa trẻ, một tay người mẹ Nguyễn Thị Liên chăm sóc. Bà Liên lại mang trong mình bệnh thấp khớp, những khi trái gió trở trời hai mẹ con chỉ biết ôm nhau cùng chịu đau đớn.
Hay trường hợp của em Phan Ngọc Diễm (quê huyện Đức Hòa, Long An). Em bị tật từ trong bụng mẹ, hai chân co quắp, cột sống cong queo. Gia đình làm nông chạy ăn từng bữa đã cực, mẹ em lại mắc bệnh tiểu đường, mỗi tháng phải điều trị tại BV 115 với khoản viện phí đắt đỏ.
Tất cả họ đều không thể có mặt tại chương trình vì hoàn cảnh nhưng những người đại diện nhận xe đã thay họ nói lên hết nỗi lòng mình. “Chị em bị xe đụng cách đây bảy năm, nặng lắm, chỉ ngồi một chỗ trên giường. Chiếc xe lăn cả nhà dành dụm mua từ sáu năm về trước đã rỉ sét, không còn sử dụng được từ lâu. Khi biết tin được nhận xe lăn, chị em rất vui, bất ngờ và hạnh phúc lắm” - bạn Trương Thị Quyên, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, em chị Duyên, xúc động chia sẻ.
Còn với nửa triệu vé xe buýt, Linh cùng các bạn đã biến chúng thành những sản phẩm đẹp mắt: Tấm bản đồ Tổ quốc, lọ hoa, chú chim thiên nga sải cánh… Nhiều món đã được những mạnh thường quân mua trực tiếp trong ngày tổng kết.
Câu chuyện dài dòng trên chứng minh một điều nếu làm việc bằng trái tim nhiệt thành, dù là chiếc vé xe buýt cũ cũng đủ sức làm nên những ước mơ kỳ diệu.