Chuyên gia: 4 việc cần làm để xem COVID-19 như 'cúm mùa' thông thường

Trong báo cáo mới nhất liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cho biết đang theo dõi tình hình dịch COVID-19, cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi COVID-19 là bệnh thông thường (bệnh lưu hành) khi thời điểm thích hợp.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành hay bệnh thông thường).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM, đã chỉ ra những điều kiện cần và đủ để có thể xem xét COVID-19 như một bệnh thông thường, tiến tới sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.

Phân biệt bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm nhóm A

. Phóng viên: Thưa ông, chúng ta nên hiểu như thế nào là bệnh đặc hữu (bệnh thông thường, hay bệnh lưu hành)? Nó khác gì so với việc Covid-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm loại A như hiện nay?

+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Tên chính xác nhất về mặt y học đó là bệnh lưu hành (endemic), là một khái niệm dịch tễ học cho bệnh truyền nhiễm có số mắc mới ổn định (có nghĩa là có tỉ suất tái tạo thực Rt xấp xỉ 1). Khi bệnh truyền nhiễm là đặc hữu có nghĩa là bệnh truyền nhiễm không có sự lây lan theo cấp số nhân, không lây lan nhanh và không thể tạo được làn sóng dịch.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là khái niệm được nêu trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có liên quan với nhau. Theo luật, “Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.”

Vì tính chất này nên  khi có dịch, người mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người có mang mầm bệnh bệnh truyền nhiễm nhóm A phải khai báo y tế và phải chịu cách quy định cách li y tế. Bởi vì nếu người mắc bệnh không thực hiện điều này thì bệnh sẽ lây lan nhanh và gây tử vong cho nhiều người. Bệnh COVID-19 đã và đang được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Mặc dù vậy, hai khái niệm này có liên quan với nhau. Khi bệnh truyền nhiễm là đặc hữu thì không lây lan nhanh nên không thuộc là bệnh truyền nhiễm loại A. Vì vậy khi xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thì  sẽ không áp dụng các quy định phòng chống dịch đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A cho người bệnh (chẳng hạn như không yêu cầu người bệnh COVID-19 phải được cách ly ở nhà hoặc cơ sở y tế). Điều này là tốt cho người dân, cho hoạt động lao động sản xuất và phục hồi kinh tế nhưng sẽ cản trở các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch nếu dịch bệnh có khuynh hướng bùng phát trở lại.

Người dân đi mua sắm trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

4 việc cần làm để đưa COVID-19 thành bệnh thông thường

. Thưa ông, để ứng phó với Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì chúng ta cần chuẩn bị như thế nào về hệ thống chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như các vấn đề liên quan?

+ Để xem COVID-19 trở thành bệnh lưu hành chúng ta phải triệt tiêu hai đặc điểm của bệnh truyền nhiễm nhóm A:  khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Nghĩa là chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có thể khống chế số mắc COVID-19, không để COVID-19 tạo thành làn sóng dịch mới, phát tán rộng và làm tỉ suất chết ở người mắc COVID-19 ở mức thấp nhất.

Để làm được điều này, những việc sau cần phải được thực hiện. Thứ nhất, bảo vệ người dân và giúp người dân tự bảo vệ bằng khẩu trang, vaccine. Vaccine là then chốt vì nó giúp giảm sự lây lan của bệnh truyền nhiễm và cũng làm giảm tỉ suất chết ở người mắc COVID-19. Người đã tiêm đủ vaccine có tử vong do COVID-19 40 lần thấp hơn so với người không tiêm vaccine. Khẩu trang tuy ít hiệu quả hơn vaccine nhưng hiệu quả đối với mọi biến chủng và hiệu quả này không bị suy giảm theo thời gian nên cũng là biện pháp phòng chống dịch quan trọng.

Thứ hai, tạo điều kiện cho người dân tự xét nghiệm và tiếp cận với điều trị khi mới mắc bệnh: Việc xét nghiệm kịp thời giúp người dân tự cách li, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người chung quanh, giúp họ được điều trị kịp thời nên ít bị diễn tiến nặng nên giảm thiểu chi phí y tế chung và bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân. Phải xây dựng chiến lược xét nghiệm có hiệu quả, tránh xét nghiệm quá mức gây lãnh phí (và thiếu hụt xét nghiệm ở một số địa phương hoặc nhóm người nhất định).

Ở nhiều quốc gia đã có thuốc điều trị kháng virus là kháng thể đơn dòng, Paxlovid và Molnupiravir cho người có nguy cơ  (cao tuổi, mắc bệnh nền) mắc COVID-19 có mức độ lâm sàng nhẹ hay vừa. Nhưng ở Việt Nam chỉ mới có phổ biến Molnupiravir, vì vậy cần tạo điều kiện cho người bệnh có nhu cầu được tiếp cận với Molnupiravir. Việt Nam cũng cần nghiên cứu để có được các thuốc kháng virus khác phục vụ cho người bệnh là trẻ em hay phụ nữ mang thai. Việc nghiên cứu phương án để hỗ trợ người dân đối phó với hậu quả của COVID kéo dài cũng rất cần thiết.

Bệnh nhân COVID-19 được các y bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Hồi sức Cấp cứu. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thứ ba, xây dựng hệ thống giám sát dịch tễ để phát hiện nhanh chóng các biến chủng mới. Việc giám sát số mắc mới, số bệnh nặng và số tử vong do COVID-19 là quan trọng để xây dựng kế hoạch ứng phó với diễn tiến của dịch (thí dụ như chuẩn bị trang bị bảo hộ cá nhân, thuốc kháng virus, chuẩn bị nhân lực y tế, máy thở) và để cảnh báo sự xuất hiện của các biến chủng. Việc cảnh báo biến chủng cũng đòi hỏi nâng cao năng lực chẩn đoán với các kĩ thuật sinh học phân tử.

Cuối cùng, xây dựng năng lực ứng phó để duy trì hoạt động sản xuất và học tập.  Việc duy trì hoạt động học tập và sản xuất phải gắn liền với việc đảm bảo vệ sinh trường học và cơ sở sản xuất, đảm bảo tiêu chí an toàn. Trong các tiêu chí an toàn ngoài các quy định về khử khuẩn, khai báo y tế, giãn cách, đeo khẩu trang, cần phải đảm bảo sự thông thoáng và ở nơi  không có sự thông thoáng cần trang bị máy lọc không khí với hiệu suất cao. Tạo cơ chế thuận lợi cho người mắc bệnh COVID-19 được nghỉ việc nhưng vẫn hưởng lương (điều này giúp người dân thực  hiện khai báo y tế tốt; điều này giúp lây lan ở tại nơi làm việc và qua đó giúp duy trì hoạt động sản xuất và học tập bền vững).

Vaccine là chưa đủ, cần nhất là ý thức, thói quen người dân

. Về vaccine thì sao thưa ông, liệu vaccine tiêm bao nhiêu mũi và độ phủ như thế nào thì chúng ta có thể xem covid-19 là bệnh thông thường?

+ Vaccine với mức độ bao phủ tốt làm COVID-19 ít lây lan hơn và ít gây tử vong hơn, khiến nó giảm tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A và trở nên giống với bệnh thông thường hơn.

Đối với bệnh truyền nhiễm có thể có được miễn dịch (tương đối) bền vững với vaccine như đậu mùa, sởi, bại liệt thì chúng ta có thể đưa ra mức độ bao phủ cụ thể của vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên COVID-19 là bệnh là chúng ta sẽ không thể có được miễn dịch bền vững với vaccine và do khả năng xuất hiện của biến chủng nên miễn dịch cộng đồng nếu có cũng chỉ là ngắn hạn. Dù chúng ta có tiêm chủng 100% người dân với vaccine, chúng ta vẫn có khả năng xuất hiện các làn sóng dịch.

Tuy nhiên, điều may mắn là nếu chúng ta có tiêm chủng đủ hai mũi cơ bản và mũi tăng cường thì nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong là thấp. Sau đó, chúng ta có thể có miễn dịch lai (nghĩa là miễn dịch từ vaccine và từ mắc bệnh tự nhiên) giúp chúng ta được bảo vệ tốt hơn và sẽ không xảy ra các làn sóng dịch nữa.

Như vậy đối với COVID-19 không có ngưỡng về tỉ lệ độ phủ của tiêm vaccine để đưa COVID-19 trở thành bệnh thông thường nhưng nếu tỉ lệ tiêm chủng càng cao thì tổng số tổn thất về sức khỏe trước khi COVID-19 trở thành bệnh thông thường càng thấp.

. Liệu khi xem Covid-19 là bệnh thông thường thì có cần điều kiện gì từ thói quen, lối sống của người dân hay không, nếu có thì sự thay đổi đó sẽ là như thế nào?

+ Theo tôi, khi xem COVID-19 là bệnh thông thường, chúng ta không cần thay đổi thói quen, lối sống. Nghĩa là chúng ta có thể vẫn hành động như cũ nhưng thay đổi cách suy nghĩ và hành động với ý thức tự giác.

Du khách tham gia triển lãm tại Quận 1, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tôi lấy một ví dụ: Dù xem COVID-19 là bệnh thông thường hay là bệnh truyền nhiễm nhóm A thì khi ở nơi đông người vẫn cần đeo khẩu trang. Nhưng khi xem COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tôi đeo khẩu trang vì đó là quy định pháp luật mà nếu tôi không làm theo tôi sẽ bị phạt. Và sau đó, nếu tôi bị nhiễm, tôi có thể cho là đó là do nhà nước chưa tìm được những người F0 và bắt họ cách ly tại nhà nên tôi mới bị nhiễm.

Tuy nhiên, khi xem COVID-19 là bệnh thông thường, tôi đeo khẩu trang không phải vì quy định mà vì tôi muốn bảo vệ tôi và cộng đồng. Và sau đó nếu tôi bị nhiễm, tôi hiểu đó là chủ yếu là do tôi, nhà nước không yêu cầu F0 phải được cách ly nên chung quanh tôi có người F0 và có lẽ tôi sử dụng khẩu trang chưa hoàn toàn đúng nên tôi bị lây nhiễm. Vì vậy, khi xem là bệnh thông thường thì người dân trước tiên phải có ý thức tự giác và tự chị trách nhiệm.

. Xin cám ơn ông.

Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường?
Khi nào xem COVID-19 là bệnh thông thường?
(PLO)- Bộ Y tế cho biết đang theo dõi tình hình dịch COVID-19, cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi COVID-19 là bệnh thông thường (bệnh lưu hành - NV) khi thời điểm thích hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm