Nhóm chuyên gia ĐH Southampton, Anh, suy đoán hiện tượng thiên nhiên mang tên sóng độc có thể giải thích cho những vụ biến mất bí ẩn của tàu bè ở tam giác Bermuda, The Sun ngày 1-8 đưa tin. Tam giác quỷ Bermuda trải rộng 700.000 km2 nằm giữa bang Florida (Mỹ), Bermuda và Puerto Rico nằm ở phía tây Đại Tây Dương. Trong 100 năm qua, khu vực này đã chứng kiến nhiều vụ đắm tàu thuyền gây nên cái chết của khoảng 1.000 người.
Tam giác quỷ Bermuda đã cướp đi 1.000 sinh mạng trong 100 năm qua. Ảnh: News.com.au
Các chuyên gia tại ĐH Southampton, Anh, tin rằng bí ẩn của những vụ đắm tàu này có thể giải thích bằng một hiện tượng tự nhiên có tên “sóng độc” (Rogue wave). Đây là loại sóng xuất hiện hoàn toàn bất ngờ và đơn độc trên biển cả với kích thước lớn, có thể cao tới 30 m, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với tàu bè.
Theo trang tin News.com.au, trong bộ phim tài liệu “Bí ẩn tam giác quỷ Bermuda”, các nhà khoa học đã sử dụng các thiết bị giả lập sóng trong nhà để mô phỏng lại hiện tượng kỳ bí này.
“Sóng độc” lần đầu được quan sát bởi vệ tinh năm 1997 ở bờ biển Nam Phi. Khi đó con sóng này chỉ xuất hiện vỏn vẹn trong vài phút. Một số cơn sóng độc cao tới hơn 30 m. Nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình của USS Cyclops, con tàu lớn mất tích ở tam giác quỷ Bermuda năm 1918, khiến 300 người tử vong. Do có kích thước đồ sộ và đáy phẳng, mô hình nhanh chóng bị nước nhấn chìm trong mô phỏng.
Tàu USS Cyclops mất tích bí ẩn ở tam giác quỷ Bermuda năm 1918. Ảnh: News
Tiến sĩ Simon Boxall, nhà khoa học hải dương và Trái đất, cho biết vùng biển nổi tiếng ở Đại Tây Dương này có thể hứng chịu ba cơn bão lớn đến cùng lúc từ những hướng khác nhau - điều kiện hoàn hảo để hình thành sóng độc. Ông Boxall tin chắc nước dâng cao có thể khiến một con tàu cỡ Cyclops gãy làm đôi.
"Có nhiều cơn bão đến cùng lúc từ hướng Bắc và Nam. Nếu có thêm cơn bão đến từ Florida, sóng độc nguy hiểm chết người có thể hình thành. Chúng rất cao và dốc. Chúng tôi tính toán những con sóng cao hơn 30 m. Tàu càng lớn càng bị hư hỏng nặng hơn. Bạn có thể tưởng tượng nếu một cơn sóng độc có hai đỉnh trong khi không có gì chống đỡ bên dưới tàu, con tàu sẽ gãy làm đôi. Nếu điều này xảy ra, tàu có thể chìm trong 2-3 phút" - ông Boxall nói.
Những bí ẩn về “vùng biển chết” Bermuda có thể lý giải bằng giả thuyết những con sóng độc cao tới 30 m, song những lời đồn thổi xung quanh khu vực này có lẽ còn kéo dài mãi.
Sự “đáng sợ” của tam giác quỷ Bermuda lần đầu được nhắc đến vào năm 1950 bởi cây bút Edward Jones của tờ Miami Herald. Đến năm 1952, vùng biển này trở nên khét tiếng khi nhà văn George Sand viết trên tạp chí Fatemagazine về những sự cố từng xảy ra trong khu vực.
Ảnh vệ tinh tam giác quỷ Bermuda. Ảnh: News
Một trong số vụ mất tích máy bay bí hiểm nhất ở khu vực Tam giác quỷ phải nhắc tới Chuyến bay 19. Chuyến bay 19 là một toán 5 chiếc máy bay ném ngư lô TBM Avenger của Hải quân Mỹ biến mất trong quá trình bay huấn luyện ngày 5-12-1945 từ căn cứ Không lực Hải quân Ft Lauderdale, Florida. Sau sự kiện này, liên tiếp xảy ra những vụ mất tích máy bay và tàu thuyền một cách bí ẩn tại khu vực này. Mới năm ngoái, một máy bay chở bốn người, trong đó có một bà mẹ cùng hai đứa con, cũng đã mất tích tại tam giác quỷ này.
Kể từ đó, giới khoa học đưa ra nhiều giả thuyết. Một là, khí methane tích tụ dưới đáy đại dương phát nổ làm máy bay và tàu bị phá hủy hoàn toàn. Hai là, hiện tượng "ếch điện tử" - một khu vực điện từ đột ngột xuất hiện trên mặt biển - vô hiệu hóa hoạt động của tàu, máy bay rồi nhận chìm chúng.
Ba là, những đám mây hình lục giác có thể tạo ra "bom khí" (tức thổi gió xuống đại dương với tốc độ cực nhanh), tạo ra những con sóng cao đến 14 m và "hô biến" tàu và máy bay.