Chuyên gia bàn về lối thoát đại dịch cho các nước Đông Nam Á

Ngày 19-8, tờ The Guardian dẫn lời Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) - ông Alexander Matheou cảnh báo rằng số ca tử vong vì COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á (ĐNA) gần đây đang tăng kỷ lục, với nhiều nước ghi nhận trên dưới 400 ca một ngày. Ông lo lắng rằng “tình hình này đang gây đau khổ cho rất nhiều gia đình sống tại các quốc gia trong vùng và nó sẽ không thể chấm dứt sớm chừng nào vaccine chưa được tiêm đủ và biến thể Delta vẫn tiếp tục lây lan mạnh trong cộng đồng”.

Các hãng dược: Không kịp có vaccine để giao cho Đông Nam Á

Theo ông Matheou, các điểm nóng COVID-19 ở ĐNA hiện nay là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Số liệu của tổ chức Our World in Data cho thấy Thái Lan ngày 19-8 ghi nhận gần 21.000 ca nhiễm và 301 ca tử vong. Ở Indonesia, số ca nhiễm mới là hơn 22.000 ca với gần 1.500 ca tử vong. Malaysia cũng ghi nhận khoảng 23.000 ca nhiễm và 178 ca tử vong mới trong ngày này. Theo ông Matheou, “đây là những thách thức nghiêm trọng khiến hệ thống y tế các nước này bị đẩy đến bờ vực sụp đổ và cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong chương trình tiêm chủng vaccine”.

Nhân viên y tế Thái Lan di chuyển thi thể nạn nhân tử vong vì COVID-19 tại một bệnh viện thuộc tỉnh Pathum Thani ngày 8-8. Ảnh: AP

Mọi biện pháp chống dịch lúc này cần phải đi cùng với mục tiêu kinh tế bởi nếu kinh tế sụp đổ, trì trệ thì việc chống dịch sẽ càng khó khăn hơn. Nói chung, mọi thứ đều phải hết sức khoa học, dựa trên bằng chứng và số liệu rõ ràng chứ không thể hành động cảm tính.

Theo TS SWESS KHENG KHOR 

Trong khi những nước như Canada, Tây Ban Nha và Anh đã tiêm đầy đủ hai liều vaccine cho hơn 60% dân số hay ở Mỹ là hơn 50% thì tại ĐNA, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều. Tại Indonesia và Philippines - những quốc gia đông dân nhất ĐNA, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ dao động khoảng 10%-11% dân số. Tới thời điểm hiện tại, Singapore và Campuchia là hai đại diện khu vực duy nhất chạm ngưỡng 40%. Những tuần sắp tới là giai đoạn quan trọng mà chính quyền các quốc gia ĐNA cần phải đẩy mạnh tiêm chủng và đạt được mốc 70%-80% dân số mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra nếu muốn có cơ hội kiểm soát được dịch trong quý IV-2021 hoặc quý I năm sau, ông Matheou nhấn mạnh.

Dù vậy, khó khăn lớn nhất lúc này là các nước ĐNA làm thế nào để đảm bảo được nguồn cung vaccine đang rất hạn chế. Ông Matheou chia sẻ các hãng dược như AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Pfizer (Mỹ) đã phải dời thời gian giao vaccine cho hàng loạt nước ĐNA bởi không thể sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu. Một số nước như Myanmar đang gặp bất ổn thì gần như phải hoàn toàn dựa vào vaccine viện trợ nhân đạo. Đặc biệt, các nước phát triển cũng đang bắt đầu tiêm liều vaccine bổ sung thứ ba, thứ tư để chống lại biến thể Delta, khiến nguồn cung càng thu hẹp hơn nữa.

Lối thoát nào?

Trong bài viết mới đây trên trang East Asia Forum, TS Swee Kheng Khor thuộc ĐH Liên Hợp Quốc cho rằng trong ngắn hạn, các nước giàu cần có thiện chí hơn nữa trong việc chia sẻ khẩn cấp hàng triệu liều vaccine dư thừa cho các nước ĐNA. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất vaccine và các chính phủ cũng cần phải chia sẻ công nghệ để thúc đẩy sản lượng. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế các nước này mà còn đảm bảo dịch không tràn ngược lại các nước phát triển vốn đang chuẩn bị mở cửa lại.

Bản thân các nước ĐNA cần nỗ lực ngoại giao với các tổ chức quốc tế và các nước lớn, phân tích minh bạch và chính xác thực trạng dịch hiện tại của nước mình để được ưu tiên viện trợ vaccine. Ngoài ra, các nước ĐNA cũng nên hoạt động tích cực trên các diễn đàn đối thoại quốc tế, lên tiếng cho quyền được phân phối vaccine công bằng và kêu gọi cải thiện các thiết chế quốc tế về y tế để đảm bảo tiếng nói của các nước đang phát triển được lắng nghe và quan tâm. Việc duy trì hiện diện trên trường quốc tế như vậy còn có thể giúp ĐNA đón đầu cuộc chạy đua bào chế vaccine thế hệ mới và thuốc đặc trị COVID-19. Kịch bản tốt nhất là một số nước trong khu vực có thể được chọn là nơi đặt nhà máy sản xuất, giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển vaccine, thuốc cho các nước xung quanh.

Ngoài ra, các chính quyền ĐNA cũng cần phải đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn vaccine và loại vaccine, cân nhắc khả năng mở cửa cho khối tư nhân tham gia hỗ trợ nhà nước chống dịch. Số liệu của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các đơn vị tư nhân chiếm tới 53% thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe trị giá hơn 420 tỉ USD của ĐNA.

Malaysia hiện đã cho phép chính quyền các bang và các bệnh viện tư nhân tự mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng là một trong những quốc gia phê duyệt nhiều loại vaccine nhất ĐNA, đa dạng các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Moderna, Sinovac, JanSsen, CanSino và Sinopharm đều được cho phép lưu hành.

Về dài hạn, các nước ĐNA nghiên cứu cách thức sống chung với COVID-19 và tiến hành những giải pháp thiết thực và bền vững hơn như khuyến khích người dân giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang nơi công cộng và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Các biện pháp cực đoan chỉ mang tính tức thời như phong tỏa toàn quốc phải được hạn chế ở mức tối thiểu bởi đợt dịch hiện nay cho thấy các biện pháp này không có tác dụng nhiều trong việc kiểm soát biến thể Delta.

Đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc ra sao?

Giới khoa học cho rằng xu hướng từ bỏ mục tiêu quét sạch F0 trong cộng đồng ở nhiều nước phương Tây hiện nay đã thể hiện một thực tế rằng đại dịch sẽ không biến mất. Trên thực tế, việc xóa sổ hoàn toàn một căn bệnh truyền nhiễm là chuyện rất khó khăn và đến nay chỉ có đậu mùa là căn bệnh duy nhất WHO tuyên bố đã bị diệt trừ, theo tờ The Wall Street Journal.

Qua thời gian, đại dịch thường trở thành bệnh đặc hữu, như cúm. Các virus gây bệnh đặc hữu lây lan liên tục và vẫn gây tử vong nhưng không làm gián đoạn hoạt động xã hội. COVID-19 nhiều khả năng cũng sẽ đi theo con đường này.

Dù vậy, để có thể đi tới giai đoạn đó thì trước hết vẫn phải cần một số lượng người có miễn dịch (qua chủng ngừa hoặc nhiễm bệnh rồi khỏi) nhất định trong cộng đồng và tiêm vaccine vẫn là lựa chọn an toàn nhất. Bên cạnh đó, ngay cả khi con người đã đi đến giai đoạn COVID-19 thành bệnh đặc hữu thì con người cũng không thể ngừng cảnh giác vì nếu COVID-19 lây lan rộng một lần nữa vẫn sẽ tạo điều kiện cho những biến thể nguy hiểm hơn Delta xuất hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm