Chuyên gia bất mãn vì Nobel Y học bỏ qua người điều chế vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào ngày 4-10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố giải thưởng Nobel Y học năm 2021 thuộc về hai nhà sinh học người Mỹ là GS. David Julius và GS. Ardem Patapoutian vì “các khám phá về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”, được đánh giá là có thể mở đường cho các loại thuốc giảm đau mới.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng giải thưởng đáng ra nên trao cho “những nhà khoa học nữ xuất sắc”, những người đã tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19.

Tiến sĩ Katalin Kariko. Ảnh: Csilla Cseke/EPA

Thông thường các đề cử cho giải Nobel sẽ không được tiết lộ, tuy nhiên nhiều người đã tin rằng những người tiên phong về nghiên cứu vaccine COVID-19 và hệ thống miễn dịch là ứng viên tiềm năng. Trong số đó là Tiến sĩ người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman về công trình nghiên cứu về vaccine mRNA

Đánh giá về kết quả giải thưởng Nobel Y học năm 2021, giáo sư sinh học Steven Hobbs thuộc trường Đại học Howard (bang Texas, Mỹ) cho biết ông tuyên dương công trình nghiên cứu các thụ thể trên da nhưng tin rằng Ủy ban Nobel năm nay đã “bỏ sót” trong việc không vinh danh công trình nghiên cứu vaccine mRNA, vốn được thực hiện “chủ yếu bởi các nhà khoa học nữ", bao gồm Tiến sĩ Kariko.

“Lựa chọn này là sự phá hủy danh tiếng những người phụ nữ trên cũng như toàn bộ thế giới. Nghiên cứu vaccine đã trải qua 40 năm. Phụ nữ thường bị lờ đi hoặc không quan tâm. Có những nhà khoa học nữ xuất sắc xứng đáng được vinh danh nhưng đáng buồn là lại không được trao giải” - ông Hobbs nói.

Cùng chia sẻ với quan điểm trên, phó giáo sư Anders Huitfeldt thuộc trường Đại học Southern Denmark cho rằng việc không trao giải cho công trình nghiên cứu vaccine mRNA là “trái với di nguyện cuối cùng của nhà khoa học Alfred Nobel”, người tạo ra giải thưởng này.

Ông Huitfeldt nhấn mạnh rằng các nhà khoa học nhận được giải thưởng là “xứng đáng”, tuy nhiên ông nhắc lại rằng di chúc của ông Nobel đã “tuyên bố khá rõ ràng rằng [công trình vinh danh] phải mang lại lợi ích cho nhân loại vào năm trước”. 

“Năm nay, thật khó mà tranh luận công trình nghiên cứu nào có tác động mạnh mẽ như công nghệ mRNA. Không còn nghi ngờ, nghiên cứu này rất quan trọng” - ông Huitfeldt cho hay.

Trong khi đó, giáo sư Ali Mirazami của Viện Karolinska cho biết công nghệ mRNA “sớm muộn sẽ được trao giải và điều đó là chắc chắn. Nhưng câu hỏi là khi nào.”

Các nhà khoa học cho biết vaccine mRNA do Hãng dược Moderna và hãng Pfizer cùng đối tác BioNTech phát triển đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Các loại vaccine truyền thống thường tạo ra một loại virus bị suy yếu hoặc đã chết để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể mất một thập niên hoặc hơn thế để phát triển. Tuy nhiên vaccine mRNA của Moderna đi từ việc giải trình tự gen sang mũi tiêm đầu tiên cho người chỉ hơn hai tháng.

Ông Adam Frederik Sander Bertelsen, phó giáo sư tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết công nghệ mRNA không chỉ tạo ra “một phản ứng miễn dịch rất hiệu quả” mà việc sản xuất không cần phải được điều chỉnh “mỗi khi tạo ra một loại vaccine mới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm