Ngày 7-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp nông thủy sản đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến động kinh tế thế giới năm 2017”.
TS Lê Đăng Doanh phát biểu tại hội thảo ngày 7-3 tại Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế-TS Lê Đăng Doanh cho rằng trước những thách thức, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có bước đi đa dạng. Cụ thể, theo ông Doanh, ĐBSCL đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu kinh tế để đối phó với nhiều thay đổi như biến đổi khí hậu, thị trường thế giới… Do vậy, rất cần có cách tiếp cận thích hợp, không nhất thiết phải công nghệ cao hay cách mạng công nghiệp 4.0 (giới thiệu hệ thống sản xuất thực - ảo) mà có thể 2.0 (sản xuất hàng loạt chạy bằng điện) hay 3.0 (tự động hóa sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử);
Phải giải quyết vấn đề lao động, thu nhập của người lao động ở nông thôn bằng cách phát triển sản xuất dịch vụ; khởi nghiệp không nhất thiết chỉ lập doanh nghiệp mới mà hộ gia đình, kinh doanh cá thể có thể vận dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để tham gia vào chuỗi giá trị; tín dụng phải về với ĐBSCL với tỉ lệ tương ứng với đóng góp của ĐBSCL để đổi mới công nghệ, tạo việc làm; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm.
Theo TS Lê Đăng Doanh, để “biến nguy thành cơ”, người sản xuất phải đổi mới tư duy, từ bỏ sản xuất, canh tác theo thói quen và truyền thống, từ bỏ chạy theo số lượng, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường, có hợp đồng, có khách hàng. Chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông thay cho chỉ dựa vào thương lái và thị trường Trung Quốc.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp kết hợp với nông dân, viện, trường, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, ngân hàng. Tích tụ ruộng đất nhưng phải vệ quyền sử dụng lâu dài, hợp pháp của nông dân, tránh ruộng đất tập trung vào chúa đất mới ở nông thôn...
Sở dĩ, ông Doanh khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì thị trường Trung Quốc là bởi hàng loạt những khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc áp thuế VAT 13%-17% cho các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; ban hành Luật An toàn thực phẩm mới mà theo đó, tất cả sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang nước này đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.
Sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước Asean (Thái Lan, Malaysia...). Việc xác minh năng lực doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc chưa được chú trọng và còn nhiều hạn chế. Thiếu thông tin tổng thể về thị trường Trung Quốc như chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch...