Các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc (TQ) cảnh báo chuyến thăm Đài Loan dự kiến của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể dẫn đến nguy cơ xung đột chưa từng có giữa Quân giải phóng nhân dân TQ và lực lượng Mỹ, tờ South China Morning Post đưa tin.
Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo
Theo các chuyên gia quân sự, Bắc Kinh trước đó đã đe dọa sẽ "có các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ" nếu bà Pelosi nhất quyết đến Đài Loan. TQ tuyên bố nỗ lực hết sức để ngăn bà Pelosi đến hòn đảo. Các biện pháp có thể thông qua các phương tiện ngoại giao, kinh tế và thậm chí quân sự.
Lần đầu tiên đề cập vấn đề này, Bộ Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa nói Bắc Kinh coi chuyến thăm của bà Pelosi là một động thái để “ủng hộ Đài Loan độc lập” và sẽ không “nhắm mắt làm ngơ”.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: REUTERS |
“Với tư cách nhà lãnh đạo số ba của chính quyền Mỹ, nếu bà Pelosi nhất quyết đến Đài Loan, điều đó chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho mối quan hệ Trung-Mỹ, cũng như quân đội hai nước. Điều này có thể khiến căng thẳng ở eo biển Đài Loan tiếp tục gia tăng” - ông Đàm Khắc Phi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ nói.
Theo ông Đàm, TQ sẽ không làm ngơ và sẽ đáp trả bằng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài và các nỗ lực ly khai của Đài Loan độc lập, cũng như kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: REUTERS |
Phát biểu mạnh mẽ của ông Đàm lặp lại cảnh báo từ Bộ Ngoại giao TQ vào tuần trước, khi phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho biết Mỹ sẽ “gánh chịu mọi hậu quả” và đối mặt với “các biện pháp mạnh mẽ” từ Bắc Kinh nếu bà Pelosi vẫn nhất định đến Đài Loan.
Chuyên gia nhận định
Theo ông Châu Thần Minh - nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, TQ cảm thấy họ “không được Washington tôn trọng” trong vài tháng qua mặc dù đã cảnh báo các rủi ro nếu chuyến thăm diễn ra.
"Quân đội TQ rất tức giận vì cảm giác không được tôn trọng từ những người đồng cấp Mỹ sau nhiều tháng nỗ lực tìm cách ngăn chặn chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi" - ông Châu nói.
Bà Pelosi trước đó đã hủy kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng 4 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: REUTERS |
Trong khi đó, chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang thực tế.
Theo ông Lý: "Kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi đang làm tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa TQ và Mỹ về vấn đề Đài Loan, vì TQ ngày nay rất khác so với giữa những năm 1990”.
“Quân đội Mỹ tuyên bố họ có thể cử tàu sân bay hộ tống bà Pelosi nếu cần thiết, nhưng TQ hiện sở hữu hai tàu sân bay đang hoạt động. Vì thế, điều này quá rủi ro cho một trong hai bên nếu triển khai các tàu khổng lồ đến khu vực” - ông nói.
Theo ông Nghê Lạc Hùng - GS của ĐH Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự của Bắc Kinh với Mỹ đã khiến giới lãnh đạo TQ trở nên cứng rắn và ít nhượng bộ trước những thách thức từ Mỹ.
“Bắc Kinh có những phương tiện lớn để thúc đẩy bà Pelosi từ bỏ kế hoạch. Về các lựa chọn quân sự, chẳng hạn, TQ có thể công bố vùng cấm bay và khu vực tập trận quân sự hạn chế gần eo biển Đài Loan. Điều này buộc máy bay của bà Pelosi phải đi đường vòng nếu bà vẫn muốn thăm Đài Loan” - theo chuyên gia Nghê.
Trước đó, một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết vì chuyến thăm của bà Pelosi có thể trùng với ngày thành lập quân đội TQ (1-8). Bắc Kinh có thể sẽ tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan vào thời điểm đó, với nhiều tàu chiến và máy bay được triển khai hơn.
"Bắc Kinh có thể huy động một số tàu chiến và máy bay nhất định để tuần tra cả eo biển Đài Loan và các bờ biển phía đông của [Đài Loan], bởi vì quân đội Mỹ có thể sắp xếp cho bà Pelosi đổ bộ lên đảo trên một tàu chiến khởi hành từ căn cứ hải quân Mỹ ở Okinawa (Nhật)" - nguồn tin giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nghê, quân sự có thể luôn là bước cuối cùng và Bắc Kinh muốn sử dụng các biện pháp ngoại giao để thuyết phục Mỹ hủy bỏ chuyến công du của bà Pelosi.
“Ví dụ, Bắc Kinh có thể ra quân bài Nga, bằng cách bán cho Moscow cái mà Mỹ không thích, vì TQ vẫn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chiến dịch quân sự của Moscow" - ông Nghê nói thêm.