Sáng 18-6, Thành ủy Hà Nội tổ đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”.
Cuộc toạ đàm nhằm lấy ý kiến các đại sứ, chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ công tác xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô…
Yếu tố nhân lực là khâu then chốt
Tại cuộc toạ đàm, các ý kiến đều thống nhất với nhận định Hà Nội có khá nhiều tài nguyên, tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hoá nhưng chưa khai thác, phát huy được.
Cụ thể, Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước nên đương nhiên có lợi thế là nơi hội tụ, kết tinh và có lợi thế lớn từ kho tàng văn hoá đồ sộ, phong phú của cả dân tộc. Bên canh đó, Hà Nội cũng có nguồn lực "dân số vàng" (trên 51,7% dân số trẻ) cùng tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển. Đặc biệt, TP có một nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật đang cư trú TP, cùng với đó là số lượng lớn các cơ quan chuyên về văn hoá nghệ thuật đóng trên địa bàn…
Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho thấy những năm qua TP đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá sáng tạo như: liên hoan phim quốc tế Hà Nội, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ, các lễ hội văn hoá, lễ hội đường phố… TP cũng tổ chức thành công nhiều không gian sáng tạo văn hoá nghệ thuật cộng đồng, để lại được nhiều ấn tượng tốt như: không gian phố đi bộ, phố bích hoạ Phùng Hưng, phố sách Hà Nội…
Toạ đàm phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô diễn ra sáng nay 18-6
Tuy nhiên, chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội đang gặp không ít khó khăn, thách thức do chưa theo kịp với cuộc chuyển đổi số, tốc độ đô thị hoá; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp, liên kết tuần hoàn, bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…
Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, Hà Nội sở hữu nhiều điểm mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững nhưng cũng có những hạn chế, như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết chuyên ngành hiệu quả cao; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý… "Di sản văn hóa của thành phố vừa giàu có, vừa đa dạng song những giá trị văn hóa từ di sản chưa được nhận diện một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; các sản phẩm văn hóa chưa độc đáo, chưa bản sắc, xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế", bà Lý nêu.
Tập trung cho yếu tố con người
Tại cuộc toạ đàm, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho hay vừa qua UNESCO đã làm việc với lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội để để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo, sau khi TP gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo”. UNESCO, phối hợp với các đối tác để phát triển dự án 3 năm với nội dung “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội” với khẩu hiệu “Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội”.
Dự án này gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 hướng tới việc tạo ra và thúc đẩy các nền tảng để kết nối các sáng kiến văn hóa đang diễn ra của thanh niên. Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy tiềm năng kinh doanh của các nhà thiết kế trẻ. Và hợp phần 3 sẽ giúp các thành phố kết nối với những đối tác trong và ngoài nước để tổng hợp sức mạnh nguồn lực giữa những chương trình hiện tại và tương lai liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, củng cố khả năng thu hút các nguồn lực để đưa Hà Nội tiến lên phía trước.
“Sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chiến lược mới cho Thủ đô Sáng tạo - một thành phố trao quyền cho công dân của mình, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới, và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển” - ông Michael Croft nói và nhấn mạnh thêm nguồn nhân lực trẻ chính là tài nguyên chủ chốt nhất, nòng cốt nhất trong xây dựng công nghiệp văn hoá cũng như thúc đẩy sự đổi mới của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội
Đồng ý kiến, PGS. TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cũng cho rằng yếu tố con người là then chốt, do đó cần bắt đầu từ công tác đào tạo, giáo dục cho trẻ em. “Hà Nội cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế. Cạnh đó, TP cần tạo ra các trung tâm sáng tạo kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người” - chuyên gia này gợi ý.
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay nút thắt trong phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội hiện nay là nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp, chưa phát huy được tài nguyên, tiềm năng của TP trong lĩnh vực này.
“Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội, song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá…” - bà Phương nói.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh Hà Nội coi phát phát triển công nghiệp văn hóa là nguồn lực cho sự phát triển bền vững, góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. “TP với khuôn khổ pháp lý của mình sẽ tạo môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho công nghiệp văn hóa phát triển; coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng Nhân dân, đồng thời cũng là người hưởng thụ” - ông nhấn mạnh.