Phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội

Sáng  12-10, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự, phát biểu chỉ đạo Đại hội. PLO xin lược trích những chỉ đạo quan trọng này.
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội ảnh 1Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII. Ảnh: TP

Đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá: Thời gian qua, công tác chuẩn bị Đại hội XVII của Hà Nội đã được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc và trách nhiệm, theo đúng tinh thần Chỉ thị 35, kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Tập thể Bộ Chính trị đã nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo công tác chuẩn bị và đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể để hoàn thiện các dự thảo văn kiện và phương án nhân sự trình đại hội.
Gợi mở thêm một số vấn đề cho Đại hội, Tổng Bí thư cho biết, Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XVI với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm.
TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, nổi bật là kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, ước tăng 7,39%; bình quân đầu người ước đạt 5420 USD, gấp 1,8 lần bình quân của cả nước; Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5 thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngách xuất khẩu của cả nước….
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước.
"Tôi biết Hà Nội không vội được đâu"
Bên cạnh những tiến bộ và thành tích đã đạt được, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đảng bộ TP Hà Nội vẫn còn không ít những hạn chế, khuyết điểm tồn tại. Đó là dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá nhưng nhìn chung chưa tạo được các đột phá lớn, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Thủ đô. Năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực chưa cao, hiệu quả quản trị hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước…

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội ảnh 2
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội làm lễ chào cờ. Ảnh: T.P

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động chưa theo kịp thực tiễn, chưa đạt yêu cầu đề ra.
“Đối với Thủ đô thì đây là vấn đề lớn lắm! Hôm trước tôi đã nói rồi, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch thế nào, xây dựng thế nào, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn thế nào… chứ không phải chỉ là vấn đề kinh tế” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Những chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa, xã hội của Hà Nội cũng chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh thúc đẩy kinh tế xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Tình trạng tội phạm, an ninh trật tự trong xã hội trên địa bàn TP Hà Nội còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai chưa được kiên quyết xử lý kịp thời gây bức xúc dư luận.
“Thậm chí còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn gây hậu quả nghiêm trọng, cái này làm xấu hình ảnh Thủ đô rất đáng tiếc” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đánh giá về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng ở Thủ đô còn thấp. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một cấp ủy, tổ chức đảng chưa cao. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế, thậm chí hơi hình thức, nặng nề hiếu hỉ.
Ý thực thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức viên chức chưa tốt gây bức xúc trong dư luận xã hộ. Đây là những vấn đề mà Đảng bộ TP cần nghiêm túc nhìn nhận đánh giá khách quan, và tập trung có giải pháp khắc phục kịp thời hơn, kết quả tốt hơn.
“Nói điều này tôi không có ý chê trách hay chì chiết nặng nề gì với Hà Nội. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của các đồng chí. Tôi cũng có thời gian công tác ở HN, cũng gần 10 năm. Tôi biết là Hà Nội không vội được đâu” - Tổng Bí thư nói.

Vai trò, vị trị đặc biệt quan trọng

Để khắc phục những vấn đề này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan trung ương phải có trách nhiệm với Hà Nội, cùng chia sẻ với Hà Nội để “có cách làm, có phương pháp” để đạt được hiệu quả cao.
“Tôi đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân, các khuyết điểm để rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra biện pháp đúng đắn, phù hợp, củng cố tăng cường niềm tin sự ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân” - ông nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín như hiện nay. Trong đó Hà Nội cũng chưa bao giờ có được nguồn lực, điều kiện, cơ hội, lợi thế để phát triển như hiện tại... “Chính vì thế yêu cầu đặt ra với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn.
Vì sao?
Bởi vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí thiêng, hồn thiêng dân tộc, khí phách cha ông, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hoà bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước”.
Về tương lai phát triển của Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô.
“Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay vài nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn có tầm nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới” - ông nói.
Sáu vấn đề quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tán thành với nội dung của báo cáo chính trị của Đảng bộ Thủ đô, đồng thời lưu ý thêm một số điểm.

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội ảnh 3
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, sáng 12-10. Ảnh: T.P

Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc và phát huy hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước. Nâng cao hơn nữa lòng tự hào, tự trọng, nêu cao hơn nữa ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về Hà Nội, Luật Thủ đô và các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, Hà Nội cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn, không bằng lòng với những gì đã có.
Hai là, với vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực sự là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Thực hiện tốt chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, thực sự tạo được những bước đột phá trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; thực hiện hiệu quả thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Bốn là, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố vì hoà bình" và nay Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, lịch sự.
Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với bạn bè quốc tế, tạo tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, Đảng bộ Hà Nội cần đặc biệt chú trọng tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Cần kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật với xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân.
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm