Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm năm 2023 tại Cần Thơ ngày 12-4, tại một số hội thảo chuyên ngành, một số chuyên gia đã đưa ra dự báo về thị trường xuất khẩu cũng như khuyến nghị để giá thành con tôm giảm, tăng sức cạnh tranh…
Dự báo xuất khẩu năm 2023 khó khăn
Phân tích về ngành tôm Việt Nam, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thế mạnh của tôm Việt Nam là có chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng; Là quốc gia có lợi thế về trình độ chế biến cao, tạo ra một lượng hàng có giá trị gia tăng tốt; Chuỗi giá trị con tôm khá cân bằng, diện tích nuôi lớn, Chính phủ quan tâm đến vấn đề nuôi tôm.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP trình bày tại hội thảo. Ảnh: CHÂU ANH |
Tuy nhiên, điểm yếu là chúng ta gặp vấn đề nuôi nhỏ lẻ, tự phát nhiều khiến cho việc áp dụng khoa học công nghệ, quản lý vùng nuôi, các vấn đề đầu tư… làm cho việc giảm giá thành khó khăn, chi phí chế biến cao; Hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ; Chưa có thương hiệu xứng tầm.
Các cơ hội đối với ngành tôm đến từ các hiệp định thương mại tự do; Xu thế người tiêu dùng chuộng thủy sản, bao gồm tôm; Xu hướng tiêu dùng xanh nên tôm sinh thái Việt Nam được thế giới quan tâm.
Theo ông Hòe, thách thức hiện nay của ngành tôm rất lớn, trong đó năm 2023 lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Kế đến là chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuado và Ấn Độ là những nước có giá thành thấp hơn Việt Nam.
Ông cho rằng các doanh nghiệp, nhà quản lý làm sao có chiến lược, chương trình để đến năm 2025, tôm Việt Nam có giá thành thấp hơn tôm Ecuado để cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Ngoài ra còn một số thách thức khác là rào cản thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ; thách thức nữa là dịch bệnh, lao động nhân công.
Nhận định về một số thị trường, ông Hòe cho rằng với thị trường Mỹ, do lạm phát cao, nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho của năm 2022; Xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023 do tác động chiến tranh Nga-Ukraine; Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023; Nửa đầu năm 2023, nhập tôm của Hàn Quốc sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn, sau đó sẽ phục hồi.
Tổng quan lại, Tổng thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm năm 2023 của Việt Nam dự kiến khó khăn, nhu cầu chỉ phục hồi từ quý II trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Theo đó, ông cũng đưa ra một số khuyến nghị với doanh nghiệp là cần tối ưu chi phí; Tập trung phát triển giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm làm chìa khóa vào thị trường; Chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm-rừng, tôm-lúa; Chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường.
Thay đổi cách nuôi để hạ giá thành
TS Trần Hữu Hữu Lộc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Minh Phú AquaMekong có bài tham luận về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành tôm. Trong đó, ông Lộc nhấn mạnh hai thách thức của ngành tôm chủ yếu là quản lý dịch bệnh và giá thành.
Quang cảnh hội thảo chuyên ngành về tôm tại Triển lãm quốc tế Vietshrimp 2023. Ảnh: CHÂU ANH |
Nói về một số loại bệnh phổ biến trên con tôm ở Việt Nam, ông Lộc cho rằng mấu chốt cuối cùng là phải chấp nhận mầm bệnh sẽ luôn có trong ao nuôi, làm sao giảm rủi ro mầm bệnh và sự bùng phát của dịch bệnh.
Ông Lộc đưa ra các thông tin về công nghệ nuôi của Ecuado và Ấn Độ giúp họ có sản lượng tốt trên một diện tích tương tự với chúng ta mà lại vẫn có giá thành thấp hơn chúng ta.
TS Lộc nêu một dẫn chứng: loại tôm 50 con/kg thì Việt Nam nuôi tối thiểu cỡ 4 USD, khoảng 90.000 đồng. So sánh với Ấn Độ thì giá của Việt Nam đắt hơn 1 USD, còn so với Ecuado thì đắt hơn tối thiểu 1,5USD.
Các vấn đề dẫn đến giá thành sản xuất cao là chúng ta sử dụng nhiều loại hóa chất để xử lý nước, thức ăn thì hàm lượng protein cao bởi vì nuôi mật độ cao từ đó giá thức ăn cao… và nhiều chi phí khác, trong đó có cả việc phải chịu lãi suất cao.
Vì vậy, ông đề nghị phải thay đổi cách nuôi như hiện nay để kéo giá thấp như Ecuado thì chúng ta mới cạnh tranh quy mô lớn trên thị trường quốc tế được. Cụ thể là làm sao sản xuất quy mô lớn, mật độ nuôi thưa ra, thiết kế ao nuôi đơn giản lại, rút ngắn chuỗi cung ứng, có chương trình quản lý rủi ro dịch bệnh tốt hơn…