Chuyên gia kiều bào nói về vaccine ngừa COVID-19 ở nước ta

Ngày 20-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCMtổ chức Tọa đàm Chuyên gia kiều bào chung tay vượt qua đại dịch- Vaccine Made in Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 23-7 với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các công ty đang phát triển vaccine tại Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ Y tế cho biết thời gian tới sẽ có 4 vaccine sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có 2 sản phẩm nội địa và 2 sản phẩm Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ.

Đối với vaccine nội địa, hiện có 2 ứng viên đang thử nghiệm lâm sàng là vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (trái) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình. 

Vấn đề đặt ra đối với vaccine “Made in Vietnam” trong giai đoạn hiện nay là cần giải quyết song song nhiều yêu cầu. Vừa đảm bảo an toàn, quy trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá các yếu tố sinh kháng thể sau tiêm… vừa đảm bảo các thủ tục về quy trình để Bộ Y tế có cơ sở xem xét phê duyệt cấp phép có điều kiện trong trường hợp khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu cấp bách. Quan trọng là để ta có thể chủ động nguồn vaccine trong nước thời gian tới.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trước 15-9, TP.HCM cần sự chung tay của mỗi người dân trong  thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo 5k, tham gia tiêm chủng  vaccine phòng, chống dịch khi đến lượt và cùng tham gia ngăn chặn sự lây lan của tin giả trên mạng xã hội.

TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng vaccine, vì vậy cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn lực vaccine hiện có. Tiêm chủng kịp thời các loại vaccine được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ.

TS Đỗ Minh Sĩ - Giám đốc Nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đã giới thiệu về vaccine Nano Covax, đồng thời khẳng định Nano Covax tương đối an toàn. Phản ứng phụ ghi nhận được hầu hết rất nhẹ, phản ứng toàn thân nhẹ, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm không ai gặp vấn đề gì.

“Vaccine Nano Covax khả năng đáp ứng miễn dịch tương đối tốt, đặc biệt cao hơn so với huyết thanh của người khỏi bệnh” - TS Sĩ nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Huân (kiều bào Mỹ) - Giám đốc khoa học Công ty IGY Life Sciences, Giáo sư kiêm nhiệm Đại học Arizona, khẳng định vaccine là chìa khóa để chúng ta thoát khỏi đại dịch trong bối cảnh chưa có đủ vaccine cho cả nước nhưng lại có nhiều lựa chọn vaccine khác nhau. Đưa ra ý kiến cá nhân rằng nên cấp phép sử dụng vaccine Nano Covax, TS Huân giải thích dựa trên bốn lý do: An toàn, hiệu quả, khả năng sản xuất và lợi ích.

Ông cũng cho rằng việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Nano Covax là cơ hội thành công cho Việt Nam trên lĩnh vực sản xuất được vaccine và tự khống chế được đại dịch. Sử dụng đại trà tại thời điểm này rủi ro rất nhỏ (nếu có theo lý thuyết thấp hơn các vaccine đang lưu hành), nhưng lợi ích thì lớn hơn.

GS.TS bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn (kiều bào Pháp) - Bệnh viện Trung ương Cochin, Đại học Y Nha dược Paris thì tham gia ý kiến xung quanh câu hỏi đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là ai. Ông đưa ra dẫn chứng: Trên 10 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có 8 người thuộc nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi.

Từ đó ông cho rằng, tiêu chuẩn tuổi tác rất quan trọng. Số bệnh nhân hồi sức tích cực tại Pháp theo thống kê đến ngày 31-7 cho thấy những người trên 50 tuổi chiếm 78% người được đưa vào đơn vị hồi sức tích cực

“Ở bất cứ quốc gia nào, số giường dành cho bệnh nhân hồi sức tích cực rất hạn chế” - ông nói. Với câu hỏi tiêm ngừa COVDI cho ai, ông trả lời rằng nên tiêm ngừa cho những ai có nhiều cơ nguy trở bệnh nặng đến mức  độ phải đưa vào hồi sức tích cực, tránh tử vong.

GS Đinh Xuân Anh cũng cho rằng, việc tiêm ngừa có thể hạn chế lây lan và biến chủng, bởi vì một khi một virus vào tế bào một chủ thể thì virus có thể biến chủng bất cứ khi nào do sự phân bào virus giống như sự sao chép bộ gene.

Để dễ hình dung, ông lấy vì dụ từ một đứa trẻ bị cô giáo phạt chép 100 lần hoặc 1.000 lần câu: Em phải biết nghe lời thầy. Đứa trẻ chép đến lần 100 hay 200 bắt đầu mệt mỏi và chép lỗi, virus cũng giống như vậy, phân bào càng nhiều bao nhiêu thì khả năng để gây ra sự lỗi trong quá trình sao chép đó càng cao bấy nhiêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm