Chuyên gia luật nói gì về vụ 'Tranh cãi vàng của ai'

Sau khi PLO đăng diễn đàn lấy ý kiến bạn đọc về vụ án "Nàng dâu quyết không chia vàng đám hỏi: Vàng của ai?", rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi về tranh cãi "bất phân thắng bại" về tình tiết pháp luật thú vị trong vụ án, phe pháp luật và phe phong tục tập quán.
Phe thứ nhất cho rằng căn cứ phong tục tập quán, vàng cho nàng dâu trong đám hỏi được mặc nhiên là cho hai vợ chồng để có vốn làm ăn, đó là vàng của chung vợ chồng nên phải chia đôi khi ly hôn.
Không đồng tình, phe thứ hai cho rằng căn cứ theo pháp luật, khi đám hỏi, hai bên chưa đăng ký kết hôn nên chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng, do đó vàng nhà trai "cho cô dâu" trong đám hỏi là tài sản riêng của người vợ, không thể chia được.

Hai phe tranh cãi quyết liệt và viện dẫn căn cứ đều có vẻ khá thuyết phục.

Các chuyên gia luật có ý kiến thế nào về trường hợp này?

TS LÊ MINH HÙNG, khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM: Đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện

Thứ nhất: Đây là một hợp đồng tặng cho có điều kiện. Nhà trai nói cho cô dâu tức là cho chị này trong trường hợp cả hai nên vợ nên chồng. Không ai đem một số tiền lớn như vậy để cho riêng một người cả, mà phải xem đây là tập quán cho vợ chồng để lấy vốn làm ăn sau này.

Theo Nghị quyết 01 và 02/1990 của HĐTP TAND hướng dẫn về tài sản chung, thì khi cha mẹ chồng đi hỏi cưới, có cho sính lễ, thì có phần về quà cưới là cho cô dâu, phần vàng số lượng lớn, thì cho hai vợ chồng làm vốn. Do đó, nếu số vàng năm, 10 lượng hay nhiều hơn, thì coi là cho làm vốn, tức cho hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới và làm vốn mưu sinh, làm kinh tế chung.

Tôi ủng hộ nhận định của hai cấp tòa: Trường hợp này pháp luật không quy định nên áp dụng tập quán.

Thứ hai: Cần phải tách biệt ra rõ phần cho cô dâu này cái nào là cho riêng, cái nào cho hai vợ chồng. Nếu không có thỏa thuận, theo tôi phần nhẫn cưới, dây chuyền, bông tai,... là phần cho riêng cô dâu.

Ảnh minh họa.

Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Về ý thức đó là cho chung cả hai

Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này (Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Vậy tài sản được cho trước hôn nhân có được xem là tài sản chung hay không cần căn cứ vào ý chí của người cho tài sản. Nếu người cho tài sản xác định cho cả hai vợ chồng thì đó là tài sản chung, nếu chỉ cho vợ thì đó là tài sản riêng của vợ.

Trên thực tế, tại đám hỏi, người cho tài sản đưa trực tiếp cho cô dâu nhưng có thể không nói rõ là cho riêng hay cho chung. Nhưng về ý thức đó là cho chung cả hai. Giả sử sau đám hỏi, hai bên không làm đám cưới, không đăng ký kết hôn thì thông lệ bên nhà gái sẽ trả số tài sản đó lại cho bên nhà trai. Do vậy, tòa xử chia tài sản chung là hợp lý, tuy nhiên cần nhận định dựa trên ý thức của người cho tài sản, thay vì cho rằng kể từ sau đám hỏi hai người đã là vợ chồng, từ đó cho rằng tài sản mà cả hai có được sau đám hỏi là tài sản chung.

Luật sư TRƯƠNG VĨNH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Xử như hai cấp tòa là đúng quy định

Nếu muốn chia, phải hỏi người cho là cho chung hai bạn hay cho riêng một bạn, cho có điều kiện gì không. Nếu cho chung thì chia đôi, còn cho có điều kiện thì việc cho chỉ có giá trị khi điều kiện đó xảy ra. Điều kiện ở đây là hai bạn đăng ký kết hôn rồi chung sống suốt đời hay chỉ chung sống vài ngày.

Trước đây, TAND Tối cao có hướng dẫn nếu kết hôn mà ngắn ngày, thực tiễn xét xử là vài tháng đổ lại, thì khi ly hôn, tài sản của ai nấy giữ. Quy định vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng đăng ký kết hôn để phân chia tài sản.

Trường hợp này, sau đám hỏi, hai bên đã kết hôn và chung sống trên một năm, nếu không có cam kết tài sản riêng thì xử như hai cấp tòa ở TP Cần Thơ là đúng quy định pháp luật.

Một thẩm phán TAND Cấp Cao tại TP.HCM

Trong vụ việc này, người vợ cho rằng số vàng trên được phía bên nhà trai cho riêng cô tại thời điểm trước khi hai bên có đăng ký kết hôn (tức có quan hệ hôn nhân theo pháp luật quy định) nên đây là tài sản hình thành từ trước thời kỳ hôn nhân và do đó là tài sản riêng của cô dâu. Luận điểm này là chưa đủ sức thuyết phục, bởi lẽ cô dâu chỉ được cho số vàng này khi cô cưới chú rể, chứ không phải cô được nhà trai cho số trang sức này một cách ngẫu nhiên vô điều kiện.
Điều này có thể làm ảnh hưởng đến ý chí chủ quan của nhà trai, bởi lúc này họ có thể hiểu rằng họ đang trao số vàng đó cho cả gia đình người vợ và người chồng, chứ không phải chỉ mình người vợ. Thực tế thì hướng suy luận này là hợp logic bởi rất hiếm có trường hợp ai đó đột nhiên cho không người khác một số tài sản như vậy. Vì lẽ đó để cho luận điểm của mình có sức thuyết phục, người vợ phải chứng minh được số vàng trên thực sự là phía nhà trai cho riêng cô, có thể bằng một hợp đồng viết tay, có thể là một đoạn ghi âm, ghi hình rằng nhà trai trao số tài sản đó cho một mình cô mà thôi (có thể trong trường hợp chính nhà trai cũng không yên tâm khi để tài sản cho chú rể quản lý).
Vì tính chất phức tạp của một mối quan hệ dân sự, rất khó để có thể tìm ra được một mẫu số chung cho tất cả vụ việc tương tự nhau mà cần có sự suy xét cụ thể.

Vàng là của cô dâu

Trong vụ tranh chấp ly hôn này, tòa án hai cấp xử căn cứ vào tập quán phong tục để xác định tài sản là trang sức cha mẹ chồng cho con dâu nhân ngày đám hỏi là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý.

Theo tập tục từ xa xưa thì khi đi cưới vợ, ngày đám hỏi đàng trai luôn bị nhà gái thách cưới với đầy đủ lễ nghi và vàng vòng trang sức. Một số địa phương không có tập tục thách cưới nhưng khi đi hỏi vợ cho con, nhà trai luôn thể hiện khả năng giàu có của mình bằng việc cho con dâu nhân ngày ra mắt tại lễ hỏi. Ngày hỏi này, việc tặng vòng vàng của cha mẹ chồng là cho nàng dâu mới ra mắt cũng như bà con cô bác bên nhà trai tặng tiền cho cô dâu khi chú rể dẫn cô dâu đi chào hỏi cô bác bên mình thì các tài sản này không phải là của chung mà là tặng cho cô dâu. Chỉ khi nào cô dâu trả rượu không chịu đám cưới thì mới có nghĩa vụ trả lại cho bên đàng trai.

Nếu cho để cưới, thì đây là hợp đồng có điều kiện. Khi điều kiện hoàn thành thì hợp đồng đó cũng phát sinh hiệu lực thực thi. Vậy thì tài sàn này coi như của riêng cô vợ rồi.

Pháp luật hôn nhân gia đình đã quy định tài sản chung và tài sản riêng rất rõ ràng, không thể cho rằng có bà con cô bác hai họ chứng kiến là xem như tài sản chung vợ chồng. Theo tôi thì tài sản hình thành tại ngày lễ hỏi, vòng vàng do cha mẹ chồng cho là cho riêng cô dâu. Chính chú rể cũng là người đeo vàng cho vợ, có nghĩa là tài sản này do chồng và bên chồng cho cô dâu. Cô dâu có đồng ý nhập làm tài sản chung vợ chồng hay không là quyền của cô dâu, luật chưa quy định tài sản này là của chung vợ chồng. Nên việc xử chia đôi số vàng này là thiệt thòi cho cô dâu.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới