Sáng nay (10-8), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPTQuốc gia đã làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên.
Đáng chú ý, sau bài thi tổ hợp KHXH, tại câu hỏi số 117 (mã đề 310) thuộc môn Giáo dục công dân, nhiều chuyên gia luật nhận định cả 4 đáp án cho câu hỏi này đều không phải là đáp án chính xác. Cụ thể, câu hỏi và đáp án như sau:
Trên cùng một địa bàn, khách sạn của chị X và khách sạn của chị Y đều chưa trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống cháy nổ theo đúng quy định. Trong một lần kiểm tra, phát triển sự việc trên nhưng ông B là cán bộ có thẩm quyền chỉ lập biên bản xử phạt chị X mà bỏ qua lỗi của chị Y vì chị Y là em họ của ông. Biết chuyện, em trai chị X là anh C làm nghề tự do đã bịa đặt việc chị Y sử dụng chất cấm để chế biến thức ăn khiến lượng khách hàng của chị Y giảm sút. Những ai sau đây vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh?
A. Chị Y, chị X và anh C.
B. Chị Y, ông B và anh C.
C. Chị X, chị Y và ông B.
D. Chị X, ông B và anh C.
Các thí sinh sau buổi thi sáng nay. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trao đổi với PV, một chuyên gia của Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Quyền “bình đẳng” trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những quyền hiến định (Điều 16, Điều 51 – Hiến pháp 2013) cho mọi chủ thể.
Quyền này được pháp luật ghi nhận và Nhà nước đảm bảo thực thi. Trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành (Điều 5) đều có quy định Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Trong tình huống này, ông B là cán bộ có thẩm quyền, là người đại diện cho Nhà nước để xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự quản lý nhà nước về an toàn cháy nổ trong kinh doanh khách sạn, đã có hành vi phân biệt đối xử khi chỉ xử phạt hành vi vi phạm của khách sạn chị X mà bỏ qua lỗi vi phạm tương tự của khách sạn chị Y.
Như vậy, chính ông B đã vi phạm quy định về việc quyền bình đẳng của mọi chủ thể kinh doanh trước pháp luật. Còn chị X, chị Y, hay em trai chị X chỉ là những chủ thể độc lập trước các quan hệ pháp luật, hành vi vi phạm pháp luật của họ (nếu có) chỉ có thể dẫn đến việc họ bị xử lý trước pháp luật chứ không thể làm thay đổi quyền bình đẳng trước pháp luật giữa họ.
Do vậy, đáp án của tình huống này về chủ thể vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh chỉ có thể là ông B.
Ngoài ra, dữ liệu đề còn không rõ ràng ở chỗ chủ thể bị xử phạt, việc ông B là cán bộ có thẩm quyền lập biên bản xử phạt chị X là chưa chính xác, mà chủ thể bị xử phạt ở đây phải là chủ thể kinh doanh khách sạn. Chẳng hạn như khách sạn này hoạt động dưới hình thức pháp lý là công ty TNHH hay công ty cổ phần, thì chủ thể bị xử phạt là công ty, còn chị chị X hay chị Y chỉ là chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của công ty mà thôi.
“Nói tóm lại, cả 4 đáp án đưa ra là không chính xác”, vị chuyên gia kết luận.
Đề thi không sai! Ở mã đề 310, câu hỏi số 117, đáp án C là đáp án đúng. Hoặc là câu 113 ở mã đề 320 thì đáp án A là đáp án đúng. Vì trong kinh doanh, người kinh doanh vừa có quyền vừa phải có nghĩa vụ. Nghĩa vụ ở đây là các nghĩa vụ như nộp thuế, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghĩa vụ phòng cháy nổ, nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng ...Và quyền như quyền kinh doanh các dịch vụ, mặt hàng pháp luật không cấm.... Trong trường hợp câu hỏi này, chị X, chị Y vi phạm nghĩa vụ về quyền bình đẳng trong kinh doanh, ông B là người xử lý không công bằng nên cũng vi phạm luôn. Anh C chỉ vi phạm trong quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của công dân thôi chứ không liên quan gì đến kinh doanh cả vì anh này tung tin nói xấu người khác. Theo cô Châu, đây là một trong 4 câu phân hóa mức độ cao dành cho những em khá giỏi. Câu này, nếu chỉ đọc đề lớt phớt rất dễ nhầm. Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, nguyên Giáo viên dạy Giáo dục công dân, trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM |