Thời gian qua, thông tin diễn viên Ngọc Lan bức xúc vì một số vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm (BH) đã dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng người mua BH cần hiểu đúng và nắm rõ các nghĩa vụ cũng như tài chính của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp BH nên có những phương thức để đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp mình.
Người mua bảo hiểm cần biết
Trao đổi với PLO, ThS Trần Minh Hiệp, Giảng viên Tổ Tài chính - Ngân hàng, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM đưa ra lời khuyên đối với người mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT), cần lưu ý nhiều vấn đề.
Người mua BH cần hiểu đúng bản chất, mục đích của BHNT vừa là hình thức chuyển giao rủi ro, chi trả các chi phí khi có sự kiện BH xảy ra vừa là hình thức đầu tư dài hạn.
“Trong đó, mục đích chuyển giao rủi ro, chi trả các chi phí khi có sự kiện BH xảy là mục đích chính; chỉ khi nào sự kiện BH không xảy ra thì mới tính đến mục đích đầu tư tài chính; không nhầm lẫn với hình thức gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng đơn thuần là một hình thức đầu tư tài chính”- ông Hiệp nhấn mạnh.
Người mua bảo hiểm cần hiểu về bảo hiểm để tránh bị hiểu nhầm. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cũng theo ThS Minh Hiệp, khi xác định mua BH người mua BH phải trả lời câu hỏi: Mua BH để làm gì? Chỉ khi nào trả lời câu hỏi này một cách đầy đủ thì mới xác định chính xác người được BH, người thụ hưởng, sự kiện BH, số tiền BH, thời hạn BH …
Lưu ý thêm, người mua BH phải đọc kỹ hợp đồng cũng như nắm rõ các nghĩa vụ phải thực hiện. Đồng thời tính toán khả năng tài chính trung và dài hạn để thực hiện nghĩa vụ đóng phí trong tương lai.
“Phí bảo hiểm phải đóng nên chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng chi phí thường xuyên hàng tháng, được liệt kê vào nhóm chi phí không thể trì hoãn như tiền điện, tiền nước, tiền gạo, xăng xe hằng ngày. Người mua BH phải dự phòng được rằng trong mọi tình huống khó khăn về tài chính xảy ra thì cũng không thể ngừng đóng BH”- ThS Hiệp nhắc nhở.
Vị giảng viên này cũng khuyên người mua BH nên chia nhỏ nhiều gói BH riêng lẻ với tại các doanh nghiệp BH, người được BH, người thụ hưởng, sự kiện BH, thời hạn BH, số tiền BH khác nhau để phân tán rủi ro.
Nếu mua BHNT là để chuyển giao rủi ro thì cũng phải học cách phân tán rủi ro. Pháp luật kinh doanh BH không cấm người mua BH mua BH trùng và khi sự kiện BH xảy ra thì tất các hợp đồng đều được chi trả BH nếu đáp ứng đủ căn cứ, điều kiện.
Chú trọng đào tạo tư vấn viên
Theo Luật sư Lê Nguyên Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của công ty, các doanh nghiệp BH cần nâng cao đào tạo nghiệp vụ, kiến thức BH và đạo đức của tư vấn viên bởi tư vấn viên bị áp lực KPI, doanh số có thể bất chấp dụ dỗ khách hàng ký hợp đồng.
“Lưu file ghi âm nội dung tư vấn phải là một bộ phận không tách rời của hợp đồng BH. Việc này đảm bảo tư vấn viên không vì lợi ích doanh thu mà tư vấn sai với khách hàng, đồng thời cũng là chứng cứ để giải quyết tranh chấp”- Luật sư nhấn mạnh.
Đồng thời, doanh nghiệp cần cung cấp cho bên mua BH bản yêu cầu BH, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được BH... giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi BH, điều khoản loại trừ trách nhiệm BH, quyền và nghĩa vụ của bên mua. Tổng đài viên chủ động định kỳ gọi điện hỏi thăm và tư vấn cho khách hàng, để kịp thời giải đáp các thắc mắc của khách hàng và hướng dẫn.
“Khi xảy ra khiếu nại thì doanh nghiệp BH cần nhanh chóng mời khách hàng giải quyết trực tiếp. Nếu có khủng hoảng truyền thông như vụ diễn viên Ngọc Lan thì doanh nghiệp cần có phát ngôn chính thức về các thắc mắc của khách hàng hoặc uẩn khúc trong cách hiểu điều khoản hợp đồng, tránh để dư luận tự suy diễn”- luật sư lưu ý.
Đồng quan điểm, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp BH ngoài việc thường xuyên đào tạo, đào tạo lại nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ tư vấn viên thì cần có các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn của tư vấn viên.
Đối với hoạt động tư vấn những sản phẩm BH phức tạp như BH liên kết đầu tư, cần yêu cầu ghi âm lại quá trình tư vấn sản phẩm cho khách hàng.
“Đây cũng là quy định mới tới đây Bộ Tài chính sẽ yêu cầu áp dụng”- ông Dũng cho hay.
Chế tài việc tư vấn sai bản chất của hợp đồng BH
Luật sư Lê Nguyên Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết tại Điều 15 Nghị định 98/2013 quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện BH, làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013 quy định xử phạt từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng BH, không giải thích các điều kiện, điều khoản BH cho bên mua khi giao kết hợp đồng.
Khoản 3 Điều 23 Nghị định 98/2013 quy định phạt tiền từ 50- 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ đào tạo về BH hoặc môi giới BH theo quy định của pháp luật.