Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Có cách giảm thiểu thiệt hại động đất

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ: Có cách giảm thiểu thiệt hại động đất

(PLO)- Trận động đất hôm 6-2 đã đặt ra bài toán khó cho công cuộc tái thiết ở Thổ Nhĩ Kỳ và để lại nhiều bài học cho việc phòng ngừa thiệt hại do động đất gây ra.

“Động đất xảy ra ở một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng đến 10 thành phố (TP) của Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗi buồn đang bao trùm khắp đất nước”. Đây là nhận định của bà Cigdem Ustun - phó giáo sư (PGS) khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Nişantaşı và là Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại (EDAM) (Thổ Nhĩ Kỳ) - khi chia sẻ với báo Pháp luật Tp.HCM (PLO)về hậu quả của trận động đất hôm 6-2.

Hãng tin Reuters ngày 19-2 đưa tin số người thiệt mạng sau trận động đất là hơn 46.000 người và dự báo sẽ còn tăng.

Không ảnh cho thấy thiệt hại của động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VCG

Không ảnh cho thấy thiệt hại của động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VCG

Các chuyên gia cho biết cần tốn nhiều nguồn lực và thời gian cho công cuộc tái thiết ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau động đất, mối quan tâm về việc tại sao hai quốc gia Trung Đông này lại bị động đất ảnh hưởng nặng nề và làm sao để giảm thiểu tác hại do động đất được nhiều người quan tâm.

Bài toán tái thiết

Chia sẻ với PLO về thiệt hại kinh tế sau trận động đất trên, bà Cigdem Ustun cho biết theo ước tính, trận động đất đã gây ra thiệt hại khoảng 84 tỉ USD. Đồng thời, nó sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và cho người dân nước này nói riêng.

Phó Giáo sư Cigdem Ustun - Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại (EDAM) (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: TWITTER

Phó Giáo sư Cigdem Ustun - Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại (EDAM) (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: TWITTER

Theo bà Ustun, khu vực xảy ra trận động đất là một khu vực rộng lớn, và trước khi công tác tái thiết hoàn thành thì người dân tại các khu vực ảnh hưởng buộc phải tìm tới các TP lân cận để tạm trú. Theo đó, nhu cầu về nhà ở và việc làm tại các TP tiếp nhận người di cư sẽ tăng lên.

Theo tờ The Guardian, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều không cho biết có bao nhiêu người còn mất tích sau trận động đất. Ngoài ra, hàng nghìn người đang phải sống trong các trại dựng tạm và phụ thuộc vào nguồn cứu trợ.

Tuy nhiên, công cuộc tái thiết ở vùng động đất được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn vì “Thổ Nhĩ Kỳ lại đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn với mức lạm phát trong nước có xu hướng ngày càng tăng, tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vẫn còn ở mức cao (khoảng 20%)", bà Ustun nói.

Ngoài ra, theo bà Ustun, công tác tái thiết không chỉ yêu cầu tập trung vào nhà ở mà còn có các cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học, bệnh viện, và các tòa nhà chính phủ. Những chi phí này sẽ làm tăng gánh nặng lên kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân ngồi cạnh một tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Người dân ngồi cạnh một tòa nhà bị phá hủy sau trận động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Tối 14-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan công bố một loạt biện pháp hỗ trợ người dân bị trận động đất tác động. Theo đó, ông cam kết trong vòng 1 năm, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho xây dựng “những tòa nhà chất lượng cao và an toàn” để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong vùng xảy ra động đất, tờ The Wall Street Journal đưa tin.

Ông Erdogan cũng cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ 100.000 lira (tương đương khoảng 5.300 USD) cho thân nhân của những người thiệt mạng trong trận động đất để hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết.

Chia sẻ với PLO về quá trình tái thiết tại khu vực ảnh hưởng, PGS Ustun cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã ưu tiên phát triển lĩnh vực xây dựng nhiều nhất trong 20 năm trở lại đây. Do đó, việc xây dựng các tòa nhà mới không phải là vấn đề lớn, và các tòa nhà mới có thể được xây dựng nhanh hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện tại là làm thế nào để người dân tin vào chất lượng của những tòa nhà này.

Nỗi buồn mất mát đã lan ra khắp cả nước, tâm lý người dân Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề

Theo tờ The Time, động đất tạo ra một điều kiện mới để cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xây dựng lại các tòa nhà, thiết kế lại các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này có thể giúp cho các khu vực này có các tòa nhà chất lượng hơn và phân bố cơ sở hạ tầng hợp lý hơn.

Nơi xảy ra thảm họa là nơi sinh sống của rất nhiều người tị nạn đến từ Syria. Do đó, một vấn đề khác cần quan tâm là những người tị nạn từ Syria tại khu vực chịu ảnh hưởng sẽ được tái định cư như thế nào và sẽ được cung cấp nhà ở ra làm sao.

Bà nói thêm: “Nỗ lực tái thiết tại các khu vực chịu ảnh hưởng phải bao gồm những biện pháp giải quyết các tác động xã hội do thảm họa này gây ra”.

Lâu đài Gaziantep, một di tích lịch sử và điểm thu hút khách du lịch ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã chịu thiệt hại đáng kể trong trận động đất. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Lâu đài Gaziantep, một di tích lịch sử và điểm thu hút khách du lịch ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã chịu thiệt hại đáng kể trong trận động đất. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Về cuộc sống của người dân sau trận động đất, bà Ustun cho biết nỗi buồn mất mát đã lan ra khắp cả nước, tâm lý người dân Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Trong nước, mọi người dùng các tài khoản mạng xã hội cá nhân và phần mềm nhắn tin trực tuyến WhatsApp để kêu gọi giúp đỡ người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực này là không đủ, cần có một tổ chức cấp nhà nước đứng ra hỗ trợ các hoạt động cứu trợ người dân” - PGS Ustun nói với PLO.

Hôm 9-2, Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ 1,78 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để giúp nước này phục hồi sau thảm họa. Hôm 16-2, Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp 1 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài học giảm thiểu thiệt hại do động đất

Theo đài BBC, lớp vỏ Trái đất được tạo thành từ các mảng riêng biệt nằm cạnh nhau, được gọi là các mảng kiến tạo. Những mảng này thường cố gắng di chuyển nhưng bị lực ma sát với tấm liền kề ngăn cản. Tuy nhiên, đôi khi áp suất tăng lên khiến cho một mảng bị đột ngột trượt ngang và gây ra động đất.

Một người được lực lượng cứu hộ cứu sống tại Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16-2. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Một người được lực lượng cứu hộ cứu sống tại Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16-2. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Nguyên nhân dẫn đến trận động đất kinh hoàng vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là do mảng Arab di chuyển về phía bắc và va chạm với mảng Anatolia.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chứng kiến nhiều trận động đất mạnh vì nước này nằm dọc theo ranh giới các mảng kiến tạo. Trong 25 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 7 trận động đất mạnh trên 7 độ Richter. Tuy nhiên, trận động đất hôm 6-2 là một trong những trận động đất mạnh nhất và gây ra thiệt hại nặng nề nhất.

Chia sẻ với PLO, bà Saskia Goes - giáo sư (GS) Địa vật lý tại Đại học Hoàng gia London (Anh) - cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn của trận động đất vừa qua.

“Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thiệt hại lớn vì có 2 trận động đất mạnh diễn ra liền kề nhau, ảnh hưởng đến một khu vực rất rộng. Ngoài ra, cả hai trận động đất này xảy ra ở gần bề mặt nên dẫn đến rung lắc mạnh” - GS Saskia Goes nói.

Bà Saskia Goes - giáo sư Địa vật lý tại Đại học Hoàng gia London (Anh). Ảnh: ĐẠI HỌC HOÀNG GIA LONDON

Bà Saskia Goes - giáo sư Địa vật lý tại Đại học Hoàng gia London (Anh). Ảnh: ĐẠI HỌC HOÀNG GIA LONDON

Đài CNN cho hay rung lắc của trận động đất hôm 6-2 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể cảm nhận được ở tận Israel và Lebanon, cách xa tâm chấn hàng trăm km.

Ngoài ra, GS Goes nhận định: “Mức độ thiệt hại không chỉ phụ thuộc vào cường độ rung lắc mà còn phụ thuộc vào số lượng người sống trong khu vực chịu ảnh hưởng. Trong khu vực xảy ra động đất, có một số thị trấn lớn và một số lượng lớn người dân sinh sống. Bên cạnh đó, thiệt hại còn phụ thuộc vào việc các tòa nhà được xây dựng để chống rung lắc tốt ra sao. Thật không may, hầu hết tòa nhà trong khu vực này không được xây dựng theo tiêu chuẩn kháng động đất”.

Theo Reuters, ước tính khoảng 345.000 căn hộ trong khu vực xảy ra động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng. Sau trận động đất, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi hơn 100 lệnh bắt giữ liên quan việc xây dựng các công trình trong khu vực bị thảm họa ảnh hưởng.

Thiệt hại kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng đã làm dấy lên mối quan tâm về cách phòng ngừa và giảm thiểu tác động của động đất, đặc biệt là ở các khu vực tiếp giáp của các mảng kiến tạo.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), chúng ta không thể ngăn các trận động đất xảy ra. Dù vậy, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể tác động của chúng. Theo đó, việc giảm thiểu này được thực hiện bằng cách xác định các mối nguy hiểm, xây dựng các công trình an toàn hơn và cung cấp thông tin về động đất cho người dân.

Đồng tình, bà Saskia Goes cho rằng việc xây dựng các tòa nhà “sao cho ít có khả năng bị sụp đổ khi rung lắc xảy ra” là yếu tố quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do động đất.

“Điều này có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về số thương vong. Tuy nhiên, đây là một thách thức vì sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn để xây dựng các tòa nhà theo các tiêu chuẩn xây dựng chống động đất. Hơn nữa, việc bảo vệ các tòa nhà lịch sử theo tiêu chuẩn chống động đất thậm chí còn tốn kém hơn” - bà nói.

Các trẻ em tham gia hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần sau động đất ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Các trẻ em tham gia hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần sau động đất ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Giáo sư Goes cũng khuyến nghị nhà chức trách ở những vùng thường xảy ra động đất nên lập ra các kế hoạch khẩn cấp để kịp thời phản ứng khi thảm họa xảy ra. Điều này giúp cho các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn có thể diễn ra càng sớm càng tốt và dễ dàng huy động sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu cần thiết.

Ngoài ra, những người dân sống trong khu vực thường xảy ra động đất nên được trang bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

“Mọi người nên đi ra ngoài nếu có thể và di chuyển đến khu vực thoáng, cách xa nơi có thể bị vật liệu từ các tòa nhà rơi trúng. Nếu không thể đi ra ngoài, mọi người hãy di chuyển đến phần cấu trúc vững chắc nhất của tòa nhà, hoặc tìm kiếm chỗ nấp (dưới gầm bàn) để các vật rơi xuống không trúng vào người”, GS Goes nói với PLO.

Đọc thêm