Trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 đã làm sống lại cuộc tranh luận vốn đã dai dẳng về một nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đang được xây dựng trên bờ biển phía nam Địa Trung Hải, theo hãng tin AP.
Nhà máy nói trên chính là nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 340 km về phía tây. Nhà máy được thiết kế để chịu đựng những cơn chấn động mạnh và nó không chịu bất kỳ thiệt hại nào từ trận động hay dư chấn của trận động đất vừa qua.
Tuy nhiên, khả năng nhà máy nằm trên rìa của một đường đứt gãy lớn từ trận động đất khiến nhiều người kêu gọi ngừng xây dựng nhà máy hạt nhân này.
Công ty Nga phụ trách dự án Rosatom cho biết nhà máy trên được thiết kế để “chịu được những tác động cực đoan từ bên ngoài”. Trong quá trình xây dựng, các nhà máy hạt nhân được thiết kế để chống chịu những rung lắc dữ dội hơn so với thảm họa từng xảy ra ở khu vực đặt nhà máy.
“Khả năng xảy ra một trận động đất mạnh 9 độ richter ở khu vực xung quanh lò phản ứng Akkuyu khoảng 10.000 năm một lần” - đại diện Rosatom nói với AP.
Công ty cũng cho biết nhà máy được xây dựng trong vùng động đất cấp độ 5, tức là khu vực an toàn nhất về động đất. Ngoài ra, thiết kế lò phản ứng VVER-1200 của nhà máy cũng tuân thủ các yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hình ảnh vệ tinh ngày 10-2 cho thấy nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đang được xây dựng ở tỉnh Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
AP đã liên hệ một quan chức (giấu tên) của Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, người này cho biết Ankara hiện không có kế hoạch đánh giá lại dự án nhà máy Akkuyu.
Giáo sư kỹ thuật dân dụng Andrew Whittaker tại Đại học Buffalo (Mỹ) - một chuyên gia về kỹ thuật động đất và cấu trúc hạt nhân - cho biết các cơ sở hạt nhân được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố, có kích thước phù hợp với các trận động đất lớn và chúng cũng vững chắc hơn nhiều so với các tòa nhà thương mại.
Theo ông Whittaker, nhà máy Akkuyu nằm ngoài khơi phía tây của đường đứt gãy Đông Anatolian (nơi có liên quan đến cơn chấn động mạnh vào tuần trước) thế nên trận động đất vừa qua như một bài kiểm tra cho nhà máy này.
Vị giáo sư lưu ý rằng cần phải rất thận trọng khi đánh giá nguy cơ địa chấn trong khu vực đối với tất cả các cơ sở hạ tầng, bao gồm cả nhà máy.
“Không có lý do gì để lo lắng, nhưng luôn có lý do để thận trọng” - ông nói.
Tuy nhiên, những nhà hoạt động ở cả hai phía của đảo Síp vẫn tiếp tục kêu gọi hủy bỏ dự án, nói rằng trận động đất kinh hoàng là bằng chứng rõ ràng về rủi ro lớn khi một nhà máy điện hạt nhân gần các đường đứt gãy địa chấn.
Tổ chức Chống hạt nhân của Síp (một liên minh gồm hơn 50 nhóm bảo vệ môi trường của người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ) cùng nhiều công đoàn và đảng phái chính trị đang kêu gọi gây áp lực lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Thành viên Nghị viện châu Âu người Síp - ông Demetris Papadakis đã kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) hành động ngay lập tức để ngăn chặn nhà máy vì những nguy hiểm có thể gây ra từ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vùng địa chấn rất gần với Síp.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới được thiết kế để chịu được động đất và ngừng hoạt động an toàn trong trường hợp có chuyển động mạnh. Khoảng 20% lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trong các khu vực có hoạt động địa chấn nghiêm trọng.
Chẳng hạn, các nhà máy hạt nhân của Nhật, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, nằm ở những khu vực có thể xảy ra động đất lên tới 8,5 độ Richter. Các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.