Mắc kẹt quá lâu, nạn nhân động đất 'không biết mấy ngày đã trôi qua'

(PLO)- Được cứu lên sau hơn 228 giờ bị mắc kẹt, một nạn nhân trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ không biết được bao nhiêu ngày đã trôi qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

10 ngày kể từ khi trận động đất kép làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm người dân trong các đống đổ nát, bất chấp những dự đoán rằng khả năng sống sót của những người mắc kẹt đã không còn, theo đài CNN.

Những nỗ lực cứu hộ thần kỳ

Hôm 15-2, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng cứu hộ đưa một cụ bà 77 tuổi ra khỏi đống đổ nát ở TP Adiyaman, khoảng 212 giờ sau khi trận động đất xảy ra, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin.

Một tòa nhà ở tỉnh Golbasi, Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ sập sau trận động đất kép. Ảnh: AP

Một tòa nhà ở tỉnh Golbasi, Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ sập sau trận động đất kép. Ảnh: AP

Một đoạn video khác ghi lại hình ảnh lực lượng cứu hộ đưa một phụ nữ trẻ và 2 con nhỏ ra khỏi đống đất đá. Theo thông tin từ Anadolu, thời điểm lực lượng cứu hộ tiếp cận, ba mẹ con cô đã bị kẹt 228 giờ.

Nhân viên cứu hộ Mehmet Eryilmaz kể về khoảnh khắc tìm thấy người mẹ: “Cô ấy rất vui khi thấy chúng tôi. Lúc đầu tôi nắm tay cô ấy. Chúng tôi đã nói chuyện, trò chuyện và giúp cô ấy bình tĩnh lại".

Anh Eryilmaz cho biết do mắc kẹt quá lâu, người mẹ đã không thể xác định được bao nhiêu ngày đã trôi qua và câu hỏi đầu tiên cô hỏi đội cứu hộ là: “Hôm nay là ngày mấy?".

Cũng trong ngày 15-2, một phụ nữ khác, được xác định tên là Melike İmamoğlu, 45 tuổi, đã được giải cứu sau 222 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở TP Kahramanmaras, theo kênh truyền hình nhà nước TRT Haber của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, cũng tại TP Kahramanmaras, các nhân viên cấp cứu đã cứu được một phụ nữ 35 tuổi được cho là đã bị chôn vùi trong khoảng 205 giờ, theo TRT Haber. Một số người khác ở khu vực cũng được đưa khỏi đống đổ nát sau 8 ngày bị mắc kẹt.

Các tình nguyện viên của đội cứu hộ Hy Lạp đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu nạn. Ảnh: REUTERS

Các tình nguyện viên của đội cứu hộ Hy Lạp đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu nạn. Ảnh: REUTERS

Theo Tiến sĩ Sanjay Gupta - phóng viên y tế của CNN đang làm việc Thổ Nhĩ Kỳ, việc có những người sống sót sau hơn 100 giờ bị mắc kẹt là điều ly kỳ. Ông cho biết đa số mọi người chỉ có khả năng sống sót trong 24 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, ông nói rằng nhiệt độ đóng băng trong vùng động đất có thể kéo dài thời gian chịu đựng của những người bị mắc kẹt.

“Thời tiết lạnh là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó gây ra rất nhiều khó khăn, hiện tại nó đang ở dưới mức đóng băng. Mặt khác, nó có thể làm giảm nhu cầu về nước uống" - ông nói.

Tích cực hỗ trợ sau thảm họa

Ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “tập trung vào phục hồi chấn thương” khi điều trị cho những người dân bị ảnh hưởng trong thảm họa.

Ở Syria, các hoạt động cứu hộ đang bắt đầu chuyển sang nỗ lực phục hồi. Các nhân viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang chạy đua để chuyển viện trợ cho những người sống sót thông qua 2 cửa khẩu biên giới mới vừa được chính phủ Syria phê duyệt.

Hiện WHO đang đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo những người sống sót sau trận động đất có thể tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ tại WHO Batyr Berdyklychev cho biết.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết “ưu tiên trước mắt” đối với 22 đội y tế khẩn cấp được WHO triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ là “để đối phó với số lượng lớn bệnh nhân chấn thương và các vết thương nghiêm trọng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm