Những ngày qua, khi đoàn làm phim Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu - King Kong 2) rời trường quay tại Quảng Bình để sang điểm quay mới ở Ninh Bình thì môi trường nơi đoàn làm phim quay được dọn sạch sẽ và trả lại đúng tự nhiên ban đầu.
Ta thích xả hơn dọn
Nhìn lại mùa tết vừa qua, sau đêm giao thừa, Sài Gòn ngập tràn rác. Hay các công viên, những lá phổi nhỏ nhoi của thành phố (Công viên Tao Đàn, Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám…) lổn ngổn rác sau khi trở thành địa điểm diễn ra hội chợ, lễ hội. Mỗi mùa hội chợ xong, mặt cỏ của công viên tả tơi, cây xanh thì chằng chịt các loại dây để căng băng rôn các gian hàng. Sự phục hồi của cây cỏ, môi trường tại các công viên sau mỗi mùa hội chợ là một thời gian dài. Ngay cả việc trang trí đèn chiếu sáng trong dịp tết dương lịch, tết Nguyên đán trên các trục đường tại TP.HCM với dây thép níu vào dải phân cách, vào cột đèn hoặc cây xanh bên đường đã không ít lần gây tai nạn cho người lưu thông.
Hay gần hơn, chỉ cần đi một vòng các phim trường được dựng lên cho các nhà sản xuất chương trình đến thuê cũng dễ dàng thấy đoàn phim trước đã để lại gì. Đó là ngập tràn những áp phích, đạo cụ, phông, màn… của các chương trình cũ từ cả năm trước vẫn còn dựng ở phim trường như Cụm trường quay S1, S2, S3, S4, S5, S6 (quận 4)… mặc mưa nắng mà không ai dọn dẹp.
Nếu nói ra trở thành bới lông tìm vết và khập khiễng khi so sánh giữa một đoàn làm phim hàng đầu của Mỹ với những lễ hội, đoàn làm phim nhỏ của Việt Nam. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì chúng ta cũng không nên đặt một sự so sánh quá khập khiễng của một đoàn phim lớn, chuyên nghiệp từ Hollywood với những đoàn làm phim nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, từ những lần đi theo các đoàn làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng cho biết: “Các đoàn làm phim Việt Nam cũng có chi phí cho tổ hậu cần để khi họ đem tới phim trường cái gì thì sau khi đi những cái đó cũng phải được dọn sạch. Nhưng đoàn phim Việt Nam hay Mỹ cũng có đoàn này đoàn kia, các đoàn phim lớn thì phải cẩn thận tất cả để tránh bị kiện tụng, còn các đoàn phim nhỏ đôi khi họ cứ làm bừa”.
Bãi cỏ ở Quảng Bình được đào lên để quay phim, sau đó đã được trả lại hiện trường một cách rất chuyên nghiệp. Ảnh: MINH QUÊ
Tây: Môi trường đặt lên hàng đầu
Một trong những điều khoản được đoàn làm phim Kong: Skull Island (King Kong 2) đặt lên hàng đầu khi chọn quay ở Việt Nam chính là môi trường.
Theo lời ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch Vidotour (đơn vị từng dẫn nhiều đoàn làm phim chọn bối cảnh quay) thì ngay từ đầu, trong hợp đồng với đoàn làm phim Kong: Skull Island (King Kong 2) hai bên đã cam kết sau khi quay xong, cảnh quan môi trường được trả lại đúng tự nhiên ban đầu.
“Điều đặc biệt hơn là sau khi ký hợp đồng điều khoản bảo vệ môi trường thì phía đoàn làm phim đã chuyển những cam kết bảo vệ môi trường lên thành điều khoản đầu tiên của hợp đồng. Tuy tôi không phải là đối tác trực tiếp của đoàn làm phim lần này nhưng công ty du lịch dẫn đoàn là bạn thân của tôi nên chúng tôi cùng trò chuyện nhiều trong vấn đề hợp đồng” - ông Nguyễn Thiên Phúc chia sẻ thêm.
Một nhà sản xuất phim cũng chia sẻ rằng việc dọn sạch môi trường sau khi quay xong ít được các đoàn phim đặt lên hàng đầu. Hầu hết đoàn phim Việt Nam luôn co lại chi phí thấp nhất ở hậu cần để có thể đầu tư vào những phần khác cho phim. Thế nên các đoàn làm phim chủ yếu là tự dọn chứ không thuê một đơn vị độc lập riêng dọn rác. “Tuy nhiên, điều này chỉ có thể làm với những đoàn thực hiện các phim ngắn, clip ca nhạc… mới đủ sức tự dọn. Một đoàn làm phim lớn thì không ai vừa làm chuyên môn vừa đi dọn rác. Đoàn làm phim quay tối, quay sáng nhằm gút sớm tiến độ, đỡ đội chi phí thì làm sao đủ sức mà dọn tất cả những gì bày ra” - một nhà sản xuất cho biết.
Ông Nguyễn Thiên Phúc chia sẻ thêm: “Trong thời gian quay phim Chuyện của Pao, chúng tôi muốn thuê một xe chuyển rác di động theo nhưng không có, nếu muốn phải đem từ Hà Nội lên đến Hà Giang và như vậy chi phí quá tốn kém. Chúng tôi đã xử lý rác bằng cách đào hố chôn”.
Điện ảnh, lễ hội… của Việt Nam vẫn chưa thể có một vị thế rõ ràng mà đôi khi tính chuyên nghiệp chỉ đến từ những điều nhỏ như cọng rác.
Quay xong để lại toàn bộ rác Vấn đề bảo vệ môi trường, mà cụ thể là dọn rác của chính đoàn làm phim đều chỉ là chuyện ngầm hiểu chứ không có điều khoản nào rõ ràng trong hợp đồng. Rất nhiều nơi của Việt Nam được chọn làm phim trường tự nhiên và những nơi này có thể chưa được xem là danh thắng, di sản nên việc bảo vệ môi trường phụ thuộc vào ý thức rất nhiều. Thế nhưng không phải đoàn phim nào cũng có ý thức. Có những đoàn phim họ ý thức quét đường sạch để những cảnh quay trong phim thật đẹp nhưng quay xong để lại toàn bộ rác trên đường. Ông NGUYỄN THIÊN PHÚC, Giám đốc Công ty Vidotour Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Bình, cho biết sẽ thỏa thuận với đoàn làm phim Kong: Skull Island về việc giữ lại phim trường sau khi đoàn làm phim quay xong. Ông Phong cho rằng phim trường sẽ là một địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Việc giữ lại phim trường sẽ giúp mọi người cảm nhận chân thực hơn các vẻ đẹp của Ninh Bình đã xuất hiện trên màn ảnh rộng. Đây là cơ hội tốt nhất để quảng bá đất nước, con người Việt Nam nói chung và hình ảnh Ninh Bình ra toàn thế giới. |