Kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944–22-12-2022)

Chuyện kể những người quyết bảo vệ trời xanh Hà Nội

(PLO)- Họ là những nữ tự vệ đang chít khăn tang cho cha bị bom vùi, là những cựu học sinh Trường Bưởi… quyết bảo vệ bầu trời thủ đô 50 năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 12-2022, tại khu trưng bày chuyên đề “Máu và Hoa - Hà Nội 12 ngày đêm”, chúng tôi tìm gặp lại những con người của lịch sử Điện Biên Phủ trên không 50 năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hùng kể về 12 ngày khói lửa của Hà Nội. Ảnh: VT

Ông Nguyễn Văn Hùng kể về 12 ngày khói lửa của Hà Nội. Ảnh: VT

Chiến công của những cô gái “sao vuông đầu mũ”

Đó là ông Nguyễn Văn Hùng, lúc đó mới 22 tuổi, đang là xạ thủ số 1 của Nhà máy cơ khí Lương Yên.

Ông Hùng kể từ tháng 4-1972, khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, ở Hà Nội, các đội tự vệ cơ quan, xí nghiệp đã ngày đêm tập bắn máy bay tầm thấp. Hai bên bờ sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, trên nóc các nhà máy, nhà tập thể… đâu đâu cũng là trận địa pháo. “Còn lực lượng tham gia á? Kể cả các em gái “súng trên vai, sao vuông đầu mũ” cũng tham gia vào các khẩu đội pháo cao xạ 14 ly 5 của chúng tôi!” - ông Hùng kể và nói chính nhờ cả súng trường bộ binh, súng cao xạ tầm thấp của tự vệ đến pháo tầm cao, tên lửa của bộ đội sao tròn và không quân đã tạo thành lưới lửa dày đặc, nhiều tầng và phủ rộng khắp sẵn sàng bảo vệ thủ đô yêu dấu.

Nhớ lại đêm 22-12, ông Hùng kể: Đúng 21 giờ 45 phút, khi nhóm máy bay F111, F4, F5 bay vào Hà Nội từ khoảng cách 100 km, radar của ta đã phát hiện mục tiêu, báo về trận địa. Khi cách Hà Nội 30 km, chúng hạ độ cao, bay dọc theo sông Hồng đến gần trận địa, đúng tầm bắn thì chỉ huy trưởng Hoàng Minh Giám hô to: “Hướng 14, điểm xạ dài. Bắn!”. Ngay tắp lự, các khẩu đội của ba nhà máy cùng đạp chân vào bàn cò. Lúc đó, có máy bay bốc lửa phía đằng đuôi, bay rẹt qua trên đầu trận địa. Hôm sau, trên báo về chiếc rẹt lửa đêm đó là F111 cánh cụp, cánh xòe bay tới Hòa Bình thì rơi hẳn và anh em tự vệ địa phương bắt được hai phi công.

Liên đội trưởng Hoàng Minh Giám, người chỉ huy đơn vị bắn rơi một máy bay F111 bằng 19 viên đạn từ pháo cao xạ 14 ly 5. Ảnh: TTXVN

Liên đội trưởng Hoàng Minh Giám, người chỉ huy đơn vị bắn rơi một máy bay F111
bằng 19 viên đạn từ pháo cao xạ 14 ly 5. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Công Cường, pháo thủ số 1 của Nhà máy gỗ Hà Nội, nhớ lại: “Khi thông tin được xác nhận trận địa đã bắn rơi máy bay địch, mà lại là con cánh cụp cánh xòe, anh em ở các khẩu đội cách nhau 50-70 m, vui quá, nhảy cẫng trên mâm pháo, có anh còn nhảy lên ụ đất quanh mâm, phất mũ sao vuông mừng với anh em khẩu đội bên kia. Rồi tất cả lại vào vị trí của từng người, chuẩn bị cho trận đánh đêm sau!”.

“Nhờ cả súng trường bộ binh, súng cao xạ tầm thấp của tự vệ đến pháo tầm cao, tên lửa của bộ đội sao tròn và không quân đã tạo thành lưới lửa dày đặc, nhiều tầng và phủ rộng khắp sẵn sàng bảo vệ thủ đô yêu dấu!”

Bà Phạm Thị Viễn, lúc đó đang là công nhân Nhà máy cơ khí Mai Động, cũng là người góp phần làm nên chiến thắng tự vệ các nhà máy bắn rơi cánh cụp, cánh xòe. Sau niềm vui bắn rơi máy bay địch không lâu, bà Viễn đang trực chiến thì hai em gái của bà chạy đến trận địa mang theo tin dữ: “Bố bị bom Mỹ thả chết rồi!”. Đó là lần thứ hai trong vòng năm năm bà Viễn phải để tang cả cha lẫn mẹ vì bom Mỹ. Bà Viễn chính là “nhân vật” trong bức ảnh nổi tiếng “Cô tự vệ chít khăn tang ngồi trên mâm pháo”.

Hà Nội: Một thời đạn bom,
mãi mãi hòa bình

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972 – tháng 12-2022), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề “Máu và Hoa - Hà Nội 12 ngày đêm” mở cửa đến tháng 4-2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Triển lãm nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ; giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hy sinh làm nên đài hoa chiến thắng để có được thủ đô Hà Nội - TP vì hòa bình hôm nay và mãi mãi.

Trưng bày gồm ba phần: Tầm nhìn chiến lược; Hà Nội 12 ngày đêm - Máu và Hoa và Hoa chiến thắng.

Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM cũng đã tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại”. Triển lãm đến hết ngày 16-6-2023, trưng bày 189 hình ảnh, tư liệu, hiện vật... Ngoài ra còn tái hiện bằng 3D cũng như phục dựng những hình ảnh gắn liền với thời điểm lịch sử Điện Biên Phủ trên không.

Bay lên thấy thủ đô lửa cháy nên… quyết tử

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, ông Nguyễn Công Huy là phi công lái máy bay tiêm kích, trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau chiến tranh, ông Huy đã kể lại những câu chuyện về những ngày khói lửa, quyết chiến ấy trong cuốn sách “Người lính phi công kể chuyện” vừa được xuất bản.

Ông Huy kể chuyện: “Lần nào cất cánh lên cũng thấy dưới cánh bay những cột lửa khói do đạn bom Mỹ bốc lên khắp nơi. Hà Nội đang cháy, khói lửa ngút trời nên lòng căm thù của lính lái nhà ta cũng dâng lên theo ngùn ngụt!”.

Từ trong lời chuyện của ông Huy và các hiện vật, thư, ảnh được trưng bày… đã hiện về không khí trực chiến, báo động chuyển cấp, xuất kích, chiến đấu... liên tục 50 năm trước của lính không quân. Và còn đó những tư liệu, hình ảnh cho ta biết tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ vào những lần báo động, các phi công vẫn ghi nhật ký, viết thư về cho gia đình, người thân. Nhưng nhiều cuốn nhật ký phải bỏ dở, nhiều bức thư còn chưa kịp hoàn thành. Trong đó, có bức thư của phi công Vũ Xuân Thiều, người phi công cảm tử sau khi bắn hết đạn đã lao thẳng chiếc MIG 21 vào chiếc B52 Mỹ.

“Bố mẹ thân yêu! Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình” - thư của phi công Vũ Xuân Thiều dừng lại ở đó, bởi anh phải xuất kích ngay khi còi báo động vang lên. “Thế đấy, 50 năm trước đã từng có những người con của Hà Nội, học trò của Trường Bưởi - Chu Văn An lao lên bầu trời quyết chiến, bảo vệ thủ đô, giữ cho bầu trời Tổ quốc mãi mãi xanh thắm!” - ông Huy kết câu chuyện.•

TP.HCM: Gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu

Chiều 21-12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu trên địa bàn TP.HCM nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gửi lời cám ơn, lòng biết ơn chân thành trước những hy sinh và cống hiến cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt thời gian qua.

Trải qua 78 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, được sự cưu mang, đùm bọc, yêu thương của nhân dân, nhờ vậy mà quân đội đã không ngừng lớn mạnh, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc trong dựng nước và giữ nước vượt qua khó khăn, anh dũng chiến đấu, hy sinh rồi từng bước trưởng thành.

Từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Bí thư Nên nhìn nhận có những điểm tương đồng với cuộc đấu tranh chống đại dịch COVID-19.

“Đó là cuộc chiến không cân sức, chúng ta thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng tinh thần đoàn kết đồng lòng, quyết tâm sử dụng 200% sức lực đã giúp chúng ta giành thắng lợi. Đó là bài học chúng ta có thể rút ra và áp dụng trong đại dịch COVID-19 vừa rồi, chung sức đồng lòng tất sẽ vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân” - Bí thư Nên nêu ví dụ.

Hình ảnh lực lượng quân đội anh dũng trong chiến đấu, sáng tạo bản lĩnh trong thời bình là hình ảnh đẹp trong mắt người dân, trong trái tim mọi người. Bí thư Nên mong rằng lực lượng quân đội sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho chính trị TP, cho đồng bào, tiếp tục đoàn kết chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong năm 2023. VÕ THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm