Vinay Kumar, một nhà khoa học thuộc tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WCS) đã quay lại cảnh một chú voi đang "hút thuốc" tại Công viên quốc gia Nagarahole, bang Karnataka, Ấn Độ.
Đoạn video dài 48 giây cho thấy chú voi đã dùng vòi của mình nhặt thứ gì đó từ dưới đất lên và bỏ vào miệng, sau đó nhả ra một làn khói trắng. Các nhà sinh học thuộc tổ chức WCS cho biết đoạn video được quay vào tháng 4-2016, tuy nhiên gần đây mới được đăng tải trên mạng xã hội.
Hình ảnh chú voi đang phì phèo nhả khói khiến người xem khá hoang mang. Ảnh: SCMP
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), thứ mà chú voi đã nhặt lên là than củi. Đây là video đầu tiên cho thấy một chú voi hoang dã có hành động kỳ lạ như vậy, khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên.
Các nhà khoa học cho biết trong than củi chứa các chất có thể giúp chữa một số bệnh ở động vật. Than củi cũng là một loại thuốc nhuận tràng đối với loài voi, thường được hình thành sau những vụ cháy rừng, sét đánh.
Dù trước đây loài voi chưa từng được thấy có hành động như nhả khói thì hiện tượng động vật tự chữa bệnh là khá phổ biến, theo trang web của Viện Smithsonian - học viện nghiên cứu và bảo tàng viện của Mỹ.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loài khỉ châu Phi ở Zanzibar cũng từng ăn than củi để loại bỏ các chất độc có trong thức ăn của chúng. Loài tinh tinh bonobo đã nuốt những chiếc lá có bề mặt xù xì để loại bỏ ký sinh trùng trong cơ thể.
Loài vẹt đuôi dài cũng từng được ghi nhận đã ăn đất sét để tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể và loài voi ở Kenya cũng ăn lá cây để thúc đẩy quá trình sinh sản.
Ấn Độ có hơn 27.000 chú voi châu Á, chiếm 60% số lượng voi trên toàn thế giới, theo một số liệu thống kê năm 2017. Số lượng này đã giảm 10% so với năm 2012, tuy nhiên chính phủ Ấn Độ cho rằng số lượng voi giảm là do đã áp dụng những biện pháp thống kê chính xác hơn.