Chuyện lạ: Nhiều bị hại kiến nghị xin không làm bị hại

Các bị hại của chủ đầu tư dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình (TP Vũng Tàu) gửi nhiều đơn kiến nghị đến các cơ quan tố tụng về việc không đồng ý với cáo buộc của VKS, cơ quan điều tra (CQĐT).

Vừa lạm dụng vừa lừa đảo?

VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố ông Phạm Quốc Dũng (nguyên chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn Dịch vụ Thương mại Thanh Bình) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 175 BLHS (khung hình phạt 12-20 năm tù).

Cáo trạng nêu khoảng giai đoạn 2006-2009, Nguyễn Văn Tám (cựu chủ tịch HĐTV, đã chết) và Dũng đã trực tiếp ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại khu A, ký các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, xây nhà thô tại khu B, khu C của dự án cho khách hàng và đã thu 95% giá trị tiền ghi trên hợp đồng.

VKS xác định ông Dũng trực tiếp chiếm đoạt của 49 khách hàng trên 205 tỉ đồng. Ngoài ra, bị can Dũng còn chịu trách nhiệm liên đới trên 232 tỉ đồng mà ông Tám đã thu của khách hàng.

Phạm Quốc Dũng khi bị bắt. Ảnh: CACC

Những người được cho là bị hại cho rằng CQĐT, VKS đã xác định sai tư cách tố tụng trong vụ án. Đồng thời, họ cũng cho rằng không thể tách vụ án vi phạm quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng để xử lý riêng.

Theo họ, hành vi của ông Dũng vừa cấu thành một phần tội lạm dụng, một phần tội lừa đảo. Ngoài giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, ông Dũng còn dùng giấy chứng nhận QSDĐ của các lô đất đã chuyển nhượng hoặc chưa đem thế chấp vay tiền ngân hàng và không thanh toán cả gốc lẫn lãi. CQĐT nói ông Dũng chỉ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa đủ, chính xác.

Dùng lô đất công ty mình đã ký hợp đồng chuyển nhượng trước đem thế chấp vay hoặc bảo lãnh cho các công ty khác vay tiền ngân hàng rồi không trả là hành vi lừa đảo. Bị hại trong trường hợp này là ngân hàng, chịu thiệt hại trực tiếp bởi hành vi phạm tội gây ra. Thiệt hại của ngân hàng có lỗi của các cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay…

Ngoài ra, CQĐT chưa làm rõ được các khoản tiền Công ty Thanh Bình vay ngân hàng được lưu chuyển và sử dụng thế nào, ở đâu, đồng thời bỏ lọt tội phạm và nhiều đồng phạm của ông Dũng trong vụ án.

CQĐT cũng chưa làm rõ số tiền chiếm đoạt của ông Dũng và không thể tách vụ án vi phạm về các hoạt động cho vay tổ chức tín dụng để xử lý riêng…

Ai mới là bị hại?

Theo các chuyên gia pháp lý, việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các cá nhân, tổ chức trong vụ án sẽ dẫn đến việc xác định sai tội danh.

Nhận định về việc định tội trong vụ án, luật sư Vũ Phi Long (nguyên phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho biết chưa phù hợp và có phần “lợi” cho phía ngân hàng. Cụ thể, xác định khách hàng là bị hại, là người bị chiếm đoạt tiền thì nhà, đất đang thế chấp trả lại cho ngân hàng.

Theo luật sư Long, hành vi của bị can Dũng có dấu hiệu gian dối, che giấu việc đã chuyển nhượng QSDĐ rồi mang tài sản này đi cầm ở ngân hàng của tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Còn các khách hàng mua dự án chỉ là người liên quan. Luật sư cho rằng cần phải xác định đúng tội, đúng bị hại thì mới có thể giải quyết thỏa đáng quyền lợi các bên trong vụ án này. Ông Long đưa ra quan điểm bị hại của vụ án phải là ngân hàng, còn các khách hàng chỉ là bên liên quan.

Một lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM không bình luận về tội danh. Vị này cho biết theo luật định, việc xác định tư cách bị hại hay người liên quan là do cơ quan tố tụng nên người tham gia tố tụng không có quyền từ chối mình là bị hại hay người liên quan. Tuy nhiên, trong các quá trình tố tụng, người tham gia có thể kiến nghị cơ quan tố tụng coi lại việc xác định tư cách mình có đúng hay không. Thực tiễn nhiều vụ án cho thấy sau khi xét xử hủy án về điều tra, xét xử lại, có sự thay đổi tội danh cũng như tư cách tham gia tố tụng của không ít người.

Đi sâu vào vụ án, luật sư Hà Ngọc Tuyền, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích một thửa đất mà phát sinh hai giao dịch là có dấu hiệu hành vi phạm tội. Vì vậy cần phải xem xét thời điểm xác lập các hợp đồng thì mới xác định đúng tội danh.

Công ty Thanh Bình khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận QSDĐ từng lô riêng lẻ lẽ ra phải thực hiện nghĩa vụ là làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận QSDĐ cho từng khách hàng như đã cam kết nhưng lại mang tài sản đã chuyển nhượng đi thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho công ty khác vay tiền. Việc thế chấp này thể hiện rõ dấu hiệu lừa đảo. Hai công ty này đã lừa dối ngân hàng hoặc có sự câu kết với cán bộ ngân hàng để che giấu thông tin các thửa đất đã chuyển nhượng nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Ngay từ khi ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng vay, họ đã có ý chiếm đoạt tiền nên cố tình lừa dối, che đậy thông tin, dùng tài sản đã chuyển nhượng cho người khác để thế chấp vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt. Hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng bị vô hiệu do lừa dối ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng. Đây là hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, xác định bị can Dũng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa đúng với tính chất hành vi phạm tội và khả năng bỏ lọt tội phạm của nhiều đồng phạm.

Theo luật sư này, hành vi của ông Dũng và những người liên quan nếu có là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị hại trong vụ án là ngân hàng chứ không phải các khách hàng nhận chuyển nhượng đất nền dự án của Công ty Thanh Bình.

Một góc nhìn khác

Một thẩm phán chuyên xử hình sự tại TP.HCM cho rằng hành vi của bị can Phạm Quốc Dũng là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông dựa trên Bộ luật Dân sự để xác định giao dịch giữa khách hàng với Công ty Thanh Bình được bắt đầu công chứng và kết thúc khi việc đăng bộ hoàn tất. Còn giao dịch cho vay giữa công ty với ngân hàng luôn được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Trong vụ án này, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và xây dựng nhà thô với khách hàng, công ty đã không thực hiện theo thỏa thuận như tách thửa, công chứng, sang tên trên các giấy chứng nhận QSDĐ. Công ty lại đem thế chấp vay ngân hàng mà không thông báo cho ngân hàng, khách hàng biết. Số tiền từ khách hàng và ngân hàng không được đầu tư vào dự án như thỏa thuận dẫn đến không có khả năng thực hiện cam kết với khách hàng. Đồng thời, nay không có khả năng thanh toán, giải chấp các giấy chứng nhận QSDĐ đã thế chấp nên bị truy tố tội lạm dụng.

Ông cũng cho biết thêm việc phân biệt hai tội này cần căn cứ vào chủ thể tội phạm, động cơ, mục đích của người phạm tội và điều kiện thực tế để đánh giá. Thực tế, dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn là thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn phải có hành vi gian dối, hành vi này phải thực hiện trước thời điểm chuyển giao tài sản. Còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể có hoặc không có hành vi gian dối. Nếu như có hành vi gian dối thì hành vi này luôn phải thực hiện sau thời điểm chuyển giao tài sản.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm