Ông Hoàn trả lời báo chí rằng bực bội với cách làm thiếu tôn trọng các CLB và đòi giải tán VPF khi tổ chức này quyết định hoãn V-League sang tháng 2-2022.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn xuất thân từ cổ động viên nên xác định làm bóng đá là vì đội bóng và người hâm mộ Hải Phòng. Ảnh: CTV
Ông cũng chia sẻ nỗi khó khăn của các CLB chứ không phải riêng CLB Hải Phòng và hờn các quan chức VPF nên lên tiếng rằng: “Tôi làm bóng đá vì người hâm mộ Hải Phòng, còn các quan chức VPF không vì đội bóng, vì người hâm mộ thì về sân Lạch Tray tôi và ban tổ chức sân không tiếp đón...”.
VPF là một tổ chức và bị chủ tịch CLB Hải Phòng nói rát mặt như thế nên không hài lòng và gửi công văn đến ông Hoàn đề nghị ông giải trình về những phát biểu trên báo có hay không và nếu có thì vì sao lại công kích và bôi nhọ VPF.
Tất nhiên với một người có cá tính và thẳng thắn như ông Hoàn “pháo” thì ông không chối mà thừa nhận là mình có nói. Thậm chí, ông còn giải thích với báo giới là ông nói nhiều hơn thế nhưng vì trang báo hạn chế nên họ lược bớt lời của ông.
Chuyện VPF với CLB Hải Phòng từ trước tới giờ vẫn êm ấm, nhất là khi VPF thu phục được ông cựu chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng. Cũng cần biết là trước đây, ông Trần Mạnh Hùng cũng rất hay to tiếng chỉ trích các quan chức VPF nhưng từ khi “đậu” vào chiếc ghế phó chủ tịch VPF, được cấp phòng ở Hà Nội thì ông Hùng mềm hẳn và dễ mến với VPF.
Chuyện ông tân chủ tịch CLB lên nhậm chức có va đập với VPF là điều không khó lý giải, nhất là quyền lợi CLB và quyền lợi VPF đôi lúc không song song nhau. Nhưng rõ ràng cái cách nói của ông Hoàn “pháo” làm nhiều quan chức VPF khó chịu bởi nó bốp chát và thẳng thừng quá.
Cũng có người nói ông Hoàn “pháo” là bản sao của ông Đoàn Nguyên Đức nhưng thực tế thì hai ông chủ này khác nhau về cách làm bóng đá và cả trong suy nghĩ.
Qua sự việc va đập trên, xin được nhắc lại cách giải quyết của một tổ chức điều hành bóng đá và thành viên lãnh đạo CLB bóng đá ở Thái Lan và Malaysia.
Ở Thái Lan, lãnh đạo công ty điều hành Thai-League nói rằng họ luôn giải quyết với các CLB theo phương pháp “win - win”, tức đôi bên cùng có lợi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và một lần ngồi lại không được thì hai lần, ba lần phải được.
Còn với bóng đá Malaysia thì khi CLB và đơn vị tổ chức giải M-League chưa có sự đồng thuận về việc hoãn giải trong điều kiện dịch bệnh thì hai bên và cơ quan phòng chống dịch ở Malaysia cùng ngồi lại đưa ra giải pháp. Cuối cùng họ cùng vỗ tay thống nhất việc bóng vẫn lăn để CLB đỡ thiệt hại. Tất nhiên việc phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu. Khán giả dù hạn chế vào sân nhưng phải trình đủ giấy tờ đã tiêm đủ hai liều vaccine, còn cầu thủ thì trước khi ra sân phải có xác nhận âm tính…
Cái dở của bóng đá Việt Nam với các CLB và với ông chủ các CLB là chưa thể ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung và cùng đồng cảm, chia sẻ khó khăn với nhau theo phương pháp “win - win”. Khi mà đến giờ nhiều CLB vẫn còn rất ấm ức vì họ bị thiệt hại quá lớn và có khả năng phá sản từ những quyết sách đã định hình từ trước khi các CLB được thông báo.