Chuyện sau ngày 30-4-1975: Mùa đoàn tụ gia đình

(PLO)- "Chú Hai... Chú Hai gần tới thị xã Phan Rang rồi, đi chút nữa tới Phú Quý, chuẩn bị đồ nhen chú", cậu lơ xe vỗ nhẹ vào vai ông Bảy khẽ nói...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiếc xe đò của hãng Phi Long xuất phát sáng hôm qua từ Huế đi Sài Gòn, chở ông và cậu con trai về thăm quê.

21 năm kể từ ngày lên tàu Ba Lan tập kết ra Bắc, sau Hiệp định đình chiến Genève 1954, hôm nay sau 30-4 thống nhất đất nước tròn 2 tháng, ông mới được trở về quê mình.

Sau 2 ngày đi đường, chiếc xe Hải Âu chở đoàn cán bộ miền Nam tập kết xuất phát từ thành phố Nam Định về quê mới tới Quảng Trị. Cái thời khắc xe dừng tại cầu Hiền Lương, nhiều người đã bật khóc.

Vĩ tuyến 17 vô hình và hiện diện là con sông Bến Hải ngăn chia 2 miền Nam - Bắc; cái ranh giới mà ông và các đồng đội của mình đã đổ bao xương máu, để mòn mỏi, đợi chờ đằng đẵng "ngày Bắc, đêm Nam" suốt mấy chục năm. Chiến tranh không chỉ là khúc tráng ca mà chiến tranh có những hiện thực đau buồn, nỗi nhớ xa quê vời vợi, mà nếu ai đó trải qua không thể nào quên được.

Với ông Bảy, niềm vui xen lẫn xúc động khi được sum họp cùng gia đình, là điều thiêng liêng nhất.

Với ông Bảy, niềm vui xen lẫn xúc động khi được sum họp cùng gia đình, là điều thiêng liêng nhất.

Ông Bảy (là cách gọi thân mật người con thứ sáu trong gia đình của người miền Nam) có 9 anh chị em. Với nhiều cán bộ tập kết, đấy là khoảng thời gian gần 21 năm, nhưng với ông thì tròn trịa 25 năm, khi từ 1950 bị thương phải điều trị trên căn cứ, rồi từ đó lên tàu Ba Lan từ Cà Ná đi tập kết ra Bắc, với hy vọng 2 năm sau Tổng tuyển cử sẽ về lại quê hương. Ai ngờ 25 năm biền biệt, không một tin tức gì của gia đình. Trong số những người ruột thịt thì Ba và 2 anh em của ông mất trước khi ông đi tập kết, ngoài ông ra gia đình vẫn còn Má và 6 anh chị em, đến lúc này ông cũng không biết ai còn ai mất...

"Phú Quý nha... Ghé dô... ghé dô..." cậu lơ xe hét toáng lên, nhanh nhẹn xách chiếc túi xách của ông Bảy nhảy xuống khi xe còn chưa dừng. Chiếc xe đỗ xịch vào cây xăng ngay ngã ba đường. Mới khoảng hơn 4 giờ sáng, mặt người nhìn chưa rõ, mà ở đây cũng đã thấy chộn rộn lắm.

Bên kia đường mấy chiếc xe lam 3 bánh nổ lạch bạch, chở rau từ Phan Rang đang vội vã xuống hàng. Với ông Bảy thì cảnh vật quanh đây thay đổi lạ lắm, ông đang ngơ ngác định hình thì từ quán cafe bên bến xe lam, một dáng người phụ nữ ngoài 40 tuổi tất tả qua đường. Sau 1 phút nhìn 2 cha con, người phụ nữ thốt lên "Anh Bảy phải không? Đúng anh Bảy rồi. Trời ơi, mấy chục năm rồi, nếu không có cánh tay bị mất kia chắc em không nhận ra...".

Ông Bảy sau giây lát ngỡ ngàng cũng nhận ra người phụ nữ đối diện. Đấy là cô Ba Trinh, người có một thời tham gia chống Pháp cùng đơn vị của ông. Chính cô ấy là người dìu ông về hậu cứ lúc bị thương khi đánh đồn Pháp ở Chung Mỹ. Sau một hồi hỏi thăm ríu rít, cô Ba Trinh gọi với qua bên quán cafe "Thằng Tư qua đây, mày đưa cậu Bảy tới nhà má con Phỉ nhen" (cách gọi thân mật của người miền Nam khi lấy tên con gái lớn gọi).

Cậu con trai 15, 16 tuổi trạc tuổi con trai ông Bảy, đang pha cafe vội chạy qua xăng xái dẫn đường. Chẳng xa xôi gì, cách Quốc lộ 1A chừng 300 mét là nhà "má con Phỉ" - chị thứ ba của ông Bảy. Cậu trai dẫn đường ghé vào cánh cửa đã mở hé gọi với vào "Bà Ba ơi, có ai hỏi thăm nè".

Bên kia đường có mấy người đàn ông đang uống cafe, chợt đứng dậy chạy qua, không ai biết cha con ông là ai. Trong nhà một người đàn bà cầm chiếc đèn dầu đi ra, sau vài giây bỡ ngỡ, chị quay ngược vào nhà nói lớn "Má ơi, cậu Bảy về...!". Chị chạy ra đỡ đồ trên tay ông Bảy rồi chỉ vào mấy người đàn ông giới thiệu "Chồng con đây cậu, còn đây là cậu Tư Thới, Năm Cư con dì Tư".

Mấy người đàn ông lễ phép chào rồi rối rít hỏi thăm. Cái thời ông Bảy đi tập kết mấy đứa này còn nhỏ xíu. Bà Ba nằm trên giường nghe con gái gọi, liền bật dậy không kịp xỏ dép lật đật chạy ra miệng lập bập: "Trời Phật ơi, mày còn sống hả Bảy...", rồi bà mếu máo nắm tay em, rờ vào bên cánh tay bị mất của ông Bảy, như thể khẳng định đây là đứa em bằng xương bằng thịt của mình, chứ không phải trong giấc mơ. Trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn hột vịt, khóe mắt của chị em ông ai cũng rưng rưng…

Quán cafe bên kia đường, mấy người đang ngồi uống xôn xao: "Ủa bà Ba có em đi cách mạng hả? Hồi giờ đâu biết, vậy mà mấy ông con rể toàn lính VNCH...". Ông Ba Nhu chủ quán cafe nghe vậy, dừng tay nói thêm "mấy đứa bay không biết đó, chồng bả cũng theo cách mạng bị mất trên cứ. Hồi đó phải giấu chớ, lộ ra có mà chết à". Nói rồi ông rảo bước qua đường tới trước ông Bảy hể hả "Bảy Đề phải không, nhớ tao không?". Định thần một lát ông Bảy mới nhận ra người đã từng là đồng đội trên căn cứ thời trước 1954 bởi dáng cao lênh khênh như tuyển thủ bóng chuyền của ông Ba Nhu. Hai người, ba bàn tay nắm lấy nhau như hơn 20 năm trước, họ chia tay nhau người tập kết, người trở về gia đình.

Trời sáng rõ, khu chợ bắt đầu nhộn nhịp, căn nhà bà Ba trở nên chật hẹp khi anh em, con cháu, láng giềng nghe tin tới ngày càng đông. Ông Năm anh ông Bảy, bắt con chở xe đạp từ quê La Chữ chạy xuống, 2 người em kế thứ Tám, Chín và cô em út thứ Mười ở chòm trên cũng lật đật chạy qua...

Không khí gia đình sum họp bất ngờ sau mấy chục năm rộn ràng như tết. Ai cũng tranh nhau hỏi làm ông Bảy không biết trả lời ai trước ai sau. Cậu con trai ông Bảy từ lúc xuống xe tới giờ, được mấy anh chị và cả mấy đứa cháu đồng lứa tuổi chăm sóc đến là kỹ càng. Trừ tình cảm ruột thịt ra thì cái gì ở đây cũng làm cậu ngỡ ngàng xa lạ. Nhất là giọng nói miền trong này cậu chưa quen, nên có những câu hỏi, cậu phải nghe thật kỹ mới hiểu.

Sau khi gặp gỡ mọi người, việc đầu tiên của ông Bảy là về trên quê thắp nhang cho cha và mẹ. Mọi người kể lại, khi ông tập kết được 5 năm, thì mẹ ông qua đời. Khi bà mất thì vắng 3 người con. Ông Bảy đi tập kết ra Bắc, ông Tám theo cách mạng đang ở Chiến khu Lê Hồng Phong trong Bình Thuận và ông Chín bị bắt đi lính VNCH đang ở xa.

Ngày hôm sau, ngẫu nhiên trùng hợp là ngày giỗ của mẹ ông Bảy. Ngày giỗ mẹ, đồng thời cũng là cuộc đoàn tụ sum họp của gia đình ông sau hơn 20 năm.

Anh em họ hàng gần như không thiếu ai; họ có dịp gặp mặt nhau hàn huyên, tâm sự. Nào kể gì "cách mạng" hay "ngụy quân ngụy quyền", tất cả đều ấm áp chung một ly rượu, ngồi cùng chiếc chiếu dưới một mái nhà.

Cái làng La Chữ của ông, như người dân đây thường nói là "Làng cách mạng gộc", trước 30-4 thì "ban ngày Quốc gia, đêm là Cộng sản"; hầu như gia đình nào cũng có người theo cách mạng và cũng không ít người theo phía bên kia. Sau 30-4, ông Tám từ chiến khu ở Bình Thuận đi thẳng về quê. Ngày hôm sau đạp xe lên đón ông Chín đi học tập 7 ngày về nhà. Cả 2 ông đều ngót 50 tuổi, ngoài ông Tám có một người con trai là phế binh VNCH, không ai có gia đình riêng. Dưới gốc cây khế ngọt trước sân, 2 người lính của 2 chế độ chẳng nói chuyện ngày xưa, họ chỉ bàn công chuyện ngày mai, anh em mình sẽ xuống giống gì, khi mùa mưa ở xứ "đồng một vụ, ăn nước trời" sắp tới.

Với ông Bảy, niềm vui xen lẫn xúc động khi được sum họp cùng gia đình, là điều thiêng liêng nhất. Cuộc chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ, làm sao tránh khỏi những đau thương, mất mát, ly tán, bi kịch trong mỗi gia đình trong và sau chiến tranh. Đó là điều không ai mong muốn. Bây giờ hoà bình, thống nhất rồi, mọi người nên chung tay xây dựng quê hương. Theo chính sách hoà hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước, cũng không nên đổ lỗi giữa những người Việt Nam với nhau, bởi suy cho cùng chỉ có tội ác của thực dân đế quốc ngoại bang đến xâm lược mà thôi.

Mâm cơm cỗ vừa bày ra, anh con trai lớn của ông Năm đang công tác tại tỉnh đội Thuận Hải, nghe tin chú ruột về cũng chạy tới. Mọi người chẳng kể xưa kia ai ở phía bên nào, giờ chung một mâm cơm gia đình, vui cùng ly rượu trùng phùng.

Ông Bảy vài ngày nữa trở ra Bắc, để thu xếp đưa cả gia đình về quê. Hôm nay ông lên Đơn Dương, Lâm Đồng để bảo lãnh cho người con trai duy nhất của bà Ba vợ liệt sĩ, là sỹ quan chế độ cũ đang học tập ở đây được sum họp với gia đình.

Với ông có lẽ như vậy sẽ trọn niềm vui hơn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm