Tái hoạt động sau gần ba năm đóng cửa, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B vừa cho ra mắt vở diễn mới đầu tiên với cái tên Những giấc mơ lóng lánh đậm đặc cái hồn Sài Gòn.
Câu chuyện kịch diễn ra ở một cái hẻm nhỏ nằm trong một góc nhỏ Sài Gòn. Cái hẻm đó quy tụ những con người Sài Gòn gốc gác lâu đời như cha con ông hớt tóc, cư dân Sài Gòn chánh gốc như mẹ con cô thợ may một thời là cô đào kịch nói tên tuổi. Cái hẻm nhỏ đó cũng dung chứa đông đảo cư dân nhập cư như anh bán kẹo kéo người Huế, anh đấm bóp dạo quê miền Trung, một chị trung niên người Bắc…
Cái xóm đầy những chuyện lộn xộn, lặt vặt diễn ra nhưng vẫn luôn tràn đầy nghĩa tình, hào hiệp, phóng khoáng của người Sài Gòn. Cả xóm sẵn sàng chung tay bảo vệ cô người Bắc mượn nợ góp bị giang hồ truy sát, gom tiền giúp cô trả nợ. Cả xóm sẵn sàng lao đi tìm kiếm cô thợ may vì buồn con mà bỏ nhà ra đi vì sợ cô nghĩ quẩn.
Chen giữa những câu chuyện đầy tình người như thế ở một xóm nhỏ Sài Gòn, vở diễn đề cập khá nhiều vấn đề thời sự của Sài Gòn - TP.HCM hôm nay. Đó là tiếng thở dài của ông thợ hớt tóc trước những tin nóng của thành phố như đất đai bị giải tỏa, bà con bị đền bù với giá rẻ mạt, chuyện những công trình kiến trúc di sản của Sài Gòn cứ lần lượt biến mất, chuyện một thời vang bóng của sân khấu Sài Gòn rực rỡ đã qua đi…
Nghệ sĩ Tuyết Thu trở về Kịch 5B với vai cô đào Dạ Thu.
Quốc Thịnh (ngồi) khiến khán giả cười ngả nghiêng, vỗ tay thích thú với cái duyên hài ở vai anh bán kẹo kéo.
Vậy nên cả xóm đã rần rần phản đối khi hay tin có người muốn mua cái rạp hát cũ trăm năm, một thời sáng đèn rực rỡ ở trước khu xóm để đập phá xây trung tâm thương mại. Thậm chí ông hớt tóc còn bịa chuyện những nhà đầu tư cũ đều bị tai nạn, xui rủi ghê gớm khi muốn mua để phá cái rạp hát này.
May sao không phải như thế, nhà đầu tư mới là một Việt kiều yêu sân khấu, yêu nghệ sĩ, chỉ muốn đầu tư làm mới rạp hát cũ để giúp nó sáng đèn. Bởi cái rạp hát này nơi bà đã có tình yêu với một anh kép hát mà mình lấy làm chồng, nơi bà đã gây ra lỗi lầm khi giật chồng của một cô đào hát làm chồng mình, nơi anh kép hát xưa nơi xứ người luôn hoài nhớ...
Nghệ sĩ Mỹ Uyên chín muồi trong diễn xuất bên cạnh sự vững vàng của nghệ sĩ Công Ninh.
Vở kịch được đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng dàn dựng với một sân khấu khá đặc biệt hình tam giác. Trên sân khấu cùng lúc thể hiện ba cụm cảnh trí, ba không gian khác nhau, nằm ở ba góc của khán phòng sân khấu nhỏ 5B.
Mỗi cụm cảnh trí ăn vào thật sát chỗ ngồi của khán giả. Thậm chí cảnh cuối khán giả còn được mời đứng lên xách ghế ngồi sang chỗ khác, lấy chỗ cho diễn viên bày ra một cảnh trí mới. Cách bày sân khấu như thế này khá mới mẻ, thú vị nhưng có khuyết điểm là khán giả không thấy rõ hết tất cả góc của sân khấu.
Nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam (ngồi) lần đầu bước lên sàn diễn kịch.
Vở kịch đem đến rất nhiều tiếng cười từ sự duyên dáng, nổi bật của nghệ sĩ Quốc Thịnh trong vai anh bán kẹo kéo lắm chiêu. Nhiều khoảnh khắc ngậm ngùi với diễn xuất của nghệ sĩ Mỹ Uyên trong vai bà Việt kiều nhiều day dứt.
Vở cũng đem đến sự tươi trẻ đầy hứa hẹn ở hai gương mặt diễn viên trẻ vào vai hai cô cậu sinh viên trường sân khấu điện ảnh. Vở còn trình làng thêm một gương mặt mới lấn sân sân khấu kịch là nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam trong vai người dẫn chuyện.
Chỉ tiếc là vở thiếu một chút nhấn nhá để đẩy cao trào kịch tính cao hơn ở nhiều cảnh diễn, hoặc ví như có thêm cảnh cô đào Dạ Thu bị cướp chồng để làm nổi bật sự ẩn ức ở nhân vật này...