Chuyện thực hiện cam kết COP27 liệu có khả quan hơn so với COP26?

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) vừa kết thúc với một số bước tiến, tuy nhiên giới quan sát cho rằng không quá vượt trội so với COP26 và cũng chưa chắc tiến trình thực hiện sẽ thế nào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27) tại thành phố Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đã kéo dài hơn dự kiến tới 2 ngày - tới ngày 20-11 mới kết thúc thay vì ngày 18-11 như lịch trình ban đầu.

Ngày 20-11, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài xuyên đêm, các đại diện tham gia COP27 cũng đã thông qua một thỏa thuận khí hậu tổng quát.

Từ sự kiện này, nhiều nhà quan sát đã nhìn lại và đánh giá kết quả một năm thực hiện các cam kết của COP26, nhận xét về kết quả COP27 cũng như đưa ra dự đoán tiến trình thực hiện các cam kết khí hậu mới nhất.

Tiến trình thực hiện các cam kết COP26 thế nào?

Năm 2021, tại thành phố Glasgow (Scotland), COP26 kết thúc với nhiều cam kết quan trọng từ các lãnh đạo. Các cuộc đàm phán tại COP26 được đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khủng hoảng khí hậu - ông John Kerry, coi là “hy vọng tốt nhất cuối cùng để thế giới cùng nhau hành động” và ngăn chặn sự cố khí hậu.

Dưới đây là 5 cam kết chính được đưa ra tại COP26 và tiến độ của chúng sau 1 năm, theo tờ The Guardian.

.Về cắt giảm khí thải

Các chính phủ đã cam kết tại COP26 rằng sẽ duy trì mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, theo LHQ, kể từ COP26 đến nay chỉ 24/193 nước đệ trình các tiến bộ giảm phát thải mà họ đạt được ở quy mô quốc gia.

Theo tính toán của LHQ, cam kết từ các quốc gia chỉ cho phép cắt giảm thêm từ 5%-10% tổng lượng khí thải toàn cầu năm 2030. Trong khi đó, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, phải cắt giảm 30%, và để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, phải giảm 45%.

Nỗ lực cắt giảm khí thải như vậy thấp hơn khoảng từ 3-9 lần so với mức cần thiết.

.Mức phát thải ròng bằng không

Các nhà khoa học cảnh báo đến năm 2050, thế giới sẽ phải loại bỏ toàn bộ lượng khí thải carbon từ sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp,... nếu muốn tránh hậu quả khí hậu thảm khốc.

Một tương lai bằng phát thải ròng bằng 0 đã chính thức được 74 quốc gia chấp nhận tại COP26. Sau hội nghị, 7 quốc gia khác đã cam kết đạt mục tiêu này vào giữa thế kỷ. Với một số lượng lớn các quốc gia cam kết phát thải ròng bằng 0, nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, trái đất sẽ cắt giảm được 78,6% lượng khí thải hiện có.

.Tài trợ biến đổi khí hậu

Đây có thể xem là vấn đề đáng chú ý nhất trong các cuộc họp của LHQ về khí hậu. Kể từ năm 2020, lãnh đạo các nước phát triển phải đối mặt với một hóa đơn quá hạn trị giá 100 tỉ USD/năm đó là khoản viện trợ cho các nước đang và kém phát triển đối phó khủng hoảng khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu viện trợ khí hậu cho các nước kém phát triển của COP26 đã không đạt được. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hồi tháng 7 cho thấy các nước phát triển vẫn còn khoảng 17 tỉ USD mới đạt mục tiêu đề ra năm 2022. Một báo cáo khác do tổ chức phi chính phủ Oxfam cho thấy con số còn đáng buồn hơn: chỉ có 21 tỉ USD được huy động, 70% trong số này là dưới hình thức khoản vay.

.Cắt giảm khí metan

Tại COP26, 103 quốc gia đã cam kết cùng nhau cắt giảm lượng khí thải metan xuống 30% so với năm 2020 vào cuối thập niên này. Trong năm qua, thêm 19 nước đã tham gia hiệp ước này.

Nghịch lý là trong khi số lượng quốc gia cam kết cắt giảm khí metan tăng, mức thải khí metan lại không hề giảm. Năm 2022 tiếp tục ghi nhận kỷ lục về mức thải metan toàn cầu, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Biểu đồ nồng độ khí metan trong khí quyển qua các năm. Đồ họa: THE GUARDIAN. Nguồn: WMO

Biểu đồ nồng độ khí metan trong khí quyển qua các năm. Đồ họa: THE GUARDIAN. Nguồn: WMO

.Phá rừng

Tại thành phố Glasgow, 145 quốc gia cam kết sẽ ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030. Kể từ đó, 4 quốc gia khác đã tham gia cam kết này. Tuy nhiên, dựa trên xu hướng phá rừng hiện nay, với gần 7 triệu ha rừng bị san bằng năm 2021, cam kết này sẽ khó có thể đạt được.

Nhìn chung, tình trạng phá rừng đang giảm nhưng không đủ nhanh để đạt được mục tiêu năm 2030.

COP27 cam kết những gì?

.Quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại: Tại COP27, hơn 190 nước đã đồng ý một thỏa thuận lịch sử sẽ lập quỹ bồi thường “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu cho các nước nghèo.

Kết quả cho thấy nỗ lực to lớn của các nước tham gia trong việc giải quyết vấn đề bồi thường. Tuy nhiên quỹ vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng như cơ chế hoạt động, quốc gia nào sẽ đóng góp vào quỹ, quốc gia nào được nhận,... Dự kiến những vấn đề này sẽ được bàn thảo tại hội nghị năm sau ở Dubai (UAE).

.Cam kết 1,5 độ C: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có mục tiêu là giữ mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đến cuối thế kỷ này.

Các khoa học chỉ ra rằng mức 2 độ C không an toàn, vì vậy tại COP26 tổ chức ở thành phố Glasgow (Scotland) năm ngoái, các quốc gia đã đồng ý tập trung vào mức tăng 1,5 độ C. Tại COP27, các nước tham gia tiếp tục duy trì cam kết này.

.Cắt giảm khí metan: Sau COP27, có thêm khoảng 50 quốc gia tham gia vào cam kết cắt giảm khí thải metan đã đề ra ở COP26. Hiện 95% các nước đã đưa khí metan vào kế hoạch cắt giảm lượng khí thải.

.Nhiên liệu hóa thạch: Năm ngoái tại Glasgow một cam kết giảm dần việc sử dụng than đã được thống nhất, đánh dấu lần đầu tiên một nghị quyết về nhiên liệu hóa thạch được đưa vào văn bản cuối cùng. Tại COP27, một số quốc gia - dẫn đầu là Ấn Độ - muốn tiến xa hơn và đưa việc giảm dần tất cả nhiên liệu hóa thạch vào cam kết. Tuy nhiên, đề xuất này trở thành chủ đề gây tranh cãi dữ dội, cuối cùng nó thất bại và giải pháp được đưa ra không có gì thay đổi so với hội nghị trước đó.

Tuy nhiên nhóm các quốc gia giàu bao gồm Mỹ, Nhật, Canada, Anh và Đức đã cam kết sẽ gây quỹ ít nhất 20 tỉ USD để hỗ trợ Indonesia dần từ bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Đây là nỗ lực lớn nhất cho đến nay trong việc thuyết phục một quốc gia đang phát triển từ bỏ than đá.

COP27 cũng đề cập giao dịch tín chỉ carbon quốc tế, nhưng không đạt được thỏa thuận đầy đủ về các quy tắc. Việc thiết lập các quy tắc xung quanh thị trường tín chỉ carbon rất phức tạp nên cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ tiếp tục tại COP28.

Triển vọng thực hiện các cam kết COP27

Phát biểu vào sáng 20-11, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) - ông Frans Timmermans cho biết EU “thất vọng” với kết quả cuối cùng của hội nghị COP27.

Ông nói: “Những gì đạt được trước mắt là không đủ để tạo nên một bước tiến cho con người và hành tinh. Lẽ ra chúng ta nên làm nhiều hơn nữa”.

Tiến sĩ Sven Teske của ĐH Công nghệ Sydney (Úc) cho biết: “Với việc đồng ý lập quỹ ‘tổn thất và thiệt hại’ mà không có thông tin chi tiết cũng như đặt ra mục tiêu 1,5 độ C mà không có cam kết loại nhiên liệu hóa thạch, có vẻ như chúng ta đang chấp nhận chi trả cho những hậu quả tương lai của biến đổi khí hậu thay vì tìm cách ứng phó nó”.

Giáo sư David King, cựu cố vấn khoa học của chính phủ Anh và là chủ tịch của Nhóm Tư vấn Khủng hoảng Khí hậu (CCAG) nói: “Ngay cả khi các cam kết được đưa ra và tái khẳng định tại COP27, thế giới vẫn đang trên đà tăng 2,7 độ C. Các thỏa thuận về tổn thất và thiệt hại chỉ phù hợp nếu chúng được kết hợp với các cam kết giữa mức tăng nhiệt 1,5 độ C”.

Bên cạnh đó, nhiều chính trị gia và chuyên gia cũng nhìn nhận các mặt tích cực của hội nghị.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói việc lập quỹ là một bước quan trọng hướng tới công lý cho các nước nghèo chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen mô tả thỏa thuận COP27 là “một bước nhỏ hướng tới công bằng khí hậu” và cho biết cần cố gắng nhiều hơn để đạt các mục tiêu đã đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm