Ngày 23-9, các nhà hoạt động trẻ vì khí hậu đã tổ chức cuộc biểu tình tại 450 địa điểm trên toàn thế giới để thể hiện sự quan ngại của họ về tác động nóng lên toàn cầu và yêu cầu tăng viện trợ cho các nước nghèo chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, theo hãng tin AP.
Những người biểu tình tập trung tại các tuyến đường ở những thành phố lớn như: Jakarta (Indonesia), Tokyo (Nhật), Rome (Ý), Berlin (Đức)... mang theo biểu ngữ và áp phích với các khẩu hiệu như “Chúng tôi lo lắng về cuộc khủng hoảng khí hậu”, “Vẫn chưa phải là quá muộn”,...
Các cuộc biểu tình trên được tổ chức bởi phong trào thanh niên “Ngày thứ Sáu vì tương lai” (Fridays for Future), lấy ý tưởng từ nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển - cô Greta Thunberg.
Cuộc biểu tình về khí hậu ở thủ đô Tokyo (Nhật) ngày 23-9, người biểu tình cầm biểu ngữ với nội dung “Khủng hoảng khí hậu và vấn đề sống còn”. Ảnh: AP |
Cuộc biểu tình về khí hậu ở thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 23-9. Ảnh: AP |
Các cuộc biểu tình diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2022 (COP27) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới và trùng với kỳ họp của Đại Hội đồng LHQ đang diễn ra tại thành phố New York (Mỹ).
Cảnh sát địa phương cho biết khoảng 20.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở Berlin. Người biểu tình kêu gọi chính phủ Đức thành lập quỹ trị giá 100 tỉ euro để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cô Darya Sotoodeh - người phát ngôn của phong trào tại Đức, cho biết: “Chúng tôi tổ chức biểu tình trên toàn thế giới bởi vì các chính phủ vẫn đang làm quá ít cho công bằng về khí hậu”.
“Mọi người trên khắp thế giới đang phải chịu đựng khủng hoảng khí hậu và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không hành động đúng lúc” - cô nói thêm.
Cuộc biểu tình về khí hậu ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 23-9. Ảnh: AP |
Tại Rome, khoảng 5.000 thanh niên đã tham gia một cuộc tuần hành gần Đấu trường La Mã.
Các sinh viên Ý cho biết ưu tiên của họ trong cuộc biểu tình là điều chỉnh chính sách giao thông ở Ý. Tỉ lệ ô tô trên mỗi người dân nước này thuộc nhóm cao nhất châu Âu.
Tại New York, ít nhất 2.000 người đã tập trung vào chiều 23-9 để tuần hành và hô vang các khẩu hiệu, theo Reuters.
Khoảng 400 nhà hoạt động vì môi trường đã tập trung tại thủ đô Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) và hô vang các khẩu hiệu như “Hành động vì châu Phi, bảo vệ hành tinh của chúng ta” và mang theo các tấm bìa cứng có nội dung “Công bằng về khí hậu” và “Giải cứu khí hậu”.
Các cuộc biểu tình diễn ra sau cảnh báo từ các nhà khoa học rằng các quốc gia đang hành động không đủ để đáp ứng mục tiêu hàng đầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là giữ sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres đã nói với lãnh đạo các nước rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, vốn chịu trách nhiệm lớn cho việc nóng lên toàn cầu, lại đang thu được hàng tỉ USD từ trợ cấp và lợi nhuận.
Ông Guterres kêu gọi các nước giàu đánh thuế các công ty năng lượng và chuyển nguồn thu đó cho “những quốc gia đang chịu tổn thất và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu” và những quốc gia đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, khối các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) cho biết họ sẽ thúc đẩy quốc tế thành lập một quỹ bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do tác động của khí hậu tại các cuộc đàm phán sắp tới ở COP27.