Theo UBND TP.HCM, TP là địa phương dễ bị tổn thương do tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Hiện tượng mưa cực đoan đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt do triều cường cũng đang diễn biến phức tạp. Điều này gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân TP.
Nhận thức sự ảnh hưởng của BĐKH, trong thời gian qua, UBND TP.HCM đã ban hành cũng như thực hiện nhiều quyết định, kế hoạch liên quan đến ứng phó với BĐKH.
Trong kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo hai giai đoạn: Giai đoạn năm 2020, có 17 chương trình, dự án do 12 sở, ban ngành chủ trì. Giai đoạn 2021-2030, có 39 chương trình, dự án do 15 sở, ban ngành chủ trì.
Theo kế hoạch trong Thỏa thuận Paris, TP.HCM sẽ thực hiện ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn lực thực hiện các chương trình.
Tăng cường các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu
Sau hai năm triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình, dự án trong kế hoạch.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2030, TP.HCM sẽ triển khai 56 chương trình, dự án để thực hiện ba nhóm nhiệm vụ chính. Đó là nhóm giảm phát thải khí nhà kính; nhóm thích ứng với BĐKH; nhóm chuẩn bị nguồn nhân lực.
Để thực hiện thành công ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm trên, TP đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP. Đồng thời, đảm bảo các nguồn lực cần thiết, huy động sự đóng góp của cộng đồng trong nước và quốc tế để thực thiện Thỏa thuận Paris.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ tài chính, công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với BĐKH. Trong đó, TP đặc biệt chú trọng việc triển khai cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH.
Trong hội nghị “Tiên phong đột phá” diễn ra ngày 2-6 vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ: Vấn đề ứng phó với BĐKH được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ là cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
TP.HCM đang thực hiện nhiều chương trình nhằm tăng mảng xanh trên địa bàn. Ảnh: BQ |
Theo ông Hoan, TP.HCM đang phải chịu sức ép ngày càng gia tăng từ tác động của BĐKH, nhất là tình trạng nước biển dâng. Cạnh đó, còn có những tác động do con người gây nên như sụt giảm nước ngầm, sụt lút đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất và sinh hoạt đang gây sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng của TP.
“Theo đó, hiện nay TP đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng TP thông minh, quy hoạch giao thông, quy hoạch chống ngập, xử lý nước thải… và nhiều đề án quan trọng trên nhiều lĩnh vực” - ông Hoan thông tin.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiều dự án
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, trong thời gian thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Cụ thể, đối với những dự án có khả năng đóng góp nhiều trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ảnh hưởng của BĐKH đều được các sở, ban ngành tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn. Điển hình, TP đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án metro số 1, 2; các dự án giải quyết ngập do triều cường…
Cũng theo Sở TN&MT, hiện nay mặc dù TP đang gặp những khó khăn do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng do hầu hết nhiệm vụ đều được triển khai thuận lợi. Do đó, các đơn vị đang đẩy nhanh công tác triển khai những dự án trên trong năm 2022, dự kiến các dự án sẽ kịp tiến độ đến năm 2025.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH, Sở TN&MT đã đề xuất UBND TP.HCM cho phép gia hạn một số nhiệm vụ. Cạnh đó, cập nhật cơ sở pháp lý một số công việc cụ thể; chuyển đơn vị chủ trì một số nhiệm vụ để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.•
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
đến sức khỏe con người
BĐKH tác động trực tiếp đến đời sống con người như lũ lụt, hạn hán. Ngoài ra, BĐKH còn tác động đến sức khỏe con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như tiêu chảy, dịch tả; làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng đã đưa ra kế hoạch hành động, ứng phó với BĐKH của ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, kế hoạch đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Dự báo các ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe người dân để có giải pháp y tế phù hợp trong điều trị và dự phòng. Đồng thời cảnh báo sớm các vấn đề môi trường liên quan đến BĐKH ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…