Kỷ niệm 44 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 _ 17-2-2023)

Chuyện tình biên cương trong những ngày lửa đạn

(PLO)-  Tình yêu của anh bộ đội với cô gái nảy nở từ những ngày bộ đội làm đường giáp biên và trở nên nồng cháy, khắc khoải lo thương trong những ngày biên cương bị xâm phạm.

Tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Chí Lý và bà Lục Châm tại Hà Nội trong những ngày vợ chồng ông từ Cao Bằng về thăm con cũng là dịp gặp lại những đồng đội cũ.

Trốn khỏi lán trại đi gặp người yêu

Sau 44 năm, gặp lại đồng đội, hồi ức về những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc lại ùa về. Nối tiếp liên tu bất tận là những câu chuyện thương nhớ đồng bào, chuyện chiến đấu khói lửa… lại là những chuyện tình của lính biên cương với các cô gái ở địa phương.

Nhưng diễm tình, lãng mạn nhất, có cả khói lửa và nước mắt vẫn là chuyện tình của anh lính Nguyễn Chí Lý và cô gái Lục Châm.

Ông Lý kể: Đầu năm 1977, ông được điều từ Đại đội 1 lên tiểu đoàn bộ làm liên lạc cho Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoan. Lúc đó, đơn vị ông đang nhận nhiệm vụ làm đường giáp biên.

Bộ đội hành quân lên biên giới, mặt trận Cao Bằng hồi tháng 2-1979.
Ảnh: NSNA TRẦN MẠNH THƯỜNG

Những ngày làm đường vào bản cho anh Lý cơ hội thường xuyên gặp cô gái bản Phia Ngược, Trùng Khánh, Cao Bằng đang học lớp 8 (hệ 10 năm) của trường cấp III huyện.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Lục Châm nói thêm: “Thời đó còn là học sinh, con gái biên cương leo núi, đi rừng mỗi ngày nên phần người thì lớn trước tuổi, còn hồn thì… có biết gì đâu. Còn là học sinh, thấy các anh bộ đội thì quý lắm. Các anh vui cười, ca hát suốt ngày nên từ quý chuyển thành… thinh thích riêng mỗi cái anh liên lạc này”.

Bà Lục Châm kể và cười nguýt chồng đến ngọt, còn ông Lý thành thật: “Tình yêu của chúng tôi thời đó không tốc độ, tên lửa như bây giờ đâu. Gặp nhau nhiều, cảm tình với nhau rồi thì thành… yêu”.

Ông Lý kể hồi đó cứ đến tối, đợi khi các thủ trưởng và đồng đội ngồi vào đánh tiến lên thì ông mắc màn sẵn, phủ chăn từ trên gối xuống dưới cuối màn, súng để ngay ngắn đầu giường… Xong ông nhẹ chân rời lán trại đi gặp người yêu. Đường xa, cheo leo, gập ghềnh, trời thì tối đen như mực, chó lại sủa râm ran dọc đường vào bản. Một tay cầm đèn pin, một tay cầm hòn đá, ông cứ thế mà đi.

Ông Nguyễn Thái Long, đồng đội của ông Lý, tếu táo: “Thế mà hồi đó cả tiểu đoàn bộ không ai biết gì, cứ tưởng chú mệt nên mắc màn đi ngủ sớm. Chuyện tình của cô chú thật đẹp và mùi mẫn nên anh em vẫn gọi đó là “thiên tình sử của núi rừng biên cương Trùng Khánh”!”.

Mắt nhìn về bản, lo cho người yêu

Những khó khăn trên đường vào bản Phia Ngược gặp người yêu chưa là gì với thử thách tiếp theo mà ông bà phải đối mặt là bọn giặc xâm phạm biên cương.

Ông Nguyễn Chí Lý và bà Lục Châm. Ảnh: VT

Ông Lý vẫn nhớ như in thời điểm quân Trung Quốc tràn sang xâm phạm biên cương. Vì là liên lạc của tiểu đoàn trưởng nên ông Lý được theo thủ trưởng đi thị sát, nắm từng trận địa, vị trí chốt từ cuối năm 1978.

“Lúc đó nhận định ban đầu là Trung Quốc sẽ đánh sang nhưng chỉ đánh kiểu như quấy phá, khiêu khích cấp tiểu đoàn rồi về” - ông nói. Nhưng 5 giờ ngày 17-2, súng nổ, đơn vị triển khai quân lên các chốt, trận địa. Lúc này nhận ra địch đông quá, các thủ trưởng nhận định địch không phải xâm lấn qua để quấy phá, khiêu khích biên giới nữa mà là tấn công ồ ạt để chiếm biên cương. Lớp lớp lính nó xông lên cùng với pháo bắn phá dữ dội hỗ trợ cho bọn bộ binh. Cũng từ đó, ông và người yêu mất liên lạc. Những ngày sinh tử đối đầu với kẻ địch bắt đầu với ông.

Khi đó trang bị, lương thực thiếu thốn, có lúc di chuyển từ tiểu đoàn bộ xuống các chốt và ngược lại ông Lý chỉ kịp cầm theo một hộp sữa và một vỏ chăn quân đội để gặp dân bị trúng đạn pháo thì cuốn lại. Trên đường liên lạc, pháo địch bắn liên tục đến rát tai.

Không sợ cái chết sẽ đến với mình, khi đó cái lo nhất của anh lính liên lạc Chí Lý là người yêu và gia đình Lục Châm có bình yên khi địch tràn sang. Thỉnh thoảng, ông lại nghe đâu đó những làng bản bị đốt cháy, người dân bị sát hại. Khi đó mắt ông lại hướng về phía bản Phia Ngược coi có ngọn khói pháo, khói từ nhà nào bị đốt cháy bốc lên… mà lòng quặn thắt.

Ở trong bản, cô nữ sinh Lục Châm cũng cháy lòng, lo cho người yêu. Nhất là sau khi nghe tin liên lạc của bố Hoan (tên gọi thân mật của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoan) hy sinh rồi. Mà bố Hoan thì có tới hai, ba chú liên lạc, không biết có phải anh Lý không!?

Tháng 4-1979, sau khi địch rút về bên kia biên giới, ông Lý mới mượn được chiếc xe đạp rồi nhờ cậu anh nuôi tiếp phẩm vào bản nghe ngóng thông tin. Trở về, cậu anh nuôi ném ào cái xe trước lán trại, nhào đến ôm lấy ông Lý: “Tất cả còn sống cả, anh ơi!”. Niềm vui vỡ òa. Nhưng phải một tuần sau khi thu dọn trận địa, củng cố lại các chốt để phòng địch quay trở lại, ông Lý mới “được phép” băng rừng vào bản thăm người yêu.

Tình yêu của ông và bà kéo dài đến sáu năm. Khi ấy, có thời điểm ông Lý đi học ở Hà Nội. Còn bà học xong phổ thông đi học trường y. Hằng tháng cứ nhằm ngày 15 ông lại bắt xe đi một ngày lên Cao Bằng thăm người yêu.

Năm 1982, họ chính thức nên duyên vợ chồng. Cô học sinh người Tày Lục Châm sau đó làm bác sĩ ở BV Trùng Khánh, còn ông Lý chuyển sang làm bộ đội biên phòng.

Cuộc chiến chính nghĩa

44 năm đã trôi qua, nhìn lại “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc” để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, vì độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình.

Kỷ niệm 44 năm “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc” là dịp để tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì sự bình yên của bờ cõi biên cương; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả thế hệ người dân Việt hôm nay và mai sau phải trân trọng giá trị của hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, đủ sức đối phó với mọi tình huống, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. (Theo TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới