Bộ phim đã từng đoạt giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Đức) năm 1985.
Hội trường của Hội Nhà văn Hà Nội khi chương trình diễn ra đã được lấp kín chỗ. Buổi trò chuyện bắt đầu bằng việc ban tổ chức trình chiếu lại bộ phim Chuyện tử tế, những khuôn mặt nhăn nheo tuổi tác, những mái đầu bạc đã xem phim không biết bao nhiêu lần vẫn tĩnh lặng theo dõi những khuôn hình chậm trôi. Bộ phim xoay quanh câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”. Đạo diễn tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau. Từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong, một căn bệnh khiến họ bị cả xã hội xa lánh. Qua chuyến đi tìm câu trả lời ấy, đạo diễn Trần Văn Thủy đã trăn trở trước cuộc sống khó khăn và thiếu đi sự tử tế giữa con người và con người.
Vậy ra nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, thái độ trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau con người - những lời trong bộ phim Chuyện tử tế 30 năm qua vẫn còn nóng hổi đến hôm nay.
Phần giao lưu với người nghe, nhiều câu hỏi được đặt ra với đạo diễn Trần Văn Thủy, phần lớn đều gặp nhau ở một trăn trở: 30 năm rồi kể từ khi bộ phim nói về sự tử tế ra đời nhưng đến tận bây giờ, những câu chuyện đó vẫn chưa cũ, sự tử tế không được gia cố thêm mà dường như đang mất đi, nói theo cách của nhà phê bình Phạm Xuân là ngày nay sự tử tế còn nhưng ít.
Cách đây không lâu, trong một tọa đàm nói về Hà Nội, nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ một câu chuyện về sự tử tế của mình, cô nói bây giờ mình làm một việc gì tốt cho ai thường hay bị nghi ngờ về tính động cơ. Gặp một người già trên phố, cô nói sẽ dắt bà qua đường, thay vì cảm ơn thì người già quay lại nhìn cô đề phòng. Sự tử tế ít nhất vẫn còn khu trú trong tâm hồn ai đó nhưng đem nó ra mà thực hành ngoài xã hội bây giờ không còn là việc dễ được đương nhiên chấp nhận nữa.
Trong tiểu thuyết Con Bim trắng tai đen, nhà văn Gabriel Troepolsky có viết: “Sự dối trá cũng có lúc thiêng liêng như sự thật. Như một người hấp hối mỉm cười và nói với người thân thương… Còn cuộc sống thì đi lên. Đi lên bởi niềm hy vọng vẫn còn, mà không còn nó thì nỗi tuyệt vọng sẽ giết chết cuộc sống mất”.
Năm qua đã có một cuộc vận động “Sống tử tế” ra đời từ Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và môi trường. Nhiều câu chuyện tử tế đã được lan tỏa bằng hành động trên thực tế, từ việc không xả rác nơi công cộng cho đến những việc sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Thôi thì từng người hãy đừng, hãy bớt than vãn, bớt ngờ vực để cuộc đời được đối xử tử tế hơn. Bởi khi người ta đánh mất niềm tin ở nhau nó cũng sẽ dần đẩy đi xa sự tử tế trong chính bản thân mình.