Gần đến ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM tấp nập người đến thắp nhang, thăm viếng hương linh liệt sĩ. Anh Phạm Đình Tâm, phó trưởng ban quản lý nghĩa trang cho biết, ở đây có đến 14.000 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có khoảng 2.500 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin.
Theo anh Tâm, nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM đã tiến hành thay tên 2.500 bia mộ “liệt sĩ vô danh” thành mộ “liệt sĩ chưa xác định thông tin” từ năm 2017. Ở nghĩa trang này có tổng cộng 44 nhân viên, trong đó khoảng 34 người là nhân viên trực tiếp trông coi, chăm sóc những ngôi mộ.
17 năm gắn bó với hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ
Đến gặp bà Khiếu Thị Hanh (49 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) khi bà đang tất bật dọn dẹp, lo toan lễ vật, trang hoàng lại những phần mộ cho hương linh các liệt sĩ. Bà Hanh cho biết đã gắn bó với công việc chăm sóc những phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM gần 17 năm. Đều đặn mỗi ngày, bà bắt đầu công việc của mình từ sáng sớm như quét lá, nhổ cỏ, lau chùi bia mộ liệt sĩ và thắp nhang,...
Những dịp lễ tết hay 27-7, công việc của người chăm sóc sẽ bận rộn hơn nhiều. Họ phải cật lực quét dọn, nhổ cỏ tất cả khuôn viên nghĩa trang, đồng thời lau chùi bia mộ và thay tất cả hoa để chuẩn bị đón các đoàn tới viếng mộ. Những ngày này, thường sẽ có đoàn sinh viên của các trường ĐH đến phụ giúp và thắp hương liệt sĩ.
|
Bà Khiếu Thị Hanh làm công việc chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ đã 17 năm nay. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Bà Hanh nói: “Tuy có chút vất vả hơn ngày thường nhưng tôi cảm thấy vui hơn hẳn. Vì bình thường nơi đây thường vắng lặng, chỉ những ngày này mới trở nên nhộn nhịp và ấm cúng hơn. Phải làm việc ở đây mới cảm nhận rõ ràng được, cảm giác linh thiêng và ấm áp lan tỏa khắp nghĩa trang này”.
Nhìn các lễ vật được chuẩn bị chu đáo, những bình hoa cũng được cẩn thận cọ rửa thật sạch, đủ để chúng tôi cảm nhận sự tỉ mỉ, chu đáo, đầy thành kính của bà Hạnh và các cộng sự đối với hương linh các liệt sĩ.
Kể về những khó khăn trong công việc, bà Khiếu Thị Hanh nở một nụ cười hiền từ. Bởi từ lâu, bà luôn cho đây là một công việc không thể thiếu trong cuộc đời mình, là một phần trách nhiệm của bản thân.
Bà Hanh kể: “Công việc phải làm ngoài trời, nắng mưa thất thường nên đôi khi cũng gặp trở ngại. Nhưng mình cứ kiên trì làm, làm hết lòng và bằng cái tâm của mình, để những hương linh ở đây không cảm thấy lạnh lẽo”.
Những khi có việc nặng nhọc, bà Hanh đều nhận được sự hỗ trợ của các cô chú anh chị làm cùng, từ việc trồng mới những đám cỏ dại hay vận chuyển phân bón cho cả khu vườn.
|
Quét lá, nhổ cỏ, lau chùi bia mộ liệt sĩ và thắp nhang,… là những việc thường ngày của bà Hanh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
"Những ngày tháng đầu tiên khi mới bắt đầu công việc, như bao người phụ nữ chân yếu tay mềm khác, ở môi trường đầy linh thiêng này tôi cũng có chút sợ hãi. Nhưng dần dần rồi tôi cũng quen, không còn thấy sợ nữa, cứ chăm chỉ hoàn thành công việc thật tốt" - bà Hanh bày tỏ.
Nhân chứng cho niềm vui và nỗi buồn của thân nhân tìm mộ liệt sĩ
Là người chăm sóc cả những ngôi mộ có thông tin và chưa xác định thông tin, bà Hanh cho biết, đối với những ngôi mộ “vô danh”, bà thường dành sự quan tâm đặc biệt hơn. Bỡi lẽ họ là các liệt sĩ không có thân nhân, không được người nhà đến viếng nhang như những ngôi mộ khác. “Vì vậy họ có một chút thiệt thòi, nên mình càng phải quan tâm nhiều hơn, luôn hương khói đầy đủ cho họ”.
Suốt 17 năm gắn bó với các ngôi mộ, bà Hanh đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về gia đình đi kiếm tìm mộ thân nhân.
Câu chuyện về những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang liệt sĩ, đôi lúc bị nhận lầm là chuyện thường tình. Nhiều gia đình tưởng rằng đã tìm thấy mộ thân nhân nên mừng rỡ khôn xiết. Nhưng rồi nhận ra đó không phải là người thân của mình, lúc đó nỗi buồn và hụt hẫng bao trùm lấy nghĩa trang. Là người chứng kiến, bà Hanh cũng thấy buồn cho họ.
"Có một gia đình nọ, người thân tới lui nghĩa trang viếng mộ nhiều năm liền chỉ với linh cảm mong manh rằng ngôi mộ đó là thân nhân của họ. Đến khi tiến hành xét nghiệm ADN lại phát hiện không phải người thân của mình. Họ rất hụt hẫng và lại tiếp tục tìm kiếm, tình cảnh đó khiến tôi xót xa" - bà Hanh nhớ lại.
Theo bà Hanh, đôi khi dù tìm kiếm mộ thân nhân cực khổ nhưng không đủ cơ sở thì cũng không thể tìm thấy được. “Ước gì mỗi gia đình đi tìm mộ thân nhân đều thuận lợi và gặp may mắn để các liệt sĩ được nhận lại gia đình" - bà Hanh bày tỏ.
Ngoài những gia đình chưa tìm được mộ, cũng có những gia đình may mắn vì được đoàn tụ. Có những ngôi mộ mà người nhà ở tận ngoài Bắc. Gia đình họ phải mất nhiều năm trời mới tìm được mộ thân nhân. Khi tìm thấy mộ rồi, họ vô cùng xúc động, khóc vì mừng rỡ, bà Hanh ở bên cũng mừng lây.
Bà kể thêm, có một ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, sau bao nhiêu năm người thân mới tìm lại được. Sau đó gia đình không có điều kiện vào thăm thường xuyên. Mới đây họ mới có điều kiện trở lại thăm mộ con. Niềm vui sau bao nhiêu năm gặp lại dường như làm không khí nơi trang nghiêm vắng lặng này trở nên ấm áp hơn nhiều.
Sau khi gia đình tìm được hài cốt thân nhân của mình, họ thường làm thủ tục di chuyển hài cốt thân nhân trở về quê hương để tiện chăm sóc. Cũng có nhiều gia đình chọn gửi lại nghĩa trang để các hương linh nằm cùng đồng đội. Sau đó gia đình sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để ban lãnh đạo nghĩa trang lập bảng tên.
Được thân nhân liệt sĩ tin tưởng, thương mến
Có những gia đình sau khi tìm được mộ thân nhân nhưng vì ở xa nên không đến thăm thường xuyên được. Từ đó họ nhờ đỡ, gửi gắm bà Hanh trông coi nhang khói. Bà Hanh kể, có một cô gái ở Hà Nội vào Sài Gòn học nên thường xuyên đến viếng mộ chú ruột. Sau dịch, cô trở lại Hà Nội, không còn vào thắp nhang cho chú được nữa. Vì thế mỗi dịp giỗ hay lễ Tết, cô thường gọi điện nhờ bà Hanh mua ít đồ giúp cô cúng mộ chú mình.
“Bản thân tôi làm việc ở đây lâu năm, được mọi người tin tưởng, thấy thân nhân người ta xa xôi mình cũng hết lòng chăm sóc chu đáo. Những người đến thăm mộ, họ vui mừng khi thấy thân nhân mình được nằm ở nơi sạch sẽ, có người chăm sóc. Họ hay dành lời khen làm tôi cũng có chút vui” – bà Hanh xúc động.
Theo lời bà Hanh, hễ ai vào đây thắp hương cho thân nhân đều sẽ đi thắp hương luôn những ngôi mộ khác. Với những người chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, họ không bỏ sót ai, đặc biệt là những ngôi mộ chưa xác định thông tin.
|
Dịp 27-7, không khí nghĩa trang trở nên ấm áp hơn bởi đông đảo đoàn người đến viếng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đến nghĩa trang này thăm mộ người cha là liệt sĩ, anh Lê Minh Lê, trưởng công an phường 1, quận 3, TP.HCM cho biết, anh thường đến đây vào mỗi dịp lễ tết, giỗ cha, ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hay lúc có thời gian.
“Khi đến đây viếng mộ cha mình, tôi thường hay thắp hương cho cả những ngôi mộ khác. Tôi còn dành sự quan tâm đặc biệt cho các ngôi mộ chưa xác định thông tin vì họ không có người thân để chăm sóc, thăm viếng. Tất cả liệt sĩ đã nằm xuống vì độc lập dân tộc, họ xứng đáng có được sự quan tâm của tất cả chúng ta” - anh Lê bộc bạch.