Chuyện về đôi giày của em bé chờ mẹ 4 tháng đi chống dịch

(PLO)-  Những kỷ vật như chiếc áo, đôi dép, chiếc khăn rằn… của NSƯT Quyền Linh, chiếc áo của NSND Kim Cương, MC Quỳnh Hoa… là bằng chứng sinh động về sự đoàn kết và nỗ lực phi thường của TP.HCM trong đại dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị tiếp nhận hiện vật hiến tặng được tổ chức tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vào sáng 14-4, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã nhận được 600 hiện vật của tám tổ chức và 31 cá nhân.

600 nhân chứng của thời gian

600 hiện vật được phân thành hai nhóm nội dung chính là về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Những kỷ vật của thời khói lửa gắn bó với quá trình hoạt động và chiến đấu của những người đã từng tham gia kháng chiến hoặc của người thân là “bảo vật” vô giá chứa đựng cả tình cảm, ký ức và thông điệp lịch sử trong công cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước.

Đôi giày của con trai BS Thanh Thúy do họa sĩ Lê Sa Long hiến tặng. Ảnh: VĂN HÀ

Đôi giày của con trai BS Thanh Thúy do họa sĩ Lê Sa Long hiến tặng. Ảnh: VĂN HÀ

Đó là những hòm đạn, bình toong và ca sắt chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ được bà Trần Diệu Thiện - nguyên cán bộ y tế Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng trong thời gian công tác.

“Nhìn hiện vật đôi giày của em bé, tôi nhớ đến 1.500 trẻ mồ côi do dịch”

“Đôi giày của con trai mà BS Thanh Thúy tặng tôi vô cùng ý nghĩa bởi đó là những bước chân lẫm chẫm của một đứa bé chịu cảnh vắng mẹ hơn bốn tháng. Bên cạnh đó, khi nhìn đôi giày tôi lại nhớ về cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua, cả 1.500 trẻ mất cha, mẹ… chính điều đó khiến tôi rất xúc động” - họa sĩ Lê Sa Long nghẹn ngào chia sẻ.

Hay chiếc chảo tự chế từ vỏ bom Napal, ca sắt, thùng đạn, rựa dùng sinh hoạt và đi công tác trong kháng chiến của ông Võ Văn Hùng, nguyên cán bộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh đó, những hiện vật thời điểm TP.HCM căng mình chống dịch cũng khiến nhiều người xem xúc động. Đó là hình ảnh chiếc áo, đôi dép, chiếc khăn rằn… của NSƯT Quyền Linh, chiếc áo của NSND Kim Cương, MC Quỳnh Hoa… Những kỷ vật ấy là bằng chứng sinh động về sự kiên cường, đoàn kết và nỗ lực phi thường của TP.HCM trong đại dịch COVID-19.

NSND Kim Cương tại hội nghị hiến tặng hiện vật. Ảnh: VĂN HÀ

NSND Kim Cương tại hội nghị hiến tặng hiện vật. Ảnh: VĂN HÀ

Người mẹ bác sĩ xa con thơ suốt bốn tháng

600 hiện vật là 600 câu chuyện mà mỗi nhân vật hay người thân của họ đem đến cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

Trong đó, gây xúc động là câu chuyện về đôi giày của họa sĩ Lê Sa Long. Đây là hiện vật được anh tặng lại cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam sau khi xin từ nhân vật trong sáng tác của mình - BS Phạm Thị Thanh Thúy, Khoa cấp cứu BV Trưng Vương TP.HCM.

“Sau khi tôi vẽ về BS Thanh Thúy thì rất nhiều người đón nhận nhưng tôi vẫn chưa được gặp. May mắn, đến ngày 1-10-2021, TP.HCM trở lại cuộc sống bình thường mới thì ngày 20-10 kỷ niệm ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, tôi đến tham dự và gặp được BS Thanh Thúy trong hình ảnh rất ốm yếu.

Sau khi lên nhận hoa, Thúy xuống ngồi cạnh tôi và lấy điện thoại chụp ảnh để gửi cho chồng con. Tôi nhìn thấy hì3nh ảnh con trai của cô đứng một mình, phía sau là những đóa dã quỳ, nhìn rất thương.

Tôi hỏi đến, Thúy mới khoe với tôi về đứa con của mình và chia sẻ mình đi chống dịch từ tháng 6, nghĩ chỉ đi một tuần sẽ về nên ra chợ mua giày cho con trai. Nhưng cuối cùng, trận dịch kéo dài đến bốn tháng và đôi giày thì con cũng không đi vừa nữa.

Cho nên tôi nói với Thúy sang tháng 12 sẽ vẽ tặng Thúy chân dung cậu con trai. Đồng thời, tôi đề nghị Thúy tặng lại đôi giày cho mình. Ngày 5-12, Thúy cùng chồng sang chỗ tôi. Sau khi tôi tặng bức chân dung, Thúy mới lấy từ trong túi đôi giày nhỏ để tặng lại cho tôi.

Chiếc áo nhắc nghệ sĩ Kim Cương nhớ 100 trẻ mồ côi do dịch

Với NSND Kim Cương, tham gia hội nghị tiếp nhận hiện vật, nữ nghệ sĩ vô cùng xúc động và hạnh phúc.

Nói về chiếc áo của mình đã hiến tặng, NSND Kim Cương chia sẻ: “Phải nói rằng tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tặng chiếc áo đó, bởi nó là một trong những chiếc áo “cưng” của tôi, nhân dịp đầu tiên phát quà cho 100 em mồ côi bởi COVID-19.

Khi các anh chị trong bảo tàng đề nghị hiến tặng thì tôi định lấy một vật gì đó để thay thế nhưng nghĩ lại thấy chiếc áo ấy có ý nghĩa rất lớn là gắn liền tình cảm của tôi với các con trong đợt dịch COVID-19 vừa qua nên tôi quyết định tặng lại cho bảo tàng trong đợt này”.

Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ: “Tôi thực sự rất xúc động trước những kỷ vật thời chống Mỹ của các bác, các cô, anh, chị. Đó là sự hy sinh xương máu của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó là vai trò của MTTQ Việt Nam qua Liên minh dân tộc dân chủ Chính phủ Cách mạng lâm thời và các tổ chức cá nhân.

Bên cạnh đó là vai trò của mặt trận trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại TP.HCM. Mặt trận các cấp mà đặc biệt là Ban Thường trực Mặt trận TP.HCM với sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam kêu gọi được cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, mạnh thường quân cùng đóng góp và nhất là chia sẻ, khơi gợi sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc để góp phần hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Và một điều khiến tôi xúc động lần nữa chính là từ những hiện vật được trao tặng hôm nay sẽ tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để sắp tới chúng ta cũng góp phần, góp sức xây dựng đất nước phát triển”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm