Chuyện về vụ mất tích MiG-21 nửa thế kỷ trước

Tháng 9-2017, trên mạng Facebook tiếng Nga lan truyền câu chuyện về một cô gái có tên Anna Poyarkova đang tìm kiếm người ông của mình, một sĩ quan Xô Viết được xác định là mất tích tại Việt Nam năm 1971.

MiG-21 và chuyện mất tích của chuyên gia Liên Xô

Người sĩ quan ấy là Đại úy Poyarkov, phi công MiG-21, sinh năm 1933, là trung đoàn phó không quân, làm nhiệm vụ ở Việt Nam với vai trò phi công huấn luyện.

Theo thông tin gia đình được thông báo, ngày 30-4-1971, trong một chuyến bay tập, máy bay của ông đã bị rơi vào rừng rậm. Cả máy bay và thi thể người phi công đều không được tìm thấy…

Di vật còn lại được gửi về quê hương người phi công Liên Xô có bằng khen, huân-huy chương của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, huân chương Đoàn kết được thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký tặng ba tháng sau vụ mất tích…

Nam Nguyen (nick name trên Facebook), một cựu du học sinh Việt Nam tại Liên Xô trước đây, hiện sinh sống, làm ăn tại Hà Nội nhưng vẫn tiếp tục dùng vốn tiếng Nga của mình giao lưu với bạn bè. Nắm được câu chuyện này, anh lập tức thông tin lại trên trang Facebook cá nhân của mình, đề nghị bạn bè trên mạng hỗ trợ tìm kiếm.

Gặp PV báo Pháp Luật TP.HCM bên tô phở sáng vào tuần trước, Nam Nguyen không muốn nói nhiều về mình. “Trên mạng tiếng Nga, cô cháu ấy muốn tìm hiểu ông mình mất tích trong hoàn cảnh nào? Khi bay tập hay không chiến? Máy bay rơi ở đâu? Tại sao không thể tìm ra xác máy bay cũng như thi thể phi công? Cô thậm chí còn đặt giả thiết phi công Poyarkov có khi vẫn còn sống, đâu đó trong một làng bản ở Việt Nam... Tôi chỉ nghĩ là họ đã sang giúp chúng ta thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm với họ. Vậy nên cứ đưa lên Facebook như vậy, biết đâu…” - Nam Nguyen chia sẻ.

Hy vọng của Nam Nguyen không phải là vô vọng. Bởi mới một năm trước, cũng nhờ mạng xã hội mà anh đã góp phần giúp một gia đình người Nga tìm được người chồng, người cha Việt Nam, tưởng chừng đã biệt tăm tích sau lần hồi hương mười mấy năm trước...

Mảnh kim loại nghi là mảnh vỡ của chiếc MiG 21 do nhóm của TS  Nguyễn Lê Anh tìm được. Ảnh: TUYẾN PHAN

Đại úy Poyarkov Yuri Nikolaevich, phi công MiG-21 (trái) và phi công Công Phương Thảo. Ảnh tư liệu

Lần ra manh mối từ cộng đồng mạng

Trên Facebook, rất nhiều du học sinh Việt Nam tại Liên Xô cũ kết bạn với Nam Nguyen. Trong số này có Nguyen Leanh (tức TS Nguyễn Lê Anh), cựu chuyên toán A-0 ĐH Tổng hợp Hà Nội, nghiên cứu sinh toán tại đại học danh tiếng Liên Xô cũ Lomonosov, rồi về làm giáo viên Học viện Kỹ thuật quân sự. TS Anh sớm từ bỏ con đường binh nghiệp ra ngoài làm ăn.

“Qua công việc, mình có biết anh Phạm Tuân, anh hùng phi công hồi chiến tranh. Nghe chuyện của Nam Nguyen, mình bốc máy hỏi anh Phạm Tuân có biết gì về vụ mất tích máy bay hồi ấy cũng như ông thầy dạy bay Poyarkov không. Anh xác nhận là có vụ tai nạn mất tích ấy và chính anh Tuân từng được ông thầy Liên Xô này hướng dẫn bay” - TS Nguyễn Lê Anh kể lại.

Từ manh mối ông Phạm Tuân, TS Nguyễn Lê Anh kết nối được với một số cựu phi công MiG-21 thời chống Mỹ. Họ đều nói từng nghe tin về sự việc này, trong đó cho hay cùng mất tích trong vụ này còn có Công Phương Thảo, một phi công trẻ vừa tu nghiệp ở Liên Xô về, lúc ấy đang trong giai đoạn huấn luyện kỹ thuật chiến đấu.

Một người bạn của Công Phương Thảo tên là Nguyễn Khánh Duy đã nghỉ hưu nhiều năm, vẫn nhớ về người bạn học cùng lớp với mình ở trường dạy bay Liên Xô cũ.

“Thảo người Hà Nội, là con duy nhất, bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi Thảo hơn một tuổi rồi không lâu sau mẹ Thảo cũng mất, Thảo ở với bác ruột… Tôi và Thảo cùng được tuyển chọn sang Liên Xô học lái máy bay một đợt. Cả trăm người, đông lắm nhưng tốt nghiệp phi công tiêm kích chỉ hơn hai chục. Cả bọn cùng về nước tháng 10-1970, về huấn luyện tiếp tại Trung đoàn 921. Đây là trung đoàn không quân đầu tiên của ta, vừa sẵn sàng chiến đấu vừa huấn luyện cho phi công chúng tôi” - ông Duy kể.

Nhớ lại thời ấy, ông Duy bảo nghề bay rất đặc biệt. Học viên trẻ sang Liên Xô học phi công bốn năm mới chỉ biết bay cơ bản. Mà muốn làm chủ phương tiện thì phải bay liên tục, nếu không rất dễ sai sót, vừa nguy hiểm tính mạng vừa rủi ro cho khí tài đắt tiền của quân đội.

“Bọn tôi 15-30 ngày mà không bay thì khi trở lại bầu trời đều phải có phi công bay kèm. Hồi ấy, chuyên gia Liên Xô được cử sang hướng dẫn bay kèm. Người Mỹ cứ nghi ngờ là có phi công các nước XHCN sang trực tiếp không chiến nhưng không phải. Họ sang chỉ để hướng dẫn bay kèm cho phi công trẻ khỏi quên thôi. Còn hướng dẫn bay chiến đấu, tác chiến thì toàn phi công ta kèm cặp nhau, đàn anh đi trước hướng dẫn lớp đàn em theo sau…”.

Buổi bàn giao mảnh máy bay đặc biệt

Ngày 28-2, tại trụ sở Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã diễn ra một cuộc làm việc đặc biệt. Đại diện Phòng Cứu hộ cứu nạn của quân chủng tiếp nhận từ nhóm tìm kiếm (đại diện là một cựu sĩ quan quân đội - TS toán học Nguyễn Lê Anh) một mảnh nhôm xù xì, có dây điện nối vào, nghi là của máy bay MiG-21 bị mất tích trên vùng trời Vĩnh Phúc 47 năm trước.

Trên chiếc tiêm kích huấn luyện ấy có hai phi công, một là chuyên gia huấn luyện bay người Liên Xô cũ Poyarkov Yuri Nikolaevich - khi ấy 38 tuổi và học viên Việt Nam - phi công Công Phương Thảo, 22 tuổi.

Hai PV báo Pháp Luật TP.HCM may mắn chứng kiến cuộc bàn giao này, cũng như được tiếp xúc với những người chủ chốt của cuộc tìm kiếm đặc biệt này.

 

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm