CIA, FBI: TQ muốn chiến tranh lạnh tiến tới thay thế Mỹ

Trung Quốc đang theo đuổi vận động một cuộc chiến tranh lạnh chống lại Mỹ, cố tìm cách thay thế vị trí số một toàn cầu của Mỹ, theo Phó Trợ lý Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Michael Collins ngày 20-7.

“Trung Quốc về cơ bản đang nỗ lực thay thế vị trí dẫn đầu thế giới của Mỹ. Cái mà họ đang thực hiện chống lại chúng tôi cơ bản mà nói là một cuộc chiến tranh lạnh. Một cuộc chiến tranh lạnh không giống chúng ta từng thấy trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chỉ giống nhau về định nghĩa. Một nước khai thác mọi sức mạnh hợp pháp và không hợp pháp, công khai và không công khai, kinh tế và quân sự để hủy hoại vị thế của một nước đối trọng với vị thế của mình, mà không viện tới xung đột. Trung Quốc không muốn xung đột” - ông Collins phát biểu tại ngày thứ ba của Diễn đàn An ninh Aspen.

Phó Trợ lý Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Michael Collins. Ảnh: AP

Phó Trợ lý Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Michael Collins. Ảnh: ASPEN SECURITY FORUM

“Cuối cùng, họ muốn tất cả các nước trên thế giới khi quyết định chính sách thì sẽ chọn đứng về phía Trung Quốc chứ không phải Mỹ” - ông Collins nói và cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất toàn cầu mà Mỹ đang phải đối mặt, hơn cả Nga.

Bên cạnh đó, ông Collin cũng lo ngại về ảnh hưởng của truyền thông Trung Quốc, áp lực kinh tế, chính trị, cũng như các yếu tố khác của nước này đến người Mỹ. Dù cho rằng tham vọng cạnh tranh với Mỹ của Trung Quốc ngày càng lớn nhưng ông Collins không tin Trung Quốc sẽ theo đuổi một cuộc “chiến tranh tiếp xúc” với Mỹ.

Không chỉ ông Collins, tại Diễn đàn An ninh Aspen, cả Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Dan Coats cũng đồng tình Trung Quốc là mối nguy hiểm số một của Mỹ hiện nay.

“Từ quan điểm phản gián, tôi nghĩ Trung Quốc là mối nguy lớn nhất, thách thức lớn nhất chúng ta đối mặt” - ông Wray nói tại diễn đàn ngày 18-7.

Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray (phải) tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 18-7. Ảnh: ASPEN IDEAS FESTIVAL

Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray (phải) tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 18-7. Ảnh: ASPEN IDEAS FESTIVAL

Phần mình, ông Coats ngày 19-7 nói Mỹ cần xác định Trung Quốc là “kẻ thù thật sự hay là một đối thủ hợp pháp”, chỉ trích các nỗ lực ăn cắp sản phẩm trí tuệ và bí mật kinh doanh từ Mỹ của Trung Quốc.

Tại diễn đàn, ông Marcel Lettre, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tình báo, lo ngại chiến dịch tạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc đã sử dụng các chiến lược chính trị, tài chính và quân sự để thiết lập và củng cố sự hiện diện của mình ở các nước trong khu vực và thế giới.

“Đó là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai toàn cầu, có quân đội thường trực lớn nhất, lực lượng không quân lớn thứ ba thế giới, lực lượng hải quân tới 300 tàu chiến trong đó có hơn 60 tàu ngầm - tất cả đều đang được hiện đại hóa và nâng cấp” - ông Lettre lo ngại.

Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Dan Coats tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 18-7. Ảnh: AP

Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Dan Coats tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 18-7. Ảnh: AP

Tháng 5 vừa rồi Trung Quốc ra mắt tàu sân bay bản địa đầu tiên, tải trọng 50.000 tấn. Ngày 12-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân “tầm vóc thế giới”.

Thời gian này Trung Quốc cũng khánh thành một số cảng dọc Ấn Độ Dương, trải dài tới Djibouti, nơi có căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Năm ngoái Trung Quốc đã đưa hai tàu chiến chở một lượng lớn binh sĩ đến căn cứ này.

Bà Susan Thornton - quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông có thể sẽ là chất xúc tác thúc giục Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán với các nước cùng tranh chấp. Vấn đề là chưa biết Trung Quốc sẽ đàm phán cùng một lúc với tất cả các nước, hay đàm phán riêng từng nước để dễ dàng hơn.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton. Ảnh: US MISSION TO THE EUROPEAN UNION

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton. Ảnh: US MISSION TO THE EUROPEAN UNION

Cả bà Thornton và ông Collins chỉ ra hàng loạt sự kiện trong vòng một thập niên qua để giải thích cho sự lớn mạnh nhanh của Trung Quốc.

“Trung Quốc rất giỏi trong việc chớp cơ hội, nắm lợi thế, đó là điều họ đã làm trong thời gian qua khi chúng ta tập trung ở Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 2000, rồi tiếp đó là cuộc khủng hoảng tài chính.

Chúng ta phải quay trở lại thế mạnh của mình. Quyền lực mềm của chúng ta có sức mạnh hơn nhiều quyền lực mềm của Trung Quốc. Trung Quốc không thật sự có được sự hấp dẫn như chúng ta có và tôi nghĩ vì các đối tác của chúng ta khắp thế giới hiểu chúng ta sát cánh bên họ, biết chúng ta sẽ không áp đặt ý chí của mình lên họ, rằng chúng ta sẽ hợp tác cùng họ” - theo bà Thornton.

Trong khi đó, ông Collins tin tưởng, với các nước, Mỹ thắng thế Trung Quốc nếu nói về các tiêu chuẩn hành xử, các nguyên tắc, luật lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm