CNN: Ông Biden thề 'áp cái giá đáng kể' lên Nga

Tổng thống đắc cử Joe Biden và nhóm của ông đang chuẩn bị một chiến lược để áp "một cái giá đáng kể" lên Nga không chỉ để đáp trả vụ tấn công mạng lớn nhằm vào các cơ quan liên bang của Mỹ gần đây mà Mỹ cho rằng do Nga thực hiện mà còn đối với các hành động gây rối khác của Nga trong thời gian qua. Các biện pháp sẽ bao gồm các lệnh trừng phạt và các biện pháp khác, đài CNN dẫn một nguồn tin thân cận với ông Biden cho biết.

Mỹ sẽ áp "một cái giá đáng kể" lên Nga

Mặc dù vậy, tổng thống đắc cử hôm 17-12 tuyên bố về vụ tấn công mạng mà không hề đề cập đến Nga.

"Chúng ta cần ngăn chặn đối thủ thực hiện các cuộc tấn công mạng quan trọng ngay từ đầu. Chúng ta sẽ làm điều đó và cả việc áp một cái giá đáng kể cho những người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công độc hại như vậy. Chúng ta cũng sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác của chúng ta để làm điều đó" - ông Biden nói.

Một nguồn tin thân cận với ông Biden nói với đài CNN rằng cuộc tấn công vừa rồi nhằm vào các cơ quan chính phủ và hàng trăm công ty trong danh sách Fortune 500 (những công ty đạt doanh thu khủng của Mỹ) chỉ là một trong hàng loạt vụ tấn công được cho là do Nga gây ra trong bốn năm qua.

Nhóm của ông Biden cũng sẽ làm việc để tăng cường khả năng răn đe bằng cách củng cố hệ thống phòng thủ của Mỹ và làm việc với các đồng minh, nguồn tin giải thích thêm.

Ông Biden tuyên bố sẽ áp "cái giá đáng kể" lên những bên chịu trách nhiệm các vụ tấn công mạng như vừa qua. Ảnh: AFP/ROBERTO SCHMIDT/CNN

Nguồn tin thân cận với ông Biden cho biết những ai gây ra hành động phá hoại nói trên sẽ phải trả giá, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Biden sẽ không đưa ra những lời đe dọa suông.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử sẽ tìm cách xác định phạm vi can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử năm 2020 cũng như hành động của họ trên một số mặt trận khác, bao gồm cả việc Nga treo tiền thưởng cho binh lính Mỹ ở Afghanistan dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Một khi điều đó được thực hiện, ông Biden sẽ vạch ra lộ trình đối phó với Nga và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để thực hiện nó, hai nguồn tin thân cận với ông Biden cho biết.

“Chính quyền ông Biden có một nhiệm vụ khó khăn hơn bất kỳ chính quyền mới nào khác kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bởi vì chính sách hiện đang lung lay sau bốn năm của cầm quyền của Tổng thống Trump" - ông  Edward Fishman, người từng làm việc về các biện pháp trừng phạt Nga dưới thời Obama, cho hay.

Ông Trump đã nhiều lần nói rõ rằng Mỹ có thể hòa hợp với Tổng thống Putin, như thể ông Putin chưa hề tiến hành một cuộc chiến bí mật chống lại Mỹ và các đồng minh. Nhóm sắp tới không được ảo tưởng rằng Nga là một đối tác hợp tác tiềm năng. Có rất ít lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Nga" - Nguồn tin thân cận với ông Biden nói thêm.

Các lĩnh vực mà Mỹ có chung lợi ích với Nga bao gồm biến đổi khí hậu và các vấn đề sức khỏe cộng đồng, các nguồn tin thân cận với Biden và các chuyên gia giải thích thêm.

Ông Biden có dày dặn kinh nghiệm đối phó với Nga

"Ông Biden là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và Putin, cho đến thời điểm này cũng là một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm. Cả hai đều biết cách thực hiện các thỏa thuận theo cách riêng của họ. Vì vậy, nếu có một số thỏa thuận cần tiến hành, họ sẽ thực hiện chúng" - bà Angela Stent, giáo sư khoa dịch vụ đối ngoại của Đại học Georgetown và là cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Nga tại Bộ ngoại giao, cho biết.

Hiệp ước hạt nhân là một trong những vấn đề mà chính quyền Biden sẽ phải đối đầu hoặc có khả năng phối hợp với Nga, bao gồm nỗ lực trừng phạt Triều Tiên và đảm bảo ổn định ở Afghanistan.

Giờ đây, Tổng thống đắc cử cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là Nga có thể đứng sau một trong những cuộc tấn công mạng tinh vi và lớn nhất trong nhiều năm, nhắm vào các cơ quan trong chính quyền và có thể làm phức tạp vấn đề an ninh. Các quan chức Mỹ đang tiếp tục điều tra vụ việc, nhiều nguồn tin nói với đài CNN.

Washington cáo buộc tin tặc Nga đã tấn công một số cơ quan liên bang Mỹ. Ảnh: GETTY

Nhiều chuyên gia cũng tin rằng chính quyền ông Biden sẽ nhanh chóng trừng phạt Nga vì đã đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexey Navalny. Hành động này hiện đang bị ông Trump phản đối, nếu được thực hiện sẽ đặt Mỹ ngang hàng với các đồng minh châu Âu, những người đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Bất chấp những nỗ lực của ông Trump trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Putin, những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Nga được thể hiện rõ trong các biện pháp trừng phạt mà Washington đưa ra nhằm vào Điện Kremlin.

Mỹ đã trừng phạt Nga vì xâm lược Ukraine, can thiệp bầu cử, hoạt động mạng độc hại, vi phạm nhân quyền, sử dụng vũ khí hóa học, phổ biến vũ khí, buôn bán bất hợp pháp với Triều Tiên và hỗ trợ Syria và Venezuela. Trong đó, ông

Ông Trump, người từng nói rằng ông tin tưởng Putin hơn các cơ quan tình báo của chính mình đã lưỡng lự khi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton đã viết trong cuốn sách của mình rằng ông Trump muốn hủy bỏ các biện pháp trừng phạt mà chính quyền của ông đã áp đặt đối với Nga vì vụ đầu độc cha con điệp viên Sergei Skripal. Ông Trump cho rằng họ "quá cứng rắn với Putin".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới