Công văn nêu rõ, năm 2019, về cơ bản các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách trên địa bàn cả nước. Các tỉnh, thành phố đã có những chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người tham gia lễ hội.
Cục Văn hóa cơ sở cho biết, qua theo dõi một số lễ hội được tổ chức đầu Xuân Kỷ Hợi và hoạt động tín ngưỡng tại di tích một số tỉnh, thành phố vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Điển hình như hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi...
Hàng trăm người đội sớ cầu bình an cho gia đình, người thân tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Các hiện tượng tiêu cực như đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống; xem bói, gieo quẻ, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch; tăng giá dịch vụ bán hàng, trông giữ xe vào di tích và lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại các di tích, đền, phủ; ùn tắc giao thông, mất an toàn trên sông, nước; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bày bán thịt động vật hoang dã... cũng được nhấn mạnh còn xuất hiện tại một số lễ hội, di tích.
Để thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và Công văn số 323/BVHTTDL-VHCS của Bộ VH-TT&DL về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng nêu trên, báo cáo về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 30-3-2019 để tổng hợp tình hình quản lý hoạt động lễ hội năm 2019