Cơ chế một cửa quốc gia có hiệu quả nhưng cần cải thiện chất lượng

(PLO)- Kiểm tra chuyên ngành là thủ tục vốn gặp nhiều phản ứng từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng nay có nhiều cải thiện nhờ cơ chế một cửa quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết quả một cuộc khảo sát tập hợp ý kiến, nhận xét của nhiều doanh nghiệp năm 2022 về thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, gắn với hoạt động của Tổng cục Hải quan, đã được Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay, 3-11.

Báo cáo được tổng hợp ý kiến của 3.048 DN xuất nhập khẩu đối với 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (MCQG) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Y tế

Đại diện Tổng cục Hải quan trình bày đề dẫn về nỗ lực cải thiện Cổng MCQG tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Đại diện Tổng cục Hải quan trình bày đề dẫn về nỗ lực cải thiện Cổng MCQG tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Theo kết quả khảo sát, số đông các DN cho biết Cổng MCQG được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Các bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa, nhiều quy định chồng chéo được xử lý.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) trình bày ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) trình bày ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trúc.

Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng Cổng MCQG: 27% DN chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của cổng, 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ còn chậm, 26% DN gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Nguyên nhân chính là hệ thống xử lý thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành chưa "điện tử" hóa hoàn toàn. Vẫn có tình trạng DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần, thời gian các cơ quan xử lý hồ sơ tương đối lâu.

Đại diện nhiều DN và hiệp hội DN đã kiến nghị đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, nâng cấp các chức năng giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN khi thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, cung cấp thêm 1 số tiện ích hỗ trợ DN trên Cổng MCQG.

Đối với việc vận hành Cổng MCQG: các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhật chính sách, quy định mới trên Cổng; cơ quan vận hành cần nâng cấp Cổng, tích hợp thêm các dịch vụ, tiện ích trên Cổng; đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục hành chính; …

Đối với lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành: các bộ, ngành cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các khâu trong quy trình kiểm tra chuyên ngành; áp dụng đầy đủ và rộng rãi hơn nguyên tắc quản lý rủi ro; giảm thiểu những điểm chồng chéo giữa các quy định.

Các cơ quan nhà nước cần có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin để tránh yêu cầu trùng lặp với các DN. Đồng thời cần tiếp tục giảm thiểu chi phí ngoài quy định đối với các DN.

Theo Phó Chủ tịch VCCI - ông Hoàng Quang Phòng, để nâng cao hiệu quả Cơ chế MCQG và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và áp dụng số hóa triệt để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Tính đến ngày 17-10-2022, cơ chế MCQG đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn DN. Cơ chế MCQG của Việt Nam đang góp phần hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm