Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, lịch sử ghi nhận những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới với những suy nghĩ tiên phong, “xé rào”, phá bỏ cơ chế quản lý không phù hợp. Còn trong tình hình hiện nay, liệu cán bộ có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không? Và cơ chế nào sẽ bảo vệ họ trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn cũng như trước quy định của pháp luật?
Quá trình đánh giá cần được công khai, minh bạch
Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được ban hành năm 2021 và đang được hiện thực hóa bằng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đây được xem như một “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, nền tảng để cán bộ phấn đấu vượt khó, sáng tạo trong nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “cán bộ là cái gốc của công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, để cán bộ có thể hết mình phụng sự thì bên cạnh các chế độ, chính sách rất cần một cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung trước các bất cập, vướng mắc của cơ chế, quy định.
Hiện, dự thảo nghị định này đang được Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét ban hành. Bên cạnh xác định các nguyên tắc, điều kiện khuyến khích, bảo vệ thì dự thảo xác định thủ tục trong việc đề xuất, phê duyệt các đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Văn bản đề xuất của cán bộ phải bao gồm tính cấp thiết, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, đánh giá thực trạng từ đó đưa ra các đề xuất và đánh giá tác động của đề xuất.
Tuy nhiên thực tế, những bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ có thể phát sinh một cách thường xuyên, liên tục. Nếu phải được chấp thuận bằng một quy trình hành chính phức tạp với văn bản đề xuất, thông qua cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thì bản thân cán bộ phải xác định đó là vấn đề lớn và quan trọng cũng như phải rất quyết tâm với sự đổi mới đó.
Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Ảnh: ĐỨC MINH |
Những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì có thể dễ sai sót, do không rập khuôn, làm việc một cách máy móc. Không thể lấy những thiếu sót hình thành định kiến, áp đặt, thậm chí quy chụp vào công tác đánh giá cán bộ một cách máy móc, làm rào cản cho sự đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc “hợp pháp hóa” các cơ chế mới, “vượt rào” bằng sự phê duyệt của chính cơ quan, đơn vị sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các lợi ích nhóm, các tham nhũng cơ chế, chính sách. Mặc dù, dự thảo đã xác định rõ cán bộ phải vì lợi ích chung là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng để minh định, phân tách việc này là không hề dễ dàng.
Do đó, quá trình đánh giá, phê duyệt đổi mới này cần được công khai, minh bạch, có sự tham gia của các nhà xã hội, nhà nghiên cứu để sàng lọc những người “núp bóng”, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Lằn ranh giữa dám nghĩ, dám làm và cố ý làm trái
Nguyên tắc trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Mục tiêu của việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm chính là giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất...
Cơ chế này ở một chừng mực nhất định là nhằm bảo vệ những cán bộ dám vượt “vòng tròn” của mình vì lợi ích chung. Vấn đề là cơ sở nào để xác định ranh giới của “sáng tạo, đổi mới” và “cố ý làm trái” khi thi hành công vụ?
Dự thảo đang xác định việc dám nghĩ, dám làm trên trên cơ sở nền tảng khoa học, nằm trong khuôn khổ pháp lý, đạo lý, có tính khả thi, vì lợi ích chung được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị ủng hộ, phê duyệt và tạo điều kiện để triển khai hoặc thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động công vụ còn phải đảm bảo sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền như giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng như ủy ban kiểm tra đối với đảng viên.
Việc phê duyệt sự năng động, sáng tạo theo một thủ tục hành chính ngay tại chính cơ quan, đơn vị của họ liệu rằng đã đủ cơ sở pháp lý để giải trình, thuyết phục với các cơ quan có thẩm quyền khi thanh kiểm tra? Bởi lẽ, kết quả thực hiện thí điểm không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì quá trình xác định rõ nguyên nhân, đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, có vì lợi ích chung để làm cơ sở xem xét, xử lý phù hợp, bảo vệ được cán bộ trước các trách nhiệm pháp lý là mục đích cuối cùng của cơ chế.
Tóm lại, việc ban hành nghị định để có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ là hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc nghiên cứu cơ chế thiết thực, hiệu quả thì phân định giữa lợi ích chung với lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cũng là điều kiện quan trọng để triển khai cơ chế.
Về lâu dài, các cơ quan nhà nước cần tiếp thu ý kiến từ các chủ thể có liên quan cũng như dư luận xã hội để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế chính sách, không phù hợp với thực tiễn như hiện nay.