Muốn TP.HCM đột phá: Cần cơ chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Muốn TP.HCM đột phá: Cần cơ chế để cán bộ dám nghĩ, dám làm

(PLO)- Cần một cơ chế đủ mạnh mà ở đó không còn lực cản nào ngăn trở tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ TP.HCM.

Từ trước tới nay, TP.HCM luôn là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách, đòi hỏi tinh thần đột phá. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ TP phải luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa TP dần trở thành “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. Dám nghĩ, dám làm đã trở thành truyền thống của đội ngũ cán bộ TP trong nhiều thời kỳ.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã nhấn mạnh như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Tinh thần dám nghĩ, dám làm cần được tiếp nối

. Phóng viên: Có thể nói dám nghĩ, dám làm là một truyền thống của nhiều thế hệ lãnh đạo TP.HCM. Vậy trong quá trình phát triển, tinh thần đó đã tạo ra những giá trị to lớn gì cho TP.HCM, thưa ông?

+ Ông Phạm Chánh Trực: Kết quả đó rất rõ ràng. Tôi nghĩ ai cũng nhìn thấy được thông qua quá trình phát triển của TP.HCM trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội.

TP.HCM thật sự trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước - đó là kết quả lớn nhất. Và giờ đây TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa, giáo dục quan trọng, là đô thị có tốc độ tăng trưởng đứng hàng đầu Việt Nam cũng như trong khu vực.

Trong giai đoạn từ đổi mới đến nay, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong đề xuất và thực hiện các mô hình thí điểm, làm thử mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Từ ngày đất nước thống nhất, Bộ Chính trị đã ban hành ba nghị quyết riêng về phát triển TP.HCM, gồm Nghị quyết 01 năm 1982 (khóa V), Nghị quyết 20 năm 2002 (khóa IX) và Nghị quyết 16 năm 2012 (khóa XI). Đến ngày 30-12-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều này càng khẳng định vị thế, vai trò của TP.HCM trong sự phát triển chung của cả nước.

Cán bộ cấp dưới cần một người đứng đầu đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình và cũng là người phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cán bộ cấp dưới cần một người đứng đầu đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình và cũng là người phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy là một biểu tượng cho câu chuyện cán bộ dám hành động đột phá trong thời kỳ đổi mới. Ông có thể kể một câu chuyện mà ông cảm nhận rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm ở thế hệ cán bộ trước?

+ Về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã có nhiều câu chuyện về ông được kể. Lúc bấy giờ, nước ta và TP.HCM áp dụng chính sách kinh tế “kế hoạch tập trung bao cấp” trong khi bị Mỹ bao vây, cấm vận ác liệt.

Kinh tế khủng hoảng trầm trọng, lạm phát cao, sản xuất bị đình trệ, lưu thông hàng hóa bị “ngăn sông cấm chợ”. Tuy nhiên, khi đó Thủ tướng cùng Thành ủy đã “xé rào”, “bung ra”, kết hợp với các nhà máy, xí nghiệp tổ chức sản xuất theo kế hoạch B mà vẫn đảm bảo thực hiện kế hoạch A của Trung ương. Nhờ đó, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hoạt động trở lại, kinh tế TP khởi sắc.

Từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chấp nhận cách làm của TP.HCM là đúng. Từ đó, Bộ Chính trị đã có tiền đề để xây dựng đường lối đổi mới, báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua.

Và tinh thần này của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các lãnh đạo trước đây vẫn được các thế hệ cán bộ TP.HCM tiếp nối đến hôm nay.

Trong bối cảnh hiện nay, khi sự tăng trưởng của TP.HCM đang chững lại, thiết nghĩ tinh thần ấy đang rất cần được bừng dậy trong mỗi cán bộ của TP. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng nguyên do hoàn toàn không nằm ở cán bộ, còn nhiều nguyên nhân khác và cần phải xem xét trong tổng thể.

Và vấn đề bây giờ là làm sao chúng ta có được đội ngũ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chứ không phải chỉ biết tư lợi cá nhân.

Quan trọng nhất là thủ trưởng từng sở, ngành. Nếu anh dám chịu trách nhiệm thì anh em bên dưới mới làm, còn không ai bảo vệ thì họ cũng đùn đẩy.

Người đứng đầu phải dám “dẫn đường”

. Ông nhìn nhận như thế nào về việc một bộ phận cán bộ TP đang có sự e dè, thiếu trách nhiệm, thậm chí các sở, ngành đang đùn đẩy công việc, trách nhiệm cho nhau?

+ Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là thủ trưởng từng sở, ngành. Nếu anh dám chịu trách nhiệm thì anh em bên dưới mới làm, còn không ai bảo vệ thì họ cũng đùn đẩy thôi.

Sự đùn đẩy đó có thể là từ ý thức, cũng có thể là do nhận thức. Vì có nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó nên cần có ý kiến của nhiều người. Trước khi đưa ra một quyết định, người đứng đầu tham khảo ý kiến của nhiều người là đúng nhưng nghe rồi không dám quyết, không đưa ra được quyết định, đùn đẩy qua lại thì rất khó chấp nhận.

Hơn nữa có những việc, những lĩnh vực cần nhiều ý kiến xem xét, có khi một mình lãnh đạo không thể tự ra quyết định mà cần tham khảo ý kiến của sở, ngành, nếu cần thì tổ chức các cuộc lấy ý kiến.

Không ai đồng tình với việc họp bàn nhưng có thành viên không cho ý kiến. Không có chuyện chỉ đi nghe chứ không có ý kiến góp ý. Anh đại diện cho sở, ngành nào thì phải có ý kiến rõ ràng, cụ thể, còn không có ý kiến, không quyết định thì giám đốc sở phải chịu trách nhiệm.

Khi họp vậy thì đưa ra quyết định rất nhanh, sau buổi họp, người chủ trì sẽ đưa ra quyết định có cho chủ trương làm hay không.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các cán bộ tại hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP và Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn năm 2023, chiều 27-4. Ảnh: THANH THÙY

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các cán bộ tại hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP và Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn năm 2023, chiều 27-4. Ảnh: THANH THÙY

. Như ông chia sẻ, người đứng đầu cũng sẽ quyết định việc cán bộ có “dám nghĩ, dám làm”?

+ Đúng vậy, bởi họ là bệ đỡ, là người dám ra quyết định, tạo cơ hội để cấp dưới dám nói, dám làm, thể hiện sự sáng tạo của mình. Vì cấp dưới cần một sự “mở lời”, một người “dẫn đường” và bảo vệ được mình. Thế nhưng người đứng đầu đó cũng phải đủ bản lĩnh để tự bảo vệ mình trước. Họ cũng phải “dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm” trước.

Thời kỳ của chúng tôi, cán bộ xuất thân từ kháng chiến rất tin tưởng cấp trên của mình, họ bảo gì làm đó, không có tính toán, vụ lợi gì khác. Thời đó không có chuyện đùn đẩy, không biết đùn đẩy là gì.

Còn bây giờ, khi chúng ta định hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều thành phần kinh tế nên có nhiều thứ phát sinh, do đó anh em còn ngại, chưa mạnh dạn làm. Nhưng càng như vậy, càng cần một người đứng đầu đủ bản lĩnh để làm chỗ dựa tinh thần cho anh em.

Một điều cần hơn nữa là phải có một cơ chế đủ mạnh để bảo vệ được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, để không còn lực cản nào ngăn trở tinh thần đó. Cuối cùng, yếu tố quyết định là động cơ hành động của cán bộ. Nếu cán bộ một lòng vì dân, không vụ lợi, không cá nhân chủ nghĩa thì sẽ dám nghĩ, dám làm.

. Liệu có thể có một “quy hoạch mở” nào cho cán bộ nhằm tạo điều kiện cho họ dám nghĩ, dám làm không, thưa ông?

+ Điều này phụ thuộc vào chủ trương của cấp trên. Quan trọng là TP.HCM có mạnh dạn làm hay không, Trung ương thấy như thế nào.

Nhìn lại một chút để xem xét thì trước kia, Bác Hồ đã sử dụng những đại thần nhà Nguyễn hay những người ngoài Đảng trong bộ máy của mình. Tùy tình hình, tương quan lực lượng, Người đã sử dụng con người rất linh hoạt. Lĩnh vực nào chưa có kinh nghiệm, thấy có người giỏi thì Người dùng ngay.

Thời kỳ lập nước, lập Chính phủ, Người nhận thấy cần có người biết, am hiểu lĩnh vực ngoại vụ là làm gì, nội vụ làm gì, tài chính làm gì và dùng người phù hợp. Đó là sự linh hoạt, khôn khéo trong cách dùng người.

Với những người mình nhìn thấy được họ có tâm, có tầm nhìn, có năng lực nhưng chưa bản lĩnh do chưa có sự trui rèn, va đập với thực tiễn, liệu anh có dám đưa họ lên không? Hay chỉ nhìn vào những người đã được quy hoạch? Anh không dám thì bộ máy cứ như vậy thôi.

. Xin cám ơn ông.

Một lòng một dạ lo cho nước, cho dân thì phải xem xét

Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định để bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm và Thủ tướng cũng nhiều lần yêu cầu làm nhanh. Tôi thấy đó là điều đáng hoan nghênh. Phải xây dựng cơ chế, điều đó là quan trọng và cần sớm cụ thể hóa để thực hiện.

Ngay như TP.HCM cũng phải cụ thể hóa những chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì mới biết cách để thi hành. Phải có cơ chế cụ thể, chế tài ra sao, khuyến khích - bảo vệ cán bộ như thế nào, khen thưởng cụ thể, thưởng - phạt công minh... Điều này Trung ương cũng cần tính toán.

Trong khi chờ một cơ chế để bảo vệ cán bộ, TP.HCM cần chủ động rèn giũa, huấn luyện cán bộ của mình, rồi tiếp tục huấn luyện họ trong suốt quá trình chứ không chỉ đơn giản đi tới trường Đảng là xong.

Dù vậy theo tôi, quan trọng nhất, điều quyết định vẫn là bản thân người cán bộ. Nếu mình một lòng một dạ lo cho nước, cho dân mà có sai khuyết thì người ta sẽ xem xét để khắc phục, giúp mình trưởng thành hơn chứ không phải là trừng trị. Mặt khác, cán bộ phải gắn với tập thể chứ không thể một mình, phải sinh hoạt, có gì vướng mắc, khó khăn thì bàn bạc ở cấp ủy.

Cùng với đó, huấn luyện là công tác gốc. Khi có vấn đề thì cùng ngồi lại để phân tích. Học là học ngay trong thực tiễn, soi rọi thực tiễn để rèn mình bởi thực tiễn sinh động lắm.

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM

*****

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO:

Lắng nghe phản biện từ cấp cơ sở

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế hiện nay của TP. Trong đó có việc các cơ chế, chính sách không phù hợp, nhất là chính sách pháp luật còn chồng chéo dẫn đến triển khai công việc bị ảnh hưởng.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Sự chỉ đạo còn chung chung, sự tháo gỡ chưa đi vào cụ thể, nhiều câu hỏi từ dưới đưa lên nhận được trả lời chung chung. Cạnh đó là tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm thì sợ sai. Khi làm sai sẽ bị xử lý theo cả dây chuyền, không rõ ai chịu trách nhiệm chính.

Chúng ta nói bảo vệ nhưng thực ra đã bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai để đội ngũ cán bộ nhìn vào đó tự tin dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để làm được điều đó, tôi cho rằng phải có sự lắng nghe ý kiến phản biện từ dưới lên, từ cán bộ cấp cơ sở thay vì chỉ triển khai từ trên xuống.

ThS TRẦN NAM, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Người lãnh đạo cần đi đầu ủng hộ cho sự đổi mới, sáng tạo

ThS Trần Nam.

ThS Trần Nam.

Hiện nay có tình trạng dám nghĩ nhưng chưa thực sự dám làm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do cán bộ chưa được khuyến khích, tạo động lực để sáng tạo cái mới; cũng có thể do cơ chế và quy định ràng buộc hay đôi khi còn do năng lực của đội ngũ.

Người lãnh đạo phải là người đi đầu ủng hộ cho sự sáng tạo và đổi mới. Nếu được lãnh đạo quan tâm, ghi nhận, tạo điều kiện thì tôi nghĩ người lao động đều mong muốn sáng tạo, đóng góp. Đó cũng là động lực, vì sự đóng góp phát triển, mong muốn được ghi nhận và khẳng định mình là nhu cầu thường trực của mỗi người.

Ông TRẦN VIỆT TRUNG, người dân TP Thủ Đức:

Cần cơ chế và hành lang pháp lý cụ thể

Tôi đánh giá cao việc lãnh đạo TP.HCM đã thẳng thắn nhìn nhận hiện TP đang có bộ phận cán bộ e dè, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thực tế, TP.HCM luôn rất cần những cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo sự đột phá trong công việc. Tinh thần Võ Văn Kiệt đã luôn hiện diện ở TP này, trong nhiều giai đoạn phát triển. Cán bộ dám nghĩ, dám làm với cái tâm trong sáng, vì dân thực sự, không tư lợi cá nhân thì sẽ được người dân tin tưởng.

Ông Trần Việt Trung.

Ông Trần Việt Trung.

Trong bối cảnh của TP hiện nay lại càng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ giỏi, có tinh thần cống hiến và dám nghĩ, dám làm. Dù vậy, sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm luôn đi kèm với những rủi ro. Vậy ai sẽ là người bảo vệ họ trước những rủi ro đó?

Tôi cho rằng việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm là điều rất cần thiết. Bởi nếu không có một cơ chế thông thoáng, một hành lang pháp lý cụ thể thì khó có thể đòi hỏi đội ngũ cán bộ TP.HCM xông pha cống hiến.

VÕ THƠ - THANH TUYỀN ghi

Đọc thêm